Hàn Lam
(VNTB) – Nga nâng lãi suất lên 20% nhằm hỗ trợ đồng Rúp.
TS Nghiêm Văn Bảy – trưởng bộ môn ngân hàng, khoa ngân hàng – bảo hiểm, Học viện Tài chính, nhận xét: “Tiền chi cho chiến tranh vô cùng lớn, một quả tên lửa lên đến hàng chục triệu đô.
Nhằm bù đắp cho các thiếu hụt, tăng thêm nguồn lực dự trữ tài chính quốc gia, từ đó duy trì mục tiêu chính trị, Chính phủ Nga không thể bắt người dân nộp tiền vào mà phải dùng công cụ gián tiếp là tăng lãi suất – nguyên lý chung trong điều hành tiền tệ các quốc gia. Khi đó thị trường sẽ được điều tiết theo hai hướng là giảm cung tiền ra nền kinh tế và tăng dự trữ tiền vào hệ thống ngân hàng – cũng là dự trữ cho Chính phủ”.
Cũng trong nỗ lực nhằm hỗ trợ đồng Rúp, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và Bộ Tài chính nước này cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này phải bán 80% lượng dự trữ ngoại hối ra thị trường. Việc bán các ngoại tệ như USD, Euro,… và mua đồng Rúp sẽ khiến cho giá trị của đồng Rúp tăng lên tương đối khi so với các ngoại tệ.
Biến động trên thị trường ngoại hối xuất hiện sau khi Mỹ và các nước phương Tây ngày 27-2 thông báo áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính mạnh tay nhằm vào Nga, nổi bật là ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng SWIFT vì hành động xâm lược của Moskva tại Ukraine.
CBR cũng cho biết sẽ bơm 733 tỷ Rúp (8,78 USD) ra thị trường để đảm bảo tính thanh khoản. Trước đó vào năm 2014, CBR cũng từng tăng lãi suất cơ bản lên 17% khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Nga sở hữu kho dự trữ ngoại hối trị giá 630 tỷ USD, tuy nhiên các chuyên gia nhận định chính quyền Moscow chỉ còn tiếp cận được 50% nguồn lực này.
Theo một bình luận của CNN, chính phủ Nga đang cố gắng ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính sau khi đối mặt với một loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Tổng thống Vladimir Putin vừa phải tổ chức các cuộc họp với các cố vấn kinh tế hàng đầu nhằm tìm ra giải pháp khắc phục khủng hoảng.
Đồng nội tệ nước này hiện ở mức thấp kỷ lục so với USD. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Moscow phải đóng cửa trong 2 ngày 28-2 và 1-3.
Vì làn sóng đổ xô rút tiền mặt, chi nhánh châu Âu của ngân hàng lớn nhất nước Nga đối mặt nguy cơ bị sụp đổ. Các chuyên gia quốc tế cảnh báo GDP Nga có thể sụt giảm 5%.
Lần gần đây nhất Nga trải qua một đợt rút tiền ồ ạt là vào năm 2014, khi giá dầu giảm chóng mặt và các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến tỷ giá đồng Rúp giảm sâu. Khi đó, ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank bị rút 1,3 ngàn tỷ Rúp, tương đương 16 tỷ USD, chỉ trong vòng 1 tuần.
Có ý kiến so sánh rằng Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất lên 20% cũng giống như Việt Nam áp dụng vào thời kỳ năm 2011. Điều này được phản biện như sau: Giai đoạn năm 2011, Việt Nam vừa trải qua cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu (2007 – 2008), các ngân hàng muốn phục hồi hoạt động, doanh nghiệp cũng muốn tăng vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng muốn có tiền cho vay phải tăng huy động vốn. Cầu vượt cung, tăng trưởng nóng nên lãi suất tăng. Trong khi đó, lúc này Nga lại dùng biện pháp tăng lãi suất trong bối cảnh bị các nước cấm vận do thực hiện chiến tranh xâm lược tại Ukraine.
Xem ra chi phí cho cuộc chiến tranh mà Nga đang cố gắng kết thúc nhanh nhất trong việc xâm lược Ukraine đã không như dự tính ban đầu.
Một ghi nhận liên quan cho biết, dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, vào tháng 12-2021 và tháng 1-2022, châu Âu trở thành điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu LNG của Mỹ. Trong tháng 1-2022, các chuyến hàng từ Mỹ đến châu Âu đạt 2/3 tổng lượng LNG xuất khẩu của Mỹ. Trước đó một tháng, con số này là khoảng 61%.
Trong tháng 1-2022, xuất khẩu LNG của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 7,3 triệu tấn, bao gồm 13 tàu chở LNG chưa xác định được điểm đến cuối cùng. Về phía châu Âu, tháng trước cũng đã nhập khẩu khối lượng LNG lớn nhất trong lịch sử là 11,8 tỷ mét khối và 45% khối lượng này đến từ Mỹ.
Na Uy và Algeria lần lượt là nhà cung cấp đường ống dẫn khí đốt lớn thứ hai và thứ ba cho châu Âu sau Nga.
Như vậy xem ra đúng là có căn cứ cho nhận định “Châu Âu sẽ không có nguy cơ gặp vấn đề nào về khí đốt trong mùa đông này, ngay cả khi nguồn cung cấp từ Nga bị cắt hoàn toàn”, bà Ursula von der Leyen – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) – khẳng định mới đây.