VNTB – Sữa không là mặt hàng thiết yếu?

VNTB – Sữa không là mặt hàng thiết yếu?

Loan Thảo

 

(VNTB) – Cha mẹ đi làm cực khổ chủ yếu là “để lấy tiền mua sữa cho con”…

 

Điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích cụm từ “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu” là những hàng hoá, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.

Như vậy, theo thói quen ăn uống của người Việt, thì sữa là mặt hàng không nằm trong các thức uống cần được hiện diện trên bàn ăn. Chương trình sữa học đường là một ví dụ.

Đứt gãy chuỗi sản xuất vì tình trạng ‘cát cứ’?

11 Hiệp hội các ngành hàng công nghiệp vừa có phản ánh đến Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) về những khó khăn cần tháo gỡ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo phản ánh của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, vấn đề nổi cộm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay chính là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Trong khi đó, các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ uống (nước giải khát, sữa, bia, nước ngọt…) không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng. Việc hàng hóa không được lưu thông khiến góp phần gây khan hiếm trên thị trường.

Trước khó khăn hiện hữu, các hiệp hội ngành hàng đề xuất, bổ sung mặt hàng thực phẩm, kể cả đồ uống, sữa và nguyên liệu dịch vụ (gồm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến, chế tạo là các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất.

Họ cũng đề nghị các địa phương cho phép họ sớm được quay lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo. Đồng thời, bỏ quy định về định mức số lượng ôtô ra vào địa phương và cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR.

Các hiệp hội, doanh nghiệp yêu cầu chính quyền các địa phương nên có những trao đổi nhằm tránh tình trạng “cát cứ”, gây ách tắc lưu thông hàng hóa, gián đoạn chuỗi sản xuất.

Những con số cụ thể

Ghi nhận của báo chí trước đó cho biết ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng trước đây sữa bò của nông dân nuôi được hợp tác xã Evergrowth từ huyện Trần Đề cho xe tải vào thu mua với giá 12.000 đồng mỗi lít. Nhưng từ ngày 19-7 khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tới nay, xe không vào nữa, nông dân không bán sữa được. Theo giải thích của hợp tác xã, do xe tải không qua được các chốt kiểm địch.

Người dân muốn chở sữa tới hợp tác xã bán cũng không được vì khác địa bàn, các chốt kiểm soát dịch không cho qua. Vì thế sữa tươi vắt mỗi ngày tồn đọng, bán không ai mua, cho hàng xóm cũng ngán ngẩm không nhận nên đổ bỏ là điều dễ thấy.

Ông Nguyễn Giang Lam, Phó giám đốc Hợp tác xã Evergrowth biết từ 19-7 đến nay, tại huyện Mỹ Xuyên có khoảng 50 hộ dân nuôi bò sữa không bán được, phải đổ bỏ khoảng 1.400 lít mỗi ngày, trị giá khoảng 20 triệu đồng. “Lý do là thực hiện giãn cách, tại thị trấn Mỹ Xuyên chỉ cho xe 2,5 tấn lưu thông nhưng xe lạnh của hợp tác xã 3,5 tấn nên không vào được các xã thu mua cho bà con”, ông Lam nói.

Trong khi đó, tại Cần Thơ, trang trại nuôi bò sữa của Công ty TNHH Food Farm ở Nông trường Sông Hậu cũng lâm cảnh khó khăn, sản phẩm tồn đọng khoảng 50%.

Ông Võ Kim Cương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Food Farm cho biết, trang trại của đơn vị đang có đàn bò sữa trên 500 con, cho sản lượng trung bình hơn 1.500 lít sữa tươi thanh trùng mỗi ngày. Hiện TP HCM là thị trường tiêu thụ chính của công ty với giá 50.000 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 phức tạp, quá trình vận chuyển khó khăn, thường xuyên bị gián đoạn do tài xế bị cách ly. Thêm vào đó, sức tiêu thụ giảm 50%, nên tồn đọng nhiều.

Thay lời kết

Người ta hay nói rằng các bậc cha mẹ đi làm cực khổ mấy cũng không ngại, chủ yếu là “để lấy tiền mua sữa cho con”…

Mọi hô hào về cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy đa phần là nhằm cổ động chính trị.

Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh yêu cầu thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Vậy thì Đảng và Nhà nước ơi, số trẻ em sống ở các tỉnh/ thành đang phải giãn cách không hẳn là ít, không lẽ bắt trẻ ăn mỳ gói như người lớn hay sao? Chưa kể các doanh nghiệp sữa hàng năm nộp ngân sách cũng rất lớn vậy thì mục tiêu kép là gì?.

Mong rằng đừng nói cho sướng chính sách.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)