Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chính quyền địa phương hiệu quả – chìa khóa cho nền dân chủ

Thúy Hằng

 

(VNTB) – Sau khi được Quốc hội thông qua, TP.HCM chỉ còn khoảng 6 tháng để tổ chức và đưa chính quyền đô thị vào hoạt động.

 

Lãnh đạo TP.HCM cho biết mô hình chính quyền đô thị được ấp ủ nhiều năm với các cấu phần chính gồm cơ chế chính sách đặc thù, không tổ chức hội đồng nhân dân quận và phường, thành lập “thành phố trong thành phố”.

Khi thực hiện chính quyền đô thị thì một vấn đề hết sức đáng chú ý, đó là giám sát quyền lực, đảm bảo quyền lực nhà nước sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và ngăn ngừa tình trạng lạm quyền.

Một khi chính quyền địa phương hiệu quả, thì đây sẽ là chìa khóa cho nền dân chủ – có ý kiến nhấn mạnh như vậy.

Liên quan đến nhận định ở trên về “chìa khóa cho nền dân chủ”, ông Bae Yooil, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) vừa tổ chức seminar giới thiệu cuốn sách “Multilevel Democracy: How Local Institutions and Civil Society Shape the Modern State” (tạm dịch Dân chủ các cấp: Cách thể chế địa phương và xã hội dân sự hình thành nhà nước hiện đại), mà ông là đồng tác giả cùng với Jefferey M. Sellers, Đại học Nam California và Anders Lidström, Đại học Umeå, Thụy Điển.

Xin trích giới thiệu về buổi hội thảo này.

Tại thành phố Montpellier ở miền nam nước Pháp, chính trị gia Georges Frêche từng giữ chức thị trưởng của Montpellier từ năm 1977 đến năm 2004. Frêche đã mở rộng Montpellier theo mọi hướng, thúc đẩy Montpellier từ thành phố lớn thứ 25 lên thứ tám ở Pháp trong vòng chưa đầy 30 năm.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tân tự do ở Pháp, những lãnh đạo địa phương như Georges Frêche sau khi thắng cử trong các cuộc bầu cử địa phương đã tạo ra một liên minh gồm các quan chức, doanh nhân, nhà sản xuất dược phẩm, luật sư… gọi là giới tinh hoa địa phương (local notables), nhóm này tiếp tục thống trị nền chính trị địa phương và gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách công.

Khi có một chính sách cần được đưa ra, giới tinh hoa địa phương gần như quyết định chính sách dựa trên lợi ích của họ chứ không vì lợi ích của công dân. Kết quả là lợi ích chung của người dân và tiếng nói của họ bị bỏ qua một cách có hệ thống, sự tham gia của công dân vào quá trình hoạch định chính sách về cơ bản bị cho ra ngoài lề.

Hơn nữa, liên minh này còn tạo ra liên kết mang tính chất của chủ nghĩa bảo trợ (clientelism) với giới chức chính trị trung ương; bảo trợ chính trị có thể coi như sự trao đổi phiếu bầu và ủng hộ chính trị để đổi lấy lợi ích cá nhân. Dịch vụ công vì thế mà đi xuống vì nó không phải là ưu tiên của các nhóm lợi ích.

Theo tiến sĩ Bae Yooil, mô hình quản trị dân chủ mang tính chất tinh hoa địa phương này khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia Tây Âu, Nhật Bản và vài nước Nam Âu.

Đại diện cho dân chủ Mỹ – Ănglê và Thụy Sĩ thuộc nhóm dân chủ mang tính chất công dân địa phương là thành phố Los Angeles của Mỹ dưới thời thị trưởng Richard Riordan từ năm 1993 đến năm 2001.

Thành phố Los Angeles mang tính chất của một thành phố tự quản (municipality) điển hình – tổ chức bầu cử công khai thường xuyên cho các vị trí chính của thành phố như thị trưởng, ủy viên hội đồng thành phố, hội đồng trường học, các thẩm phán… Khi có một chính sách quan trọng nào cần được quyết định, chẳng hạn chính quyền địa phương muốn tăng thuế, họ tổ chức ngay một cuộc trưng cầu dân ý để người dân bỏ phiếu thông qua.

Với sự hiện diện đông đảo của các đảng phái chính trị địa phương, các đảng phái chính trị quốc gia như Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa của Mỹ có vai trò hạn chế trong đấu trường chính trị địa phương như ở Los Angeles.

Đông đảo các đại diện công dân từ các đảng chính trị địa phương tham gia tích cực vào hệ thống chính trị địa phương, với hàng nghìn người được bổ nhiệm vào các vị trí trong chính quyền thành phố, vì quyền lợi của số đông công chúng chứ không vì quyền lợi các nhóm lợi ích.

Cũng vì tính chất tự quản, tự trị, các chính quyền địa phương như Los Angeles khá độc lập với chính quyền bang và chính quyền trung ương, dẫn tới sự hợp tác hạn chế giữa các địa phương với nhau và làm cản trở tiến trình thực thi chính sách của quốc gia.

Các đại diện cho mô hình dân chủ mang tính chất công dân địa phương trong phân tích của tiến sĩ Bae Yooil gồm có Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Anh, Ireland và Thụy Sĩ.

Ví dụ cho mô hình dân chủ địa phương thứ ba – dân chủ mang tính quốc gia – được tiến sĩ Bae Yooil phân tích, là thủ đô Stockholm của Thụy Điển dưới sự lãnh đạo của thị trưởng Hjalmar Mehr từ 1958-1966.

Ở các quốc gia Scandinavia, các đảng chính trị được tổ chức ở cấp quốc gia (ở đây là Đảng Dân chủ Xã hội của Đan Mạch) với số lượng thành viên đông đảo thống trị chính trị của các thành phố và cộng đồng, tạo nên sự liên kết giữa quốc gia và địa phương.

Rất nhiều công dân tham gia vào các đảng chính trị, và có sự thỏa hiệp rộng rãi giữa các đảng chính trị, liên đoàn lao động, doanh nghiệp, công dân… để tạo ra những chính sách công hiệu quả, có thể coi như một hình thức khế ước xã hội (social agreement).

Như vậy, vai trò của chính quyền trung ương là rất lớn, nhưng đồng thời chính quyền địa phương cũng giữ vị trí quan trọng. Chính quyền trung ương trao quyền, cung cấp năng lực tài chính và hành chính đủ mạnh để địa phương thực hiện một cách trung thành các chính sách đã được trung ương hoạch định.

Khi địa phương gặp vướng mắc, họ thành lập một hiệp hội (gọi là Hiệp hội Chính quyền Địa phương Thụy Điển) để phản ánh quan điểm và tác động đến quá trình hoạch định chính sách quốc gia.

Tại Stockholm, công dân tham gia rất tích cực vào đời sống chính trị và dân sự, ví dụ tham gia rất nhiều vào các liên đoàn lao động, với niềm tin cao vào chính phủ. Các chính sách được thực thi trơn tru và hoạt động của chính phủ cũng trở nên hiệu quả. Theo tiến sĩ Bae Yooil, mô hình quản trị dân chủ mang tính quốc gia này có thể thấy nhiều ở các nước Bắc Âu.

Tiến sĩ Bae Yooil và nhóm học giả đã diễn giải và đưa đến đúc kết, hạ tầng thể chế bao trùm ở cấp địa phương, đặc biệt là những thể chế tạo ra mối liên kết giữa các cộng đồng của nhân dân và các cơ quan phân quyền của nhà nước, là yếu tố quan trọng để tạo ra quản trị địa phương hiệu quả, từ đó tạo ra những thành quả về chính sách tốt nhất, và sự hiện diện của các thể chế địa phương chính là tiêu chí đánh giá mạnh mẽ nhất của bản thân nền dân chủ.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vắc xin Trung Quốc: kẻ phá bĩnh chính quyền TP.HCM?

Phan Thanh Hung

TPHCM cần bảo vệ cán bộ ‘dám nghĩ, dám làm’ để vượt qua khó khăn

Do Van Tien

VNTB – Bộ Y tế chi viện 10.000 người: có gì mà dè bỉu thành phố Hồ Chí Minh?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.