Út Sài Gòn
(VNTB) – Hôm nay, khác những ngày thường, Út tui không “nhiều chuyện” khi ‘tám’ ở quán cà phê cuối tuần. Song câu chuyện ở quán cà phê ‘cóc’ kể về cha mẹ nuôi dạy con cái, đã làm cho tui suy nghĩ mãi đến tận khi đã về tới nhà.
Không suy nghĩ sao được khi mình cũng như bao phụ huynh khác, cũng có con, có cháu! Nhất là trong xã hội hiện nay, khó có thể phân biệt được đâu là thật đâu là giả.
Út tui nhớ có một anh xe ôm đã hỏi anh kia một điều rằng, trẻ em hiện nay nhiều đứa trẻ rất thông minh, nhưng bậc làm cha làm mẹ lại không biết điều đó, hay không đủ trình độ để theo kịp sự thông minh đó của con để mà dạy con.
Theo anh xe ôm, điều đó là không sai (!?). Bởi, nhiều bậc làm cha làm mẹ buộc con mình phải theo ý mình, phải làm theo điều mình mong muốn. Song đó không phải là sở thích của con, vô hình trung đang kiềm hãm sự phát triển của con. Có thể nói, tính tới thời điểm hiện tại, đó là vấn đề chưa hẳn hoàn toàn được giải quyết.
Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, đại đa số cha mẹ thương con, xin được mượn lời của bài tân cổ giao duyên Lòng mẹ để minh chứng cho điều này: “…Mẹ thương con từ lúc chưa lọt lòng/ Từ lúc mới thượng hình trong bụng mẹ/ mẹ đã reo mừng khi con máy động lần đầu tiên./ Rồi từ đó, sau mỗi lần con đạp mẹ thêm đau/ mẹ mừng thêm chút nữa…”. Với tình yêu thương ấy, với tấm lòng luôn sẵn sàng thứ tha cho con mỗi khi con phạm lỗi: “…Bao nhiêu lần con bất hiếu với mẹ rồi/ nhưng bông sen vẫn nở ánh hồng phơn phớt/ Vẫn tỏa một mùi hương rất ngọt/ như nụ cười của đức Phật Như Lai !…” thì thử hỏi những con người làm cha làm mẹ ấy có muốn con mình không những “thành nhân” mà còn “thành tài” hay không?
Hiển nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, tôi biết những hành động ấy muốn tốt cho con cái nhưng ông/bà có nghĩ nó có thật sự thích hay không? Hay đó chỉ là ép buộc cho con đường của mình?
Út tui hoàn toàn đồng ý với câu hỏi trên, nhưng đó không phải là tất cả hay đại diện cho khái niệm rộng “cha mẹ”.
Rồi cũng có trường hợp cho rằng có những ông ba bà mẹ chỉ mải mê lo đi làm, giao con cho ông bà giữ hay để con ở nhà một mình. Mỗi tháng cho nó tiền. Rồi cho rằng hành động của họ không phải là dạy con. Thế nhưng có đúng như vậy không? Hay là nó nằm trong trường hợp của “mỗi nhà mỗi cảnh”?.
Út tui tạm lấy một ví dụ mà chính mình là một trong những người ‘nằm trong cuộc’. Vì một lý do, ba má ly thân, đứa trẻ theo ba. Người ba gửi nhờ nó cho ông bà nội giữ. Cuộc sống khó khăn, công việc chạy taxi của người đàn ông ấy cũng khó khăn theo.
Không nhiều thời gian ở bên con để dạy dỗ, cảm thấy hối hận khi con mình không như bao đứa trẻ khác, có ba má bên cạnh, người đàn ông ấy mới cố gắng kiếm tiền. Đứa con muốn học thêm hay học bất kỳ cái gì, cũng cố gắng cho nó. Vậy đấy, cũng có người rất muốn ở bên con mình, nhưng mưu sinh cơm áo gạo tiền không cho phép. Có thể nói, trường hợp này, không chỉ gặp ở người giàu mà còn ở cả người nghèo.
Ở đây, Út tui còn suy nghĩ thêm về một vấn đề, tạm cho lời của anh xe ôm là đúng. Vậy thì thế nào gọi là đủ trình độ để dạy con? Nếu lấy tiêu chuẩn dạy con của nước ngoài ra dạy ở Việt Nam thì liệu có phù hợp khi văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây có nhiều điểm khác biệt?
Nói vòng nói vo chẳng qua nói thiệt, Út tui không biết mấy ông, bà già xưa trình độ tới đâu nhưng vẫn dạy con đàng hoàng tử tế, vẫn biết sống kính trên nhường dưới, biết sống lễ nghĩa…. Có những người hoàn toàn không biết chữ, nhưng họ vẫn dạy con họ nên người.
Phải chăng họ quan niệm như lời cụ Nguyễn Du đã viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”?