Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chứng cứ và quan toà

Công lý Corona

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Chứng cứ phải do các bên cung cấp, tòa án không nên “nhảy vào” để tạo lập hay bổ sung

Chứng cứ là chất liệu của bức tranh pháp lý mà người ta trình ra trước tòa để tòa phán xét. Chất liệu đó phải từ các bên cung cấp, tòa án không nên “nhảy vào” để tạo lập hay bổ sung chứng cứ. Bởi nếu tòa án đi thu thập chứng cứ sẽ rất dễ coi trọng chứng cứ do mình tự thu thập hoặc “đi tìm” chứng cứ có lợi cho một bên, sẽ rất dễ bị lạm dụng. Quan tòa phải luôn đứng giữa, có như vậy mới vô tư trong việc đánh giá.

Dễ lồng ghép ý kiến chủ quan của tòa

Trình bày tờ trình Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói rằng một trong những điểm mới là dự thảo luật quy định tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Việc điều chỉnh này có  2 loại ý kiến khác nhau.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, loại ý kiến thứ nhất cho rằng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là phù hợp và cần thiết. Đây là phương án TAND Tối cao lựa chọn. Lý do, trong vụ án hình sự, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát thu thập, làm rõ tại phiên tòa và kết quả tranh tụng để xét xử.

Trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà các bên đã thu thập, giao nộp cho tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng để xét xử.

“Tòa án thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan, không đánh giá đầy đủ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo TAND Tối cao, việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan, để tòa án luôn giữ vai trò là trọng tài và phán xử trên cơ sở chứng cứ mà các bên đưa ra, thực sự tôn trọng và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”; phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ở đây cần nói rõ hơn là đề xuất như trình bày của ông Nguyễn Hòa Bình, thật ra… không mới mẻ gì. Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng Hành chính quy định nghĩa vụ thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự, tòa án chỉ thu thập chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập được và có yêu cầu.

Tự thu thập chứng cứ: nói vậy mà không phải vậy

Sở dĩ lâu nay phía đương sự ít thực hiện quyền này vì trên thực tế các đương sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu đó đang do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác lưu trữ, quản lý. Những trường hợp này đương sự không thể thu thập được nên phải đề nghị tòa án thu thập.

Ngoài ra trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế, trong khi cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân;…

Do việc cơ quan nhà nước không tự cung cấp chứng cứ cho người dân nếu không có yêu cầu, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, nên ở đây về lập pháp, cần bổ sung quy định về việc tòa án phải căn cứ vào cả các tài liệu, chứng cứ mà những người tham gia tố tụng nộp cho tòa án.

Bởi vì, theo quy định của pháp luật tố tụng, thì những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức có quyền nộp cho tòa án chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án; và dự thảo Luật này cũng đã quy định có việc cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, cung cấp, giao nộp cho tòa án chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.

Như vậy xuất phát từ thực tế cơ quan công quyền thường từ chối cung cấp chứng cứ theo yêu cầu người dân, nên cần bổ sung quy định về những biện pháp hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Ví dụ như sẽ có thêm điều luật nhấn rõ: “Tòa án yêu cầu Trung tâm hỗ trợ pháp lý, các tổ chức luật sư trợ giúp đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”.

Và ở đây cần tu chỉnh mang tính đồng bộ.

Theo quy định về tố tụng dân sự, cụ thể là tại khoản 2 Điều 6, khoản 7 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trong những trường hợp mà đương sự không thể thu thập được chứng cứ, tài liệu thì có quyền đề nghị tòa án thu thập. Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ cơ chế để bảo vệ quyền này.

Hơn nữa, quy định còn rất chung chung là những trường hợp đương sự có quyền đề nghị tòa án cung cấp chứng cứ là khi “tự mình không thể thực hiện được”, hoặc tòa án “khi xét thấy cần thiết” thì trên thực tế rất khó để thực thi, không có tiêu chí nào để xác định được khi nào thì thuộc trường hợp trên.

Có thể thấy một quy định liên quan đến quyền của đương sự mà không có cơ chế bảo đảm quyền thì quyền này gần như là khó để thực hiện trên thực tế.


Tin bài liên quan:

VNTB – Truyền thông “pha loãng” thời… Đảng cử – Dân bầu

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu Bộ Chính trị có bộ trưởng, hãy thay ông ấy đi!

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Công ty y tế Đức Minh là con cá lớn đã sẩy?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo