VNTB – Chuyện đau lòng ở Kiên Giang: bé gái tử vong vì “nhà thiếu gạo”

VNTB – Chuyện đau lòng ở Kiên Giang: bé gái tử vong vì “nhà thiếu gạo”

Hồng Dân

(VNTB) – Bé gái  T. thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo.

Ông Thạch Thuận, chú ruột của bé gái cho biết, T. thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo.

Chuyện đau lòng xảy ra ở quê nhà của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ngày 13-7-2023, bác sĩ Vũ Hoài Phương – Khoa Cấp cứu, bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang xác nhận, có 1 trường hợp được đưa đến Khoa Cấp cứu nhưng đã tử vong vào chiều 12-7. Bác sĩ Phương (trực cấp cứu ca bệnh) cho biết, bệnh nhân T.T là bé gái sinh năm 2010 ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành.

Bệnh án cho biết bệnh nhân nhập viện lúc 14g36 ngày 12-7 trong tình trạng ngừng thở, tím tái toàn thân, mạch bẹn cảnh không bắt được, tim không nghe, phổi lồng ngực mất di động. Các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra, cấp cứu cho bệnh nhân như bóp bóng giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, mắc monitor theo dõi… Chẩn đoán của bác sĩ là đột tử chưa rõ nguyên nhân.

Theo lời khai lúc vào viện của bà T.L (mẹ bệnh nhân), bé ăn cua, cá lau kiếng luộc cùng trứng cá kiếm được trong hang. Khoảng 1 tiếng sau, người thân phát hiện bé mê man, sùi bọt mép nên đưa đi cấp cứu.

Gia đình cháu bé cho biết, nạn nhân thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo. Trứng cá lau kiếng không nằm trong bụng cá mà thường tìm thấy trong hang cá. Trứng có màu vàng, từng chùm. Khu vực ao bé gái bắt cá, cua đã bỏ hoang nhiều năm sau khi chủ ao nuôi cá thua lỗ.

Tham vấn ý kiến từ bác sĩ Bùi Ngọc Thành, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, thì ở bệnh viện nơi ông làm việc chưa từng tiếp nhận trường hợp ngộ độc do cá hay trứng cá lau kiếng.

Theo kinh nghiệm thực tiễn, ông ghi nhận trứng cá nóc và mật cá trắm có độc nhưng bệnh nhân không thể diễn tiến tử vong trong vài giờ. “Không loại trừ khả năng bé ăn phải trứng cá bị nhiễm độc từ môi trường bên ngoài”, bác sĩ Thành nói.

Ông Thạch Thuận, chú ruột của nạn nhân nói rằng ông cùng nhiều người trong xóm từng ăn loại trứng cá này nhưng không xảy ra chuyện ngộ độc.

Vấn đề cần đặt ở đây không phải là chuyện “trứng cá” hay “cua” nhiễm độc ra sao, có phải từ chuyện “dư lượng thuốc trừ sâu” trên đồng ruộng, mà là ở lý do của việc phải ăn “trứng cá”, đó là một bé gái 13 tuổi đã phải “thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo”.

Bé gái tuổi 13 này lại ở tại tỉnh Kiên Giang của xứ miền Tây nổi tiếng là vựa gạo không chỉ nuôi được cả nước, mà còn xuất khẩu đứng trong 3 quốc gia hàng đầu của thế giới.

Bé gái tuổi 13 ấy ở hôm nay không phải là cô bé tuổi 13 thuở nào của miền Nam mà thi sĩ Nguyên Sa đã phải: “Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?/ Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba…”.

Trong một văn bản có tên “Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang” mà người viết bài này có được, thì tổng số hộ dân cư trên địa bàn tỉnh là 465.665 hộ; trong đó hộ dân tộc thiểu số là 69.226 hộ.

Tổng số hộ nghèo của Kiên Giang hiện nay là 8.854 hộ, chiếm tỷ lệ 1,90%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 2.552 hộ; tỷ lệ 3,68%. Hộ cận nghèo có 14.787 hộ, chiếm tỷ lệ 3,18%; trong đó, hộ cận nghèo dân thiểu số 3.871 hộ, tỷ lệ 5,59%.

Ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, nhà chức trách nói rằng có 5954 hộ, nhưng số hộ nghèo chỉ có 85 hộ, cận nghèo là 99 hộ.

Như vậy, xem ra chuyện đau lòng ở trên khi phải “thường mò cua, cá về nấu cho các em ăn trong những ngày nhà thiếu gạo” chỉ chiếm tỷ lệ 1,43% ở huyện Châu Thành, mà lại còn nhằm vào “hộ nghèo dân tộc thiểu số”. Tỷ lệ này, vì lẽ ấy, cho thấy một góc nhìn khác về phân hóa giàu – nghèo đến cùng cực của vấn đề sắc tộc ở đồng bằng sông Cửu Long.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)