Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chủ tịch thành phố Hội An đang vi phạm pháp luật

Thới Bình

 

(VNTB) – Hội An dự kiến sẽ thu phí du khách vào phố cổ 

 

Quan chức Hội An thay nhau ‘trần tình’

Báo chí chủ yếu đang đăng các ý kiến luận bàn quanh chuyện ‘bán vé đại trà’ này để tạo nguồn thu ngân sách của thành phố Hội An. Phía chính quyền thì theo lời trần tình của bà Trương Thị Ngọc Cẩm – giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An – “Hội An vẫn đang lắng nghe những ý kiến góp ý từ người dân và du khách”.

Cá nhân người viết bài này cho rằng vấn đề quan trọng nhất ở đây là vì sao một phó Chủ tịch thành phố Hội An lại ‘hồn nhiên’ vi phạm pháp luật khi ông tuyên bố với báo chí là việc thu phí tham quan đã được phố cổ Hội An làm từ lâu và qua nhiều lần điều chỉnh.

Ông Nguyễn Văn Lanh – phó chủ tịch UBND thành phố Hội An đưa ra biện luận như sau: “Lâu nay có hiện tượng nhiều hãng lữ hành mặc dù bán tour cho khách có tính phí tham quan trong tổng chi phí nhưng khi khách tới thì lại thả khách ‘đi lang thang’ mà không mua vé. Từ đây khách không được tham quan, thiệt thòi quyền lợi, tạo ra sự bất bình đẳng giữa người mua vé và người không bỏ tiền”.

Ông Lanh cho rằng khi siết lại việc mua vé, Hội An sẽ làm tốt hơn khâu chăm sóc, làm đẹp hơn phố cổ để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, chứ không phải vì tấm vé mà đánh mất hình ảnh của mình. Từ trước đến nay, vẫn theo ông Lanh, thì Hội An đang áp dụng phí tham quan đối với khách đi vào khu vực 1, thuộc quần thể “đỏ” bảo vệ nghiêm ngặt với hơn 1.107 di tích cổ. Bình quân mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người ra vào phố cổ.

Tuy nhiên thống kê cho thấy chỉ 40% lượng người qua các chốt kiểm soát vào quầy mua vé, chủ yếu khách quốc tế.

“Chi phí trùng tu di tích là rất lớn. Rẻ nhất cho việc trùng tu một di tích hiện nay 5 tỷ đồng thì tiền trích lại từ bán vé mỗi năm chỉ đủ trùng tu 7 – 10 căn. Trong khi hiện Hội An có khoảng 155, chiếm 14% di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão” – ông Lanh nói.

Ngân sách Hội An khốn khó vì… phố cổ (!?)

“Cùng di sản như nhau nhưng lâu nay vé tham quan Hội An vẫn được cho là thấp hơn rất nhiều so với các điểm đến khác. Thậm chí một số ý kiến còn đánh giá rằng Hội An là nơi du lịch giá rẻ, chúng tôi không muốn mang ‘thương hiệu’ buồn này. Áp lực môi trường, quản lý lên phố cổ đang rất lớn nhưng số tiền thu lại chưa xứng tầm giá trị” – Trương Thị Ngọc Cẩm – giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thanh, truyền hình Hội An, nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An thì cho rằng dư luận đang có cách hiểu chưa đúng về việc Hội An lên kế hoạch tăng cường công tác quản lý hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan khu phố cổ.

Theo ông Sơn, lâu nay, không gian Hội An bị quá tải, khách nước ngoài khi mua vé vào tham quan bị ảnh hưởng rất lớn. “Họ nói không công bằng vì có nhiều người vào phố cổ nhưng không phải mua vé. Hơn nữa, lượng khách vào quá đông, họ không được xem đầy đủ các sản phẩm, cảnh quan của phố cổ dù Hội An rất đẹp.

Xuất phát cơ sở đó, Hội An muốn xây dựng lại đề án về việc kiểm soát hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan cho đúng quy định của nhà nước. Dư luận cho rằng Hội An làm như vậy để tận thu là không đúng” – ông Sơn khẳng định.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết thêm lộ trình từ đây đến ngày 15-5-2023, thành phố sẽ tập hợp các nội dung để họp, lắng nghe ý kiến của các đơn vị lữ hành. Sau đó sẽ họp với người dân để tạo sự đồng thuận, lắng nghe họ tư vấn thêm vì họ chính là chủ nhân của di sản và sẽ tổ chức họp báo để dư luận được rõ.

Có thật là Hội An đã quên luật quy định như thế nào?

Vấn đề mang tính nguyên tắc trong chuyện thu phí du khách đại trà mà Hội An đang toan tính với đủ các kiểu trần tình khi vấp phản ứng của công luận, đó là đề xuất này nếu muốn thực thi cần phải được sự đồng ý tại một phiên họp công khai của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Thông tư 106/2021/TT-BTC có quy định liên quan đến chuyện thu phí ở Hội An, theo đó nếu Chủ tịch UBND thành phố Hội An muốn thực hiện việc thu phí đại trà như kể trên, thì bắt buộc phải tuân thủ Điều 2 của thông tư này là phải được sự đồng ý của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, với “Phí thăm quan danh lam thắng cảnh (đối với danh lam thắng cảnh thuộc địa phương quản lý). Phí thăm quan di tích lịch sử (đối với di tích thuộc địa phương quản lý). Phí thăm quan công trình văn hóa, bảo tàng (đối với công trình thuộc địa phương quản lý)”.

Như vậy với những gì ‘lời qua tiếng lại’ trên báo chí trong chuyện thu phí này cho thấy nếu ngờ vực về một thuyết âm mưu, thì có lẽ phía cơ quan tuyên giáo đang muốn khỏa lấp cho tin tức nào đó, khi họ dùng hệ thống báo chí nhà nước để đẩy một sự việc nào đó mà trên thực tế không hẳn là như thế…


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng kêu gọi tự chỉ trích, sao lại nổi đóa khi bị người dân ý kiến?

Trương Thế Tử

VNTB – “Không có ngoại lệ trong xét xử tham nhũng”?!

Phan Thanh Hung

VNTB – Tự do tư tưởng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa: bài học cho hôm nay về giá trị nhân bản

Phan Thanh Hung

1 comment

Đại 08.04.2023 6:34 at 06:34

Cần phải thanh tra lại toàn bộ các quy định bán vé và cách quản lý nguồn thu tài chính từ bản vé phố cổ và thánh địa Mỹ Sơn. Tỉnh đưa ra thầu khoán nguồn thu tài chính việc bán vé từ nhiều năm nay. Cho nên có những năm thưởng tết cho nhân viên năm trăm mấy mươi triệu. Giờ hết ngân sách là chuyện rõ như ban ngày. Nếu không tiền bán vé mấy chục năm nay đi đâu và máy chục năm nay trùng tu được mấy căn nhà phố cổ. Tốt nhất cứ vào hỏi người dân sống ở phố cổ thì rõ thôi, rất đơn giản.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.