VNTB – Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chúng tôi chưa nghĩ ra cách thu hồi 600 tỉ của Đinh La Thăng

VNTB – Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Chúng tôi chưa nghĩ ra cách thu hồi 600 tỉ của Đinh La Thăng

Trần Quí Thường

 

(VNTB) – “Chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp thu hồi tiền tham nhũng.”


Ngày 20/3, đã xuất hiện nhiều bất cập, mâu thuẫn trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình. Cụ thể, ông này cho biết toà án có nể nang trong các vụ án mà cơ quan nhà nước bị kiện. Hài hước hơn, ông nói toà án thiếu kinh phí, thẩm phán phải mang ti vi ở nhà lên để xét xử trực tuyến. Thậm chí ông còn tuyên bố trước quốc hội rằng “chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp thu hồi tiền tham nhũng”.
 


Nhiều thẩm phán có dấu hiệu chạy án nhưng chỉ “giáo dục đạo đức công vụ” là xong

 

Hàng năm có khoảng 80.000 vụ án hình sự mà tòa án phải xử lý. Nhiều vụ án bị hủy, sửa theo lỗi chủ quan của các thẩm phán. Chánh án TANDTC thừa nhận việc hủy án là do các thẩm phán nể nang, ngại va chạm, bởi vì bên bị kiện chủ yếu là các cơ quan nhà nước. Có trường hợp chủ tịch UBND các tỉnh bị người dân kiện nhưng do chủ tịch bận quá, không có thời gian ra tòa nên các vụ án bị chậm, huỷ hoặc sửa án.

Đại đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đặt nghi vấn về việc thẩm phán có tham gia chạy án hay không, khi mà báo cáo xét xử vụ án hình sự cho thấy có việc xét xử sai tội danh. Các phiên toà sử dụng không đúng hình phạt, tình tiết tăng nặng dẫn tới tuyên không đúng khung hình phạt hoặc quá nhẹ.

Ông Bình trả lời: “Nếu lỗi nghiêm trọng, thẩm phán bị kỷ luật, nếu lỗi không nghiêm trọng sẽ bị dừng xét xử, không tái bổ nhiệm, không xếp loại thi đua. Các thẩm phán rất lo lắng về không tái bổ nhiệm. Phấn đấu cả đời được thẩm phán nhưng tỉ lệ hủy, sửa cao hơn yêu cầu Quốc hội, của tòa án sẽ không tái bổ nhiệm”. Để phòng ngừa các cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật, chánh án TANDTC cho biết đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là áp dụng hình thức “giáo dục đạo đức công vụ cho thẩm phán”.

Hết tiền, phá sản rồi lại bắt đóng kinh phí để làm thủ tục tuyên bố phá sản


Một vấn đề nhức nhối mà Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng phải thừa nhận là những quy định về việc giải quyết các vấn đề phá sản của doanh nghiệp còn nhiều phức tạp, rối rắm. Ông cho biết cả nước có 6.000 thẩm phán rất giỏi xét xử các vụ án hình sự, dân sự nhưng lại không có kinh nghiệm trong các vụ án phá sản.

Quy định trong luật phá sản của doanh nghiệp Việt Nam còn khác với nhiều nước trên thế giới. Ở những quốc gia khác, pháp luật coi phá sản là quá trình phục hồi của doanh nghiệp, coi việc kết thúc của doanh nghiệp bê bết, thua lỗ như một sự tái cơ cấu kinh tế. Còn ở Việt Nam coi phá sản là việc rất nghiêm trọng.

“Ta quy định ngặt nghèo về trình tự phá sản, từ các quy định về quản tài viên, điều kiện mở thủ tục phá sản rồi yêu cầu đóng kinh phí. Người ta hết tiền, phá sản rồi lại bắt đóng kinh phí để làm thủ tục tuyên bố phá sản. Có những quy định tương đối bất cập nên trên thực tế tỷ lệ giải quyết các vụ việc phá sản còn hạn chế”, ông Bình nói.

Quá trình giải quyết phá sản ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập. Được biết, toà án phải làm nhiều bước rối rắm như xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán; thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, quyền, nghĩa vụ của quản tài viên, việc giám sát hoạt động của quản tài viên, về tạm ứng chi phí phá sản…

Tuy nhiên, hiện nay luật phá sản chưa biết khi nào mới sửa. Ông chánh án cũng không biết xử lý vấn đề này như thế nào ngoài việc “tiếp tục nâng cao trình độ thẩm phán” để xét xử, giải quyết các vụ án phá sản.

 

Tiền tham nhũng: thu hồi 40% là đáng biểu dương, 60% còn lại là hàng trăm ngàn tỷ thì không có cách xử lý, coi như mất luôn?

 

Khi đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề về việc thu hồi tài sản tham nhũng của các cán bộ cộng sản, chánh án TANDTC cho biết thời gian qua các cơ quan tố tụng đã cố gắng để tỷ lệ thu hồi được 40% tổng số tài sản đã tham nhũng. Ông Bình tự hào rằng con số này là rất đáng ghi nhận, biểu dương. Nhưng 60% còn lại là hàng trăm ngàn tỷ thì không biết cách giải quyết.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội, chánh án Nguyễn Hòa Bình liên tục đưa ra các so sánh với nước ngoài, để biện hộ cho việc không thu hồi được hàng trăm ngàn tỷ đồng tham nhũng của quan chức cộng sản Việt Nam. Ông cho rằng trên thế giới không làm được thì sao mình làm nổi, vấn đề này ở tất cả các nước “không bao giờ triệt để”.

Các nước xem tham nhũng là tội đặc thù, quan chức phải chứng minh nguồn gốc tài sản tham nhũng, họ bắt buộc nghi can phải có giải trình. Ví dụ, nếu như nghi can có tài sản mà không chứng minh, giải trình được nguồn gốc hợp pháp bị xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu. Việt Nam chưa làm được điều này nên tỷ lệ thu hồi còn thấp.

Chánh án TANDTC đưa ra ví dụ vụ Trustbank (Ngân hàng Xây dựng), bà Hứa Thị Phấn làm mất của ngân hàng hơn 10.000 tỉ đồng. Tòa buộc phải tuyên bà Phấn bồi thường số tiền đó, nhưng tuyên xong bà Phấn chết thì không biết làm sao mà đòi lại số tiền. Hoặc ở vụ án OceanBank, chánh án Bình nói: “ông Đinh La Thăng phải đền bù 600 tỉ đồng, đã đi tù rồi. Đây là bản án khó thi hành nhưng không tuyên không được. Cách nào để bản án thực thi trên thực tế thì chúng tôi chưa nghĩ ra giải pháp”.



Vẫn than thiếu kinh phí và xin thêm ngân sách

 

Ngoài ra ông Chánh án cũng đổ lỗi cho các cơ quan tiến hành tố tụng có năng lực kém. Dẫn tới chất lượng điều tra, truy tố, xét xử còn thấp và các cơ quan không kịp thời phong tỏa tải sản có dấu hiệu tham nhũng. Khiến cho các đảng viên cộng sản, tội phạm có thời gian tẩu tán, giấu tài sản.

Giải thích vấn đề chất lượng xét xử các vụ án còn kém, chánh án Nguyễn Hoà Bình than thở rằng do thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, “có tòa án mang ti vi ở nhà lên để xét xử”. TAND tối cao đã đề xuất Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH bổ sung dự án trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến.

Đánh giá về phiên trả lời chất vấn của Chánh án TANDTC, một nhà bất đồng chính kiến cho rằng ông Nguyễn Hoà Bình chỉ ngụy biện, đổ lỗi nhưng không có giải pháp thiết thực. Một người đứng đầu ngành toà án mà hỏi tới đâu cũng nói rằng “không biết cách xử lý, không có giải pháp, thiếu kinh phí, thiếu năng lực…” thì nên từ chức để người khác lên thay.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)