VNTB – Việt Nam nên xoá bỏ khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến

VNTB – Việt Nam nên xoá bỏ khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến

Mai Lan (ghi)

(VNTB) – Xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã.

Mọi tội lỗi bây giờ đổ cho Covid. Trăm dâu đổ đầu tằm. Quản lý trước, trong và sau đại dịch? Đại dịch lại ngăn sông cấm chợ hàng hóa không lưu thông được. Chưa có nước nào làm thế cả.

Có lẽ sắp tới đây cần phải làm rõ trách nhiệm của viên chức chính phủ trong vai trò được Đảng tin tưởng giao phó ở vị trí Trưởng ban phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Bởi, nói như câu thơ lục bát, Phải chi đừng có “tập trung”/ Thì đâu có cảnh điên khùng hôm nay.

Ngay từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn, mặc dù quan điểm điều hành của chính quyền TP.HCM là với tinh thần là “không mặc chung một áo đồng phục” cho thành phố để tránh bị tác động nhiều mặt.

Thế nhưng rất nhanh có chỉ đạo từ trung ương, là phải cách ly tập trung không chỉ F0, mà còn luôn cả F1.

Hệ lụy từ mệnh lệnh hành chính này rất kinh hoàng: Tỷ lệ người chết vì Covid-19 ở TP.HCM lên rất cao. Trong khi tỷ lệ chung của cả nước gần 2,5%, nếu tách riêng số liệu của TP.HCM thì phần còn lại của cả nước chỉ hơn 1%, trong khi thì tỉ lệ của TP.HCM đến gần 4%. Tỷ lệ số người chết trên số người nhiễm như vậy ở các trại cách ly tập trung, ở khu bệnh viện dã chiến…, trách nhiệm thuộc về ai và cần xử lý trách nhiệm như thế nào?

Vì sao lại chết nhiều đến vậy?

“Ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện, cái đó tạo ra căng thẳng cực lớn. Phải ngăn chặn nguồn lây, giữ F0 lại nhưng giữ không biết làm gì”, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM kể lại giai đoạn khi TP.HCM chưa có thuốc điều trị Covid-19.

Tương tự với lời kể của ông Nguyễn Văn Nên, “xoá bỏ khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến” là ý kiến cụ thể của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu tại cuộc gặp gỡ vào chiều 18-10, giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, với đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo sự phân công của Bộ Y tế, ông Nguyễn Lân Hiếu được cử tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có tỉnh Bình Dương, nơi có rất nhiều khu công nghiệp với tỷ lệ mắc bệnh hơn 10% dân số.

Khi dịch bùng phát, số lượng ca mắc trong cộng đồng tại Bình Dương tăng nhanh, những ngày đầu trung bình 300 – 400 ca bệnh mới, sau đó có lúc lên tới 5.000 – 6.000 ca mỗi ngày.

Số ca chuyển nặng cũng ngày càng tăng, trong khi chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương điều trị tầng 3 chỉ có 30 giường thở máy. Số bệnh nhân chưa tiêm vắc xin tăng cao, đặc biệt là nhóm phụ nữ có thai. Do đó, việc kiểm soát dịch bệnh và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 gặp nhiều khó khăn.

“Không sợ Covid-19 là cách sống mới mà chúng ta cần chấp nhận. Nếu tỷ lệ tử vong trong số người đã tiêm phòng như cúm mùa vậy sao ta phải sợ. Giảm tối đa các ca tử vong là nhiệm vụ của chúng tôi” – ông Nguyễn Lân Hiếu nói.

Từ quan điểm rạch ròi ở trên, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn đề xuất: Xoá bỏ các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến. Hình thành mạng lưới chăm sóc bệnh nhân tại nhà theo cấp phường xã. Người nhiễm Covid-19 được tự chăm sóc theo bộ tiêu chí đã được Bộ Y tế ban hành. Khu vực bị nhiễm có thể cách ly hẹp. Nếu số lượng ca nhiễm tăng đột biến (hơn 10% số mẫu lấy ngẫu nhiên) có thể cách ly cả thôn hay xí nghiệp ấy. Đưa y tế vào bên trong để chăm sóc và theo dõi sức khỏe.

Đối với các ca tăng nặng, bệnh nền không ổn định hay người chưa tiêm có thể đưa sớm vào bệnh viện điều trị. Chiến lược này có thể áp dụng cho tất cả các địa phương tỷ lệ tiêm chủng cao như TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội …

Ông Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị tách đôi bệnh viện với 2 lối đi riêng biệt cho người nhiễm hoặc không nhiễm Covid-19. Xác định bằng test nhanh sàng lọc. Người nghi nhiễm cần khẳng định bằng PCR ở vùng đệm. Nếu chắc chắn âm tính sẽ đưa vào khu điều trị thông thường. Xét nghiệm ngẫu nhiên mẫu đại diện cần làm thường xuyên cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ nhằm tránh bỏ sót các ổ dịch trong bệnh viện.

Khu điều trị Covid-19 nên chia làm 3: Hồi sức cấp cứu, Điều trị bệnh mức độ vừa và khu hậu Covid-19. Ngay khi các ca đã có xét nghiệm âm tính, cần chuyển ngay sang tầng hậu Covid-19 để chăm sóc điều trị như bệnh nhân thông thường.

Khu điều trị cần đảm bảo có đầy đủ oxy hoá lỏng, trang thiết bị, thuốc, vật tư và nhân lực. Đây là việc cần làm lâu dài không chỉ dưới hình thức tạm bợ, dã chiến. Bộ máy nhân sự cần được chính thức bổ nhiệm, chế độ lương thưởng rõ ràng. Thuốc và vật tư, trang thiết bị, chi phí điều trị cũng vậy, cần danh sách cụ thể, mua sắm, cơ chế chi trả rõ ràng tường minh để nhân viên y tế yên tâm làm việc.

Đặc biệt, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị đưa y tế tư nhân vào cuộc. Cho phép bệnh viện tư thu phí dịch vụ như TP.HCM đã triển khai. Quản lý người nhiễm theo các bác sĩ phòng mạch. Thành lập các chuyên khoa như Covid sản khoa, nhi khoa, lão khoa … để y tế tư nhân phát triển tạo thương hiệu của chính mình. Ví dụ như Bệnh viện Hạnh phúc đã có đề án thành lập khoa Sản Covid-19 cho các bà bầu không may bị nhiễm bệnh. Nhà nước nên hỗ trợ một phần thuốc và vật tư y tế cũng như thông thoáng về chính sách để y tế tư thực sự nắm vai trò quan trọng trong giai đoạn sau đại dịch.

Tất cả các đề xuất ở trên của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu không mới, nếu như người ta thử trở ngược thời gian, khi hồi hạ tuần tháng 6 năm nay, trao đổi tại cuộc họp trực tuyến giữa chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với các quận huyện và thành phố Thủ Đức về công tác phòng, chống dịch Covid-19, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – cho biết số bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Cụ thể, tính đến ngày 25-6-2021, TP.HCM có 68% bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị không có triệu chứng, chỉ 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng (31 trường hợp). Trong khi đó, trong thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, có 68% bệnh nhân có triệu chứng.

“Qua những con số trên, tôi nhận định những ca chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc có triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh ở mức độ nhẹ, nếu không đi khám, họ sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu”, ông Nguyễn Trí Dũng nói.

Giám đốc HCDC thông tin virus SARS-CoV-2 sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện 2 trạng thái. Trạng thái đầu tiên là độc lực gia tăng, trạng thái tiếp theo là độc lực sẽ giảm. Khi độc lực của SARS-CoV-2 giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

“Có thể chúng ta cần tính tới phương án ‘sống chung với lũ’. Nghĩa là chúng ta chỉ truy tìm rắn độc thay vì đi tìm những con rắn nước”, ông Nguyễn Trí Dũng nói. Theo ông Dũng, thời gian tới TP.HCM cần bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền. Những người này cần được chích vắc xin phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa. Còn những đối tượng khác có thể coi là mắc cúm.

Tuy nhiên sau đó thì bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhận được lệnh “biệt phái”, còn chủ tịch Nguyễn Thành Phong thì lệnh “điều động”, và cả hai đều lần lượt rời chức vụ.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)