Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện Lê Văn Tám và đấu tố thời COVID

Nguyễn  Thị Sen 

 

(VNTB) – Chuyện hư cấu được quan tâm, nói  thật thì bị mang ra đấu tố

 

Lê  Văn Tám thời COVID

Chuyện một bác sĩ quyết định rút ống thở của mẹ để cứu 3 mạng người khác được sáng tác ra để lấy nước mắt của người đọc. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, kinh tế kiệt quệ, đói kém đã khiến tâm lý người dân hoang mang. Niềm tin vào chính quyền, hệ thống chính trị theo như cách nói yêu thích của cán bộ ngày nay, hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội không còn nữa thì những câu chuyện Lê Văn Tám đã được sáng tác ra để mị dân. Khi đã cạn kiệt niềm hi vọng, thì người ta tin tưởng vào một tia sáng le lói.

Câu chuyện có vẻ như từ  một  người  rất thật của một người bác sĩ – một người cha có con nhỏ của một tài khoản [được cho] là có thật trên Facebook để người đọc xuýt  xoa  tự hỏi có bao nhiều người dám hi sinh người thân của mình để cứu người khác. Trong thời khắc con người đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, những ai sẽ không cố vũng vẫy để tranh giành lấy lại cho được sự sống của bản thân mình và cho người thân của mình trước hết? Có lẽ rất hiếm.

Vì vậy một câu chuyện hiếm, lạ trong thời buổi nhiễu nhương, nhập nhằng trắng đen này và cả đầy dẫy bất công đã làm cho không ít người tin rằng trên đời này vẫn còn có những con người cao cả, hi sinh vì người khác.

Chuyện “Bác sĩ Khoa” được lan toả mạnh vì một người dám hi sinh mạng sống của mẹ để cứu bệnh nhân. Giữa lúc có những người làm trong ngành y từ đầu đại dịch cho đến nay đã có những hành động đáng khinh bỉ như nâng giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai, vắc xin ông ngoại, vắc xin ông anh, vắc xin gia đình bác sĩ, hay tình trạng quá tải của y tế Việt Nam như thiếu máy thở, thiếu vắc xin khiến người dân ngao ngán. Với câu chuyện này khá nhiều người nghĩ rằng vẫn còn có điều gì đó tốt đẹp để tin tưởng, bỏ qua cả khía cạnh đạo đức phương đông và pháp lý Việt Nam. Vì thế họ đã bấm nút like, chia sẻ và thậm chí đã khóc.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc câu chuyện đã được xác định là hư cấu, người bác sĩ tên Khoa với trang Facebook cá nhân có cả hình con trai đã biến mất. Sở Y tế thành phố cũng  xác nhận đây là câu chuyện không có thật.

Mạng xã hội lại chia rẽ khi một bên không tin câu chuyện Lê Văn Tám thời COVID công kích những người đã lỡ like, và chia sẻ câu chuyện mà trong đó không ít người là những người nối tiếng, KOLs, blogger và cả nhà báo. Khía cạnh đạo đức ngay trong tháng Vu Lan đã khiến nhiều người phẫn nộ với một người dân danh bác sĩ vì “mẹ mình mà không cứu thì nói gì đến bệnh nhân.”

Một câu chuyện có vẻ đẹp như mơ được tung ra cho đến giờ dường  như đã nhấn chìm một câu chuyện khác. Chỉ vì nói đúng thực trạng của xã hội Việt Nam lại “được mang ra đấu tố”: một cô giáo bị chính học trò tố cáo bằng một đoạn phim quay lại buổi học trên Zoom, kéo theo cả công an, chính quyền Đà Nẵng và báo chí vào cuộc.

 

Phạm tội nói thật  

Một cô giáo bị buộc tội “sính ngoại, phát ngôn phiến diện về công tác phòng chống dịch” sau khi một đoạn clip tranh luận giữa cô giáo và học trò được chính người sinh viên có mặt trong clip tung lên mạng xã hội.

Cuộc tranh luận nằm trong khuôn khổ của môn học Văn minh/Văn hoá Anh đã được báo công an và các báo chí trong nước gán cho tội “ sính ngoại”. Cô giáo một Văn minh Anh thì phải nói về Văn minh/ văn hoá nước Anh là điều đương nhiên. Việc đối chiếu văn minh Anh với văn minh Việt Nam để so sánh, tìm sự khác biệt là điều thường tình nhưng lại bị báo chí kết tội “sính ngoại.”

Cái tội “sính ngoại” này có lẽ nên dành hết cho các lãnh đạo từ cấp cao nhất xuống dưới, đảng viên từ nhỏ tới to, công nhân viên nhà nước trong diện được ưu tiên tiêm vắc xin và cả lực lượng công an, quân đội đến tận những nhà báo đang hăng hái gõ bàn phím kết tội cô giáo. Họ chắc chắn tự hào đã được tiêm vắc xin “xịn xò” của Anh hay của Mỹ. Không sính ngoại thì tại sao các vị không chờ cho đến khi có vắc xin Việt Nam rồi chích, hay là tốt hơn thì tự nguyên xung phong tham gia thử nghiệm vắc xin của Việt Nam để thể hiện tinh thần yêu nước, không sính ngoại?

Việc thể hiện quan điểm riêng và tôn trọng sự khác biệt là một trong những nét đặc trưng của xã hội dân chủ trong các nền văn minh Âu Mỹ. Nhưng tiếc thay, cậu học trò đã không học được điều đó. Thay vào đó, cậu đã áp dụng văn minh đấu tố của cải cách ruộng đất, của cách mạng và của Mao để đưa cô giáo của mình ra làm đối tượng bị ném đá nhằm thoả mãn cho một mục tiêu nào đó.

Đoạn video clip dài hơn 4 phút nhưng chỉ có một số câu được ghi lại theo chiều hướng có lợi cho bên buộc tội, ngoài ra toàn bộ bối cảnh của cuộc tranh luận không được biết đến nên sẽ không được phán xét công tâm cho cả hai phía dù có thể thấy đọc thấy câu hỏi gài độ “Cô không thích người Việt Nam luôn đúng không ạ?”

Cô giáo đặt câu hỏi đã có thấy ở đâu dân phải chạy 1500km về quên trốn dịch hay chưa. Câu trả lời là có, người dân Ấn Độ phải đi bộ hàng nghìn cây số về quê trốn dịch từ năm 2020 và lịch sử đã lập lại tại Việt Nam khi các loại phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoạt động.

Lập luận về an sinh xã hội của giảng viên này không có gì là sai cả, mà nó đúng 100%. Người dân Âu Mỹ ở nhà yên tâm chống dịch vì họ không có ai đói, tiền được chính phủ hỗ trợ minh bạch và đi thẳng vào tài khoản ngân hàng, người thất nghiệp được hưởng lương thất nghiệp hết thời gian trợ cấp thất nghiệp thì có có đệ đơn xin trợ cấp khác.

Thuốc men, khám chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn cho bất kỳ ai đang ở trên đất Anh. Ở những quốc gia khác thì có bảo hiểm thì do bảo hiểm hoàn toàn chi trả. Vắc xin được tiêm kịp thời và hoàn toàn miễn phí, minh bạch không có đối tượng ưu tiên gây bức xúc.

Người dân nhập cư ở thành phố lớn như Sài Gòn không có được sự trợ cấp kịp thời dù họ là thành phần đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố này và cả nước. Họ cũng không có hi vọng được tiếp cận chăm sóc y tế, vắc xin khi mà đến tiền ăn hay tiền mua bỉm sữa cho con còn không có. Thì họ chỉ còn có một con đường tháo chạy về quê.

Cuộc tháo chạy mà có người cho rằng đó là đi “tỵ nạn y tế” cho thấy sự thất bại của chính phủ trong việc chăm lo cho dân chúng, cho những người đã bán sức để đóng thuế nuôi bộ máy của chính phủ trong bao năm qua.

Đã không hỗ trợ được cho dân, mà khi dân quay về quê còn bị chính quyền địa phương xua đuổi. Chính quyền dường như đã vắng mặt trong thời gian qua. Hình ảnh cứu trợ, giúp đỡ nhân viên tuyến đầu toàn là tự phát chứ không có bóng dáng của đoàn, đội, hội ăn ngân sách. Đã không hỗ trợ được cho dân thì chớ mà còn kêu gọi dân đóng góp quỹ vắc xin, xong thì tiền nhàn rỗi được mang đi gửi ngân hàng.

Tiền nhàn rỗi lên đến gần 30.000 tỉ của Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng đâu được chi ra để chăm lo cho người lao động bị buộc phải trích lương vài phần trăm mỗi tháng để nộp vô quỹ công đoàn. Tiền cứu trợ gói này đến gói khác thì ở trên ti vi. Cứu trợ năm ba ký gạo cho mỗi gia đình hay 1,5 triệu đồng thì một gia đình ba bốn miệng ăn sẽ sống được trong bao lâu?

Đà Nẵng lại còn phát minh ra ý tưởng một gia đình khá giả sẽ nâng đỡ một gia đình nghèo khó. Đấy, chính quyền lại đẩy gánh nặng cho dân dưới cái chiêu bài “ lá lành đùm lá rách” đó thôi. Suy cho cùng thì chỉ có dân lo cho dân thôi.

Một chính phủ không thể lo cho dân mình là một chính phủ thất bại. Ở các nước đa đảng thì chính phủ bất tài đã phải từ chức hay bị người dân yêu cầu từ chức. Thế nhưng ở Việt Nam thì chính phủ không được thất bại vì nếu chính phủ thất bại thì hoá ra đảng lãnh đạo cũng thất bại sao? Thế cho nên không được thất bại cũng như không được nhục.

Cô giáo dám nói “nhục”, dám chê bai “an sinh xã hội của Việt Nam yếu kém” là đã phạm vào điều cấm.

Ta chỉ có bách chiến bách thắng thôi!


Tin bài liên quan:

VNTB – Người dân đang bi quan về đời sống

Phan Thanh Hung

VNTB – Biến thể Delta gây ra phản ứng chính trị ở Châu Á

Phan Thanh Hung

VNTB – “Phố đèn đỏ”: tín hiệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo