Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chỉ đạo án?

Hướng Dương

 

(VNTB) – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng – chủ trì họp, cho ý kiến về một số vụ án tham nhũng.

 

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu khẩn trương xét xử 5 vụ án trọng điểm.

Báo Tuổi Trẻ hôm 21-11-2020 tường thuật:

“Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án:

  1. Vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan.
  2. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
  3. Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
  4. Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.
  5. Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan”. (*)

Phải chăng ở đây là vấn đề “chỉ đạo án” qua việc đốc thúc phải sớm mang ra xét xử các vụ án theo yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng?

Trước đó, ở phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10-11-2020, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định, “Không có việc chỉ đạo án”.

Ông Bình nhấn mạnh: “Chỉ đạo án phải có hồ sơ mang lên cùng nhau nghiên cứu, chứ bằng một văn bản thì không thể xem là chỉ đạo. Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ, mà là hồ sơ gốc. Cách thức như thế mà bảo chỉ đạo án như thế là không đúng. Đó là thỉnh thị về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vấn đề còn cách hiểu khác nhau”. (**)

Như vậy thì cần hiểu thế nào khi bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ có đoạn viết: “Sáng 25-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng – chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác”?

Cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 17 đến nay”, nếu không được hiểu theo cách của “chỉ đạo án”, thì nên cần phải hiểu như thế nào theo đúng cách lập luận mà Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh ở phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 10-11?

Mục đích của chỉ đạo án ở đây còn được thể hiện qua nội dung bài báo: “Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất một số nội dung: Kết thúc điều tra, ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, có cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp; nhất là đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 4 vụ án trọng điểm (…)”.

Tin tức ở cuối bài tường thuật trên báo Tuổi Trẻ, một lần nữa đã tái xác nhận về ‘chỉ đạo án’: “Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã đồng ý đưa vụ án “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”.

Có ý kiến ‘bênh vực’ chuyện cần phải ‘chỉ đạo án’, với biện luận khá thú vị như sau:

“Nền tư pháp Việt Nam, sự chỉ đạo án không phải hoàn toàn là xấu. Nếu không có chỉ đạo, nhiều tội phạm với quyền và tiền của sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Khi đó một mặt thì bộ máy nhà nước tiếp tục mục ruỗng, mặt khác là nhân dân cơ cực nhọc nhằn.

Tất nhiên ngược lại, có nhiều trường hợp chỉ đạo án là xấu, và chúng ta có lý do chính đáng để đòi hỏi cho tư pháp độc lập, đó là sự chỉ đạo trong các vụ án đối với những tù nhân lương tâm, những người vì lương tâm lên tiếng mà bị bức hại, rất nhiều người trong số họ chỉ đơn thuần là lên tiếng cho các vấn đề xã hội, đòi hỏi các quyền chính đáng của mình.

Cho nên tóm lại, cần minh định một điều rằng, trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, sự chỉ đạo án không hoàn toàn là xấu (?!)”

____________________

Chú thích:

(*) https://tuoitre.vn/khan-truong-hoan-thanh-xet-xu-so-tham-5-vu-an-trong-diem-20201125112147007.htm

(**) https://plo.vn/phap-luat/chanh-an-toi-cao-khong-co-viec-chi-dao-an-949251.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Chọc ngoáy đầu xuân con trâu Tân Sửu

Phan Thanh Hung

VNTB – Vì sao có ‘bệnh’ sợ sai, sợ trách nhiệm?

Do Van Tien

VNTB – Phép thử nhân sự cho nhiệm kỳ mới của tổ chức chính trị, và của… hội đoàn dân sự

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo