Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính phủ cần khoan sức dân

Minh Lê

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam triển khai gói hỗ trợ 61.580 tỉ đồng, trong đó 52.000 tỉ đồng hỗ trợ cho 6 nhóm trong 3 tháng (4-5-6) từ người nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng cho đến nhóm doanh nghiệp. Nguồn tiền được lấy từ ngân sách nhà nước và ngân hàng chính sách.

 

Nguồn tiền này dù còn khiêm tốn, nhưng vào thời điểm hiện tại là nguồn cần thiết đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp chống chịu với dịch bệnh. Về mặt kinh tế có vẻ sẽ đảm bảo cho khối doanh nghiệp có thể tái đầu tư sản xuất trở lại qua vay lãi suất 0% ở nhà băng, về mặt xã hội hạn chế các tác động tiêu cực lên nhóm người nghèo khổ – tránh mầm mống loạn ly trong xã hội.

Con số 61.580 không phải là nhỏ trong tình cảnh ngân khố quốc gia bị thất thu, ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Con số đặt ra nhiều vấn đề trong khơi lọc nguồn lực quốc gia và gượng mình dậy như thế nào sau dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người hiểu hết tình hình ngân khố lúc này, khi ông đề cập đến thực trạng nước giàu và nước nghèo sau khi dịch bệnh kết thúc. Có lẽ nhóm tư vấn của thủ tướng đã tư vấn chính xác thực trạng, hướng đi cho nền kinh tế theo đúng tinh thần ‘thắt lưng buộc bụng’.

Vậy làm thế nào để khơi dậy tiềm lực quốc gia để sốc dậy nền kinh tế, xã hội? Câu trả lời nằm ở quá khứ, vào thập niên 80 về trước. Với phương châm nhìn thẳng sự thật, quyết tâm đổi mới về mặt kinh tế, chuyển đối tác với cựu thù Mỹ đã tạo nên thành tựu đổi mới trong 30 năm. Nhưng đổi mới 1986 đã dần cạn kiệt, đuối hơi trong thời kỳ hội nhập, dịch bệnh. Nhà nước cần nhìn thẳng vào thực tại nền kinh tế, xã hội để thêm một lần nữa đổi mới toàn diện về cả mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

Về mặt kinh tế, thực hiện nền kinh tế thị trường hoàn toàn theo chủ nghĩa Tây âu. Nền kinh tế cạnh tranh, sàng lọc yếu kém tiến tới được Âu Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh để đón nhận làn sóng đầu tư, các ưu đãi từ cường quốc nước lớn.

Về mặt chính trị, cần tôn trọng bản hiến pháp theo đúng nghĩa của nó, trên hệ giá trị Công ước Quyền dân sự – chính trị mà nhà nước cam kết. Thực thi trong khối cơ quan nhà nước, thực tế trong các hoạt động hành pháp, tư pháp và lập pháp. Hạn chế, tiến dần đến chấm dứt các vụ bắt giữ liên quan đến hoạt động về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, và các quyền khác trong Công ước. Cởi mở quyền dân sự, chính trị sẽ thu hút nội lực quốc dân, các tổ chức – cá nhân trong hoạt động xã hội để cùng chung tay với chính phủ. Chấp nhận tiếng nói đa diện trong xã hội là cách thực hành tốt nhất quyền dân sự, chính trị.

Về mặt xã hội, giảm thuế phí để khoan sức dân. Lấy dân, trọng dân, lắng nghe dân. Trọng tâm giải quyết các vấn đề đất đai, trừng phạt nặng các tiêu cực, tham nhũng trong phân cấp đất đai là bài giải duy nhất cho các vấn đề dân oan ở Việt Nam, giải toả nỗi bức xúc dồn nén trong xã hội.

Chỉ khi thực thi các giải pháp tốt, bằng đổi mới chính trị, kinh tế, xã hội thì mới có thể tăng đồng thuận trong xã hội và đưa người dân đồng hành cùng chính phủ. ‘Tuần lễ vàng, hũ gạo cứu đói’ sau lời kêu gọi của Chính phủ sẽ hiện diện trở lại, và tiềm lực quốc gia sẽ được khơi thông. Nguồn ngân khố quốc gia sẽ sớm lấp đầy trở lại nếu chính phủ thực sự hành động vì nhân dân thông qua đổi mới.

Quyền lực, nhà tù, cảnh sát không giúp quốc gia tốt lên, trong khi khơi thông tiềm lực quốc dân thông qua đổi mới giúp dân tộc trở nên thịnh vượng. Và nhân dân luôn nhớ những ai vì dân tộc mà dám đổi mới. 61.580 tỉ đồng lúc đó sẽ không còn là vấn đề lớn.

Tin bài liên quan:

Dù có covid thì cũng phải “thành công tốt đẹp”!

Phan Thanh Hung

VNTB – Truyền thông tạo sợ hãi để buộc người dân đi chích ngừa Covid

Trương Thế Tử

VNTB – Độc quyền hội đoàn nghề nghiệp

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo