Phạm Kiên
(VNTB) – Câu chuyện Đồng Tâm, Thủ Thiêm hay nhiều nơi mà cưỡng chế đất vẫn đã và đang xảy ra với mục đích “an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng” thực chất ra xuất phát từ chính thực quyền của công dân đối với sở hữu đất đai không được tôn trọng.
Sự giàu lên của các tập đoàn kinh doanh bất động sản tương thích với sự nghèo đi của bộ phận người dân mất đất.
“Độc lập dân tộc” và “người cày có ruộng” là hai khẩu hiệu của cuộc cách mạng dân chủ tại miền Bắc , do chính ĐCSVN khởi xướng kéo dài từ năm 1930 – 1954.
Khai sanh nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thu hút đông đảo các giai tầng trong xã hội tham gia Chánh phủ thời kỳ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch chính vì cái khẩu hiệu dân chủ đó. Thế nhưng, khi Nhà nước Việt Nam thống nhất lãnh thổ, Hiến pháp 1980 đã đưa ra khái niệm “sở hữu toàn dân về đất đai”, đẩy khẩu hiệu của cuộc cách mạng dân chủ nêu trên vào miền dĩ vãng. Đồng nghĩa, dấu chấm hết chế độ đa sở hữu.
Vì sao Hiến pháp 1980 và nguyên tắc “sở hữu toàn dân” được các vị Đại biểu quốc hội thời kỳ đó thông qua?
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, lúc đó “nhiều đại biểu Quốc hội vẫn nghĩ rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân nghĩa là mỗi người có một mảnh đất, chứ không hiểu rằng tuyên bố đó đồng nghĩa với quốc hữu hóa đất đai.”
Nhận thức chưa đầy đủ về “sở hữu toàn dân” tiếp tục kéo dài qua các đời Hiến pháp, và trở thành một khái niệm rỗng đối với chủ thể người dân, nhưng lại thành một thực quyền đối với lợi ích nhóm.
Câu chuyện Đồng Tâm, Thủ Thiêm hay nhiều nơi mà cưỡng chế đất vẫn đã và đang xảy ra với mục đích “an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng” thực chất ra xuất phát từ chính thực quyền của công dân đối với sở hữu đất đai không được tôn trọng.
Báo Nhân Dân, trong số ra ngày 19/4/2013 khẳng định “Sở hữu toàn dân về đất đai là tất yếu lịch sử trong điều kiện nước ta hiện nay”, nhưng không đề cập những hệ lụy bất ổn từ chính yếu tố “sở hữu toàn dân” này. Ngay cả ý thứ chín giải thích vì sao không sở hữu tư nhân đất đai, cho đó là “một yếu tố cản trở đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội” thực tế là chuyên chính quyền lực nhà nước trong vấn đề đất đai, không tôn trọng ý chí và quyền của người dân về đất đai. Trong lúc, cái gọi là “hệ quả là có người sở hữu quá nhiều đất, người lại không có tấc đất cắm dùi” nhằm biện hộ cho không tư nhân hóa đất đai thực tế lại đang diễn ra phổ biến trong xã hội Việt Nam. Điều 62 Luật đất đai 2013 đã bị lợi ích nhóm lợi dụng triệt để thâu tóm đất đai với số lượng lớn, dưới sự bảo trợ của quyền lực cưỡng chế nhà nước, và trả cho người dân có đất những đồng tiền rẻ mạt, gián tiếp bần cùng hóa cuộc sống của họ.
Báo Nhân Dân liệu giải thích như thế nào về con phố mang tên “Dân oan Ngô Thì Nhậm”, nơi tập trung dân oan ba miền, và phần nhiều trong đó là nạn nhân trực tiếp của Điều 62 Luật đất đai hiện hành? Hay quỹ đất công bị rơi vào tay các tập đoàn bất động sản thông qua quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?
Vào tháng 5/2013, đã xuất hiện đề xuất trong Quốc Hội Việt Nam liên quan đến loại bỏ quyền hạn của Nhà nước trong cưỡng chế thu hồi đất để phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Giàu, lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đã kiên quyết phản đối quan điểm này, vì ông cho rằng quyền như vậy là cần thiết để bảo vệ các khu công nghiệp mới và cơ sở hạ tầng liên quan. Thế nhưng ông Giàu đã không tính toán đến xung đột xã hội liên quan đến Điều 62, điều luật máu giúp cho các nhà đầu tư bất động sản có được những quyết định thần tốc để “đánh úp” người dân trong mọi tình huống mà họ muốn. Và nhà nước Việt Nam hoàn toàn không được hưởng lợi gì trong các chiến dịch “đánh úp” này ngoại trừ giải quyết các khiếu kiện đất đai kéo dài, và bất ổn an ninh-xã hội.
Nhà nước Việt Nam sửa đổi Luật đất đai vào năm 2013 với kỳ vọng khắc phục tình trạng tham nhũng, và xung đột tại các địa phương, với 70% liên quan đến đất đai (đặt dấu chấm hết quyền hạn của chính quyền địa phương trong quyết định việc cho thuê đất và được mở rộng dất thuê). Dù vậy, chừng nào còn duy trì nguyên tắc “sở hữu toàn dân” và Điều 62 trong Luật đất đai, thì chừng đó, Nhà nước Việt Nam vẫn sẽ còn đánh mất niềm tin của người dân, đặc biệt là người nông dân với thể chế.
Đã đến lúc Chính phủ Việt Nam phải đặt lại vấn đề đa sở hữu để tránh hiện tượng số lượng người đối kháng với thể chế tăng dần từng ngày, và từng giờ.
Chú thích
[1] https://vov.vn/kinh-te/dia-oc/luat-dat-dai-co-ke-ho-nhom-loi-ich-thau-tom-dat-dai-805855.vov