VNTB – Chuyện ‘câu – chữ’ trong lập luận của quan chức xứ Việt

VNTB – Chuyện ‘câu – chữ’ trong lập luận của quan chức xứ Việt

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Có lẽ tiếng Việt đối với một số quan chức khi sử dụng đã cho thấy sự trưởng thành của xã hội Việt Nam quả thực đang lắm vấn đề

 

Tiếng Việt của chúng ta phản ánh sự hình thành và trưởng thành của xã hội Việt Nam và của dân tộc Việt Nam, của tập thể nhỏ là gia đình, họ hàng, làng xóm và của tập thể lớn là dân tộc, quốc gia”.

(Trích Phạm Văn Đồng, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1980)

Hiểu theo cách ở trên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, có lẽ tiếng Việt đối với một số quan chức khi sử dụng đã cho thấy sự trưởng thành ở đây quả thực đang lắm vấn đề. Xin nêu đôi dẫn chứng thuần ý nghĩa của kêu gọi “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

MộtĐảng vẫn từng bước trong tập tành dân chủ mà thôi!

Báo Đại Đoàn Kết – cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số phát hành ngày 05/03/2016 có bài phỏng vấn về nội dung Không lo ‘Đảng cử dân bầu’, trong đó vấn đề được nhà báo đặt ra là làm sao khắc phục được tình trạng ‘Đảng cử dân bầu’?.

Đoàn mào đầu của bài phỏng vấn viết:

“Để cuộc bầu cử QH và HĐND các cấp sắp tới được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, bà Võ Thị Dung, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: Quá trình tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên với cử tri hết sức dân chủ cho nên không lo chuyện Đảng cử dân bầu” (*).

Bà Võ Thị Dung trả lời như sau: “Hiện nay chúng ta cũng mở rộng việc tự ứng cử. Trong lãnh đạo của tổ chức Đảng thì đều đưa ra tỷ lệ người ngoài Đảng trong cơ quan dân cử. Điều đó cho thấy rằng dân chủ của ta ngày càng mở rộngĐặc biệt quá trình tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên với cử tri hiện nay hết sức dân chủ, cho nên không lo chuyện “Đảng cử dân bầu” nữa. Bởi Đảng cử trên cơ sở đủ tiêu chuẩn theo quy định, luật định”.

Phản đề của lập luận trên về câu – từ cho chuyện lá phiếu dân chủ trong bầu cử, có thể viết như sau:

Trước đây chúng ta ít chấp nhận mở rộng việc tự ứng cử. Trong lãnh đạo của tổ chức Đảng không đưa ra tỷ lệ người ngoài Đảng trong cơ quan dân cử. Điều đó cho thấy rằng dân chủ của ta hạn hẹp. Đặc biệt quá trình tiếp xúc cử tri giữa ứng cử viên với cử tri trước đây không mấy dân chủ, cho nên đúng là có phần lo lắng trong chuyện “Đảng cử dân bầu”. Bởi khi ấy Đảng cử không hẳn trên cơ sở đủ tiêu chuẩn theo quy định, luật định”.

Tóm lại, theo phát biểu của bà Võ Thị Dung, ở nhiệm kỳ 2016 – 2021 vẫn là việc Đảng từng bước tập tành dân chủ hơn trong bầu cử mà thôi.

HaiBầu cử theo chỉ đạo của Tổng Bí thư hay là cứ theo luật mà làm?

Trong bài báo đăng trên trang web của báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, tựa đề “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phải tổ chức bầu cử dân chủ, chọn những đại biểu xứng đáng” (**), đã đăng toàn bài phát biểu soạn trước của ông Nguyễn Phú Trọng; trong đó có các đoạn dễ gây ngộ nhận khi được phân tích câu – từ theo hành văn tiếng Việt:

“Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45 ngày 20/6/2020, trong đó yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm”.

“Trong quá trình này, chúng ta cần chú trọng quán triệt thật tốt những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, chính sách lớn mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong sạch, vững mạnh, nhất là công tác cán bộ để lựa chọn ra những cán bộ, bầu ra những đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thực sự có đủ uy tín, có đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội của Đảng, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)”.

Từ cả những câu thể mệnh lệnh cách ở trên, cho thấy là bầu cử ở Việt Nam thay vì chỉ đơn giản cứ theo luật bầu cử, đàng này lại phải cậy đến chuyện hô hào nghị quyết Đảng cho cam kết dân chủ, kiểu như tựa bài báo trên trang VTV, “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phải tổ chức bầu cử dân chủ, chọn những đại biểu xứng đáng”.

_____________

Chú thích:

(*) http://daidoanket.vn/chinh-tri/khong-lo-dang-cu-dan-bau-tintuc90383

(**) https://vtv.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-phai-to-chuc-bau-cu-dan-chu-chon-nhung-dai-bieu-xung-dang-20210121104057945.htm


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)