Khánh Hòa
(VNTB) – Mặc dù Sài Gòn lúc này gần như ‘thiết quân luật’, nhưng không vì thế mà người dân bị tước quyền được khám bệnh, chữa bệnh.
Trong họp báo chiều ngày 23-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM khuyến cáo người dân nếu mắc các bệnh thông thường, cứ đến bệnh viện vì với mô hình tách đôi, các bệnh viện vẫn tiếp nhận chữa trị các bệnh thông thường. Người dân gọi cho số điện thoại của hãng taxi Vinasun hoặc Mai Linh. Hiện nay TP.HCM có 500 xe của 2 hãng taxi này hoạt động.
Với trường hợp mắc Covid-19 nhẹ, người dân liên hệ tổ phản ứng nhanh hoặc trạm y tế lưu động. Chính quyền đang khẩn trương thành lập 400 trạm y tế lưu động. Với trường hợp mắc Covid-19 có diễn tiến nặng, sẽ có 260 xe của hãng Phương Trang cải tiến phân bổ về 22 quận huyện, thành phố Thủ Đức để chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Tuy nhiên, người dân trong thời điểm tăng cường giãn cách sẽ không được tự đi mua thuốc ở các tiệm thuốc. Thay vào đó, Tổ công tác đặc biệt tại phường, xã sẽ đi mua thuốc cho người dân.
Cuộc họp báo chiều ngày 23-8 diễn ra trong bối cảnh TP.HCM ghi nhận gần 176.000 ca nhiễm và bước vào ngày đầu tiên thực hiện siết chặt giãn cách với nguyên tắc “ai ở đâu yên đó”.
Cũng trong ‘ngày đầu tiên’ 23-8 này, một lần nữa báo chí đưa tin về cam kết của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, “Không để bất kỳ người dân nào đứt bữa, thiếu chăm sóc y tế” khi ông đi thị sát ở quận 4 vào chiều 23-8.
“Các đồng chí phải chắc chắn không để sót, lọt bất kỳ một người dân, hộ dân nào không được hỗ trợ đầy đủ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, đặc biệt là hỗ trợ y tế khi cần thiết. Chỉ có như vậy thì người dân mới yên tâm ở nhà, thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với lãnh đạo quận 4.
Một lát cắt ghi nhận khác.
“Chúng tôi chỉ cần đủ ăn và tiền đóng trọ” – đó là tình cảnh được ghi nhận ở nhiều khu xóm trọ của dân nhập cư tại TP.HCM.
Bà Lê Thị Hoài Thương (quê Quảng Trị), kể chồng của bà làm công nhân cao su, còn bà ở nhà chăm 2 con nhỏ, đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi. Đồng lương công nhân còm cõi, tháng nào cũng chỉ đủ trả tiền mướn trọ và chi tiêu của cả gia đình. Vì vậy, khi dịch bệnh ập đến, thành phố giãn cách xã hội, họ không còn một đồng dắt túi.
Đầu tháng 8, sau gần 2 tháng chồng của bà Thương là ông Khương thất nghiệp, hai vợ chồng xin đăng ký chuyến tàu do địa phương tổ chức để về quê tá túc nhờ nhà anh trai, nhưng không đến lượt. Trong căn phòng trọ trống hoác, họ phải cố gắng cầm cự. Dù được chủ nhà trọ giảm 50% tiền phòng, thỉnh thoảng lại cho thêm ký gạo, nhưng cuộc sống vẫn chật vật nên rất muốn được về quê.
Tuy nhiên, hy vọng tắt ngúm khi giữa tháng 8, con trai lớn của ông bà bị lây nhiễm Covid-19 từ những đứa trẻ khác trong khu trọ. Cả dãy có 3 người bị đưa đi cách ly, còn con trai của bà có triệu chứng nhẹ nên được cách ly tại nhà. Bà Thương phải mượn thêm phòng trống để cho chồng chăm sóc con trai lớn.
“Tôi chưa dám nói chuyện tiền phòng với chủ nhà, vì giờ cũng chẳng có để đóng”, bà Thương tần ngần. Tiền mướn phòng và cả điện nước mỗi tháng gần 1,5 triệu đồng, sau khi được bớt, gia đình của bà vẫn phải đóng khoảng 1 triệu đồng. Trong thời điểm miếng ăn còn phải chạy lo từng bữa thì tiền để đóng trọ lại càng xa vời.
Một hoàn cảnh khác.
Bà Bùi Thị Hiền quê ở Vĩnh Phúc, vào ở trọ tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh khoảng 4 năm nay, làm nghề buôn bán tự do ngoài vỉa hè. Bà kể đã mấy tháng thành phố giãn cách xã hội, bà và những người dân mướn trọ ở gần đó đều chưa nhận được bất kỳ hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương. Do không chưa có tạm trú, bà cũng không thể đăng ký nhận khoản trợ cấp của Chính phủ.
Vợ chồng bà Hiền phải gửi con cho ông bà nội để vào Nam mưu sinh, hằng tháng gửi tiền cho con ăn học. Bà thở dài bất lực: “Bây giờ chúng tôi còn chưa biết làm sao để sống qua mùa dịch, đành phải phó mặc cho ông bà nuôi cháu thôi”.
Cũng bởi không có tạm trú nên vợ chồng bà chẳng được đăng ký tiêm vắc xin hay phát phiếu “đi chợ hộ”. Lên mạng xã hội cầu cứu, cả tháng mới được giúp đỡ vài ký gạo và thùng mì gói để cầm cự tiếp.“Chúng tôi kêu than mà chẳng ai thấu, bởi vậy nên người dân mới phải tự đi xe máy để về quê”, bà Hiền buồn rầu.