Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính phủ Việt Nam ‘thuộc’ Bộ Chính trị

Đại hội 13

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Chính phủ Việt Nam điều hành quốc gia được là nhờ sự chỉ đạo của Bộ Chính trị?

 

Thủ tướng cho biết dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông nhằm kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế….

Báo cáo trước kỳ họp Quốc hội cuối cùng của khóa 14, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, “Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã ký 5 hiệp định thương mại tự do quy mô lớn, tiêu chuẩn cao, với gần 50 quốc gia, nền kinh tế lớn trên toàn cầu, mở ra các thị trường rộng lớn, đa dạng cho phát triển nhanh và vượt lên trong khu vực”.

Thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng ‘đề nghị’ Chính phủ đánh giá rõ thêm thành quả, hạn chế, các vấn đề cần được hợp tác xử lý trong các hoạt động đối ngoại song phương, đặc biệt là với chính phủ các nước láng giềng; lợi ích, thách thức và biện pháp trong hợp tác với các nước lớn và khu vực; kết quả và phương hướng phối hợp trong công tác đối ngoại giữa Chính phủ với cơ quan Đảng, Quốc hội và ngoại giao nhân dân; bổ sung, đánh giá thêm về công tác bảo hộ công dân tại các nước.

Nếu những gì được báo chí tường thuật như ở trên là đúng với tình tiết – câu chữ, thì có các vấn đề mang tính pháp lý đặt ra như sau:

Một. Vì sao Chính phủ lại điều hành quốc gia được đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị?

Luật số 76/2015/QH13, tức Luật tổ chức Chính phủ, ở Điều 1 ghi: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”.

Khoản 1, Điều 5 của Luật tổ chức Chính phủ cho biết nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ là “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới”.

Câu trả lời cho thắc mắc vì sao Chính phủ lại điều hành quốc gia theo chỉ đạo của Bộ Chính trị như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: đó là theo khoản 1, Điều 4, Hiến pháp 2013, Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Tuy nhiên câu trả lời này lại cho thấy ngay sau đó đã trở thành ‘vô hiệu’, khi Điều 4.3, Hiến pháp 2013 nói rõ rằng “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Sở dĩ gọi là ‘vô hiệu’ vì đến nay pháp luật về đảng chính trị ở Việt Nam vẫn chưa có.

Hai. Giả dụ như chấp nhận đúng thực tế là ở Việt Nam, cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia là Bộ Chính trị chứ không phải Quốc hội, vậy thì các vấn đề nêu trong thẩm tra báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội – ông Hoàng Thanh Tùng đặt ra, sẽ có trách nhiệm cuối cùng cần ‘rút kinh nghiệm’, là ông Nguyễn Phú Trọng – người đứng đầu Bộ Chính trị, hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – người đứng đầu Chính phủ?

Ba. Khóa 15 cận kề của Quốc hội sẽ tách bạch hai vị trí lãnh đạo cao cấp là Chủ tịch nước, và Tổng bí thư.

Vậy thì phải chăng Việt Nam trở lại phân chia mang tính hình thức về vai trò của “tam đầu lĩnh” – giả dụ như vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng là Nguyễn Phú Trọng; người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại là Nguyễn Xuân Phúc; người đứng đầu Chính phủ và đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, là Phạm Minh Chính?


Tin bài liên quan:

VNTB – Nhà nước làm giá vàng?

Phan Thanh Hung

VNTB – Công lý nào cho Bộ Chính trị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Uy quyền của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo