Phú Nhuận
(VNTB) – Chửi nhau, xúc phạm cá nhân với nhau trên mạng xã hội mà áp điều luật 331 là khiên cưỡng và khó thuyết phục
Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng cho thấy những chuyện như thế này sẽ vẫn tiếp diễn. Như một dạng ẩn ức xã hội không có chỗ để xả. Xả vào chính quyền thì không đủ gan, nên nhiều khi hoang tưởng quá độ mà ra vậy.
Đó là dấu hiệu “phong sát”, khi nào cần sử dụng nó sẽ rất lợi hại!
“Xúc phạm cán bộ, nói xấu viên chức thi hành công vụ,… có thể đó là hành vi vi phạm điều luật hình sự 331, thế nhưng vì lẽ gì đó mà chửi nhau, xúc phạm cá nhân với nhau trên mạng xã hội, thì áp điều luật 331 là khiên cưỡng và khó thuyết phục” – luật sư T.T., có ý kiến như vậy trong một ‘hội luận bỏ túi’ của nhóm thông tín viên trang Việt Nam Thời Báo.
“Ẩn ức chính trị muốn giải tỏa trên mạng xã hội, không khéo lại đối mặt với điều luật an ninh quốc gia 117. Nếu vì sợ mà cứ phải dồn nén thì xem ra lúc nồi súp-de phẫn uất ấy mà nổ, còn tệ hại hơn cho tất cả. Cần thiết phải có giải pháp khi mà ở Việt Nam không có cạnh tranh chính trị, nên ẩn ức chính trị không có địa chỉ để xả một cách hợp pháp!” – một hội viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, tham gia hội luận kể trên, ý kiến.
Một ẩn ức chính trị được nhìn qua lăng kính của đảng viên – nhà báo L.K.T., thì, “Tại sao lại có rất nhiều cơ quan đơn vị ở ta có hai chữ “Nhân dân”. Chúng ta phải hiểu thật trọn vẹn, phải thấm vào trong máu thì mới phát huy được vai trò, nguồn lực, động lực thúc đẩy xã hội đi đúng hướng, đó là Nhân dân.
Nhân dân bây giờ rất mờ nhạt. Điều đó đang huỷ hoại xã hội của chúng ta. Bây giờ, một số cán bộ đứng ở vị thế đang nhìn xuống Nhân dân. Cái điều đó là sai về mặt nguyên lý của những người từ Nhân dân mà ra. Nhân dân là nguồn sống của họ, Họ phải phục vụ Nhân dân tận tuỵ. Đừng bao giờ những người từ Nhân dân mà ra, đến lúc nào đó thành công rồi thì lại xa rời Nhân dân, nhìn xuống Nhân dân!”.
Cũng theo nhà báo đảng viên này, một bộ phận lãnh đạo ở Việt Nam luôn bị một cái hiểu lầm, là lực lượng lãnh đạo Nhân dân mà quên mất đi cái vế Lãnh đạo cũng từ Nhân dân mà ra.
Đảng từ Nhân dân mà ra, tồn tại vì mục đích của Nhân dân mà giai cấp chỉ là một phần của Nhân dân, không được đặt giai cấp trên Nhân dân. Suy cho cùng, như Mác nói: “Đến một lúc nào đó không còn giai cấp nữa nhưng Nhân dân vẫn còn, Dân tộc vẫn còn, Đất nước vẫn còn”.
Với những nhìn nhận ở trên cho thấy ẩn ức chính trị là có thật, nhưng để xả ẩn ức này thì lại dễ bị quy chụp là chống đảng, chống nhà nước xã hội chủ nghĩa của bản án thuộc nhóm an ninh quốc gia.
“Tôi cho rằng trường hợp của bà Nguyễn Phương Hằng, cựu CEO Tổng công ty Đại Nam, lúc ban đầu là ẩn ức chính trị khi bà yêu cầu pháp luật phải thực thi trong chuyện bà bị một cá nhân lừa gạt tiền. Bà đã có những phát ngôn thiếu kiểm soát, nhưng cũng kịp thời dừng lại trong phê phán chính quyền ở chuyện này. Bà quay sang chọn mạng xã hội để xả những ấm ức, và sai lầm sau đó có thể là quá hoang tưởng sức mạnh đồng tiền nên bà mới kết cuộc như hiện tại” – luật sư T.T., diễn giải.
Vẫn theo luật sư T.T., dường như áp dụng điều luật hình sự 331 với cựu CEO Tổng Công ty Đại Nam là muốn chính trị hóa vấn đề, vì Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 quy định: các cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Trong trường hợp mức độ hành vi nặng, lời lẽ sử dụng có tính chất làm nhục người khác, hành vi này dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, thì người có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống theo điều luật hình sự 155.
[ads_color_box color_background=”#f7eded” color_text=”#444″]
Bị can Nguyễn Phương Hằng khai gì về lý do phát ngôn xúc phạm người khác?
Theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Bình Dương, bị can Nguyễn Phương Hằng khai đã dùng từ ngữ, phát ngôn livestream xúc phạm nhiều người vì cho rằng những người này có phát ngôn xúc phạm bị can và chồng của bị can.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam). Bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận lý do xúc phạm, nhục mạ một số nhà báo, ca sĩ… trên sóng livestream.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Phương Hằng đã khai nhận nguyên nhân hành vi phát ngôn bôi nhọ, xúc phạm ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Đặng Thị Hàn Ni, bà Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên), ông Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) do “những người này có phát ngôn xúc phạm bà và ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng) nên bà đã dùng từ ngữ, phát ngôn để xúc phạm lại những người này”.
Theo KLĐT, CQĐT xác minh tại Sở TT-TT tỉnh Bình Dương để xác định mức độ người xem, chia sẻ, bình luận của các buổi phát trực tiếp của bị can Hằng. Kết quả theo văn bản số 470/STTTT-TTra ngày 28.6.2022 của Sở TT-TT tỉnh Bình Dương xác định các video, các kênh bà Hằng đăng tải trên mạng, có số người vào xem, nhiều lượt bình luận, nhiều nhất có đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích, 32.000 lượt bình luận.
Về nguyên nhân và điều kiện phạm tội, KLĐT kết luận, đây là vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ” do bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện. Hành vi của bị can Nguyễn Phương Hằng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bắt nguồn do mâu thuẫn với các cá nhân
Kết luận nêu rõ bị can Nguyễn Phương Hằng là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo KLĐT, “bắt nguồn từ mâu thuẫn với các cá nhân Nguyễn Đức Hiển, bà Lan, bà Hàn Ni, Huỳnh Minh Hưng, Thủy Tiên và Lê Công Vinh trong việc phát ngôn trên mạng xã hội, bị can Nguyễn Phương Hằng, là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam được nhiều người biết đến và theo dõi trên mạng xã hội, lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, bị can Hằng đã liên tục livestream phát ngôn về nhiều chủ đề, nhiều nội dung chưa được kiểm chứng, phát ngôn về bí mật đời tư, đời tư của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, đã có tác động tiêu cực đến dư luận xã hội”.
Đặc biệt, bị can Nguyễn Phương Hằng đã đăng tải trên mạng xã hội những lời lẽ, phát ngôn xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cá nhân nói trên.
Thanh Niên
[/ads_color_box]