(VNTB) – Các vụ lừa đảo thường được thực hiện bởi những cá nhân hoặc nhóm có hiểu biết sâu về tài chính, luật pháp và tâm lý con người.
Cứ tưởng ở cái xứ sở giàu có, với những người luôn toét miệng cười khi nhìn thấy nhau dù quen hay lạ, không có những kẻ lừa gạt. Bây giờ sống đã lâu, thấy đủ kiểu lừa gạt, ‘nghệ thuật’ chẳng khác, hay còn hơn cả ở VN. Thì ra ở đâu cũng có kẻ xấu. Bên Ta, bên Tây, bên Tàu cũng vô số kẻ lừa gạt, trộm cắp. Mà hình như ở nơi có nhiều người thiện lương lại là nơi nhiều trộm cắp, lừa đảo. Nói vậy chả biết có đúng không!
Ở đâu cũng có kẻ xấu. Có lẽ trong những bộ lạc tận sâu Amazon dám cũng có chuyện lừa đảo, vì người ta biết dùng bẫy bắt thú mà. Ở các xã hội mà người ta tự nhận văn minh, bọn lừa đảo còn thông minh và liều lĩnh hơn, chúng giăng cạm bẫy khắp nơi để bắt kẻ khù khờ, mà chắc gì người bị lừa đã lại là kẻ khù khờ. Ở Mỹ, nhìn chung quanh cứ thấy sáng choang, cứ tưởng mọi thứ đều an toàn và minh bạch, tuy nhiên, lừa đảo tồn tại ở mọi nơi. Có rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, từ đơn giản lừa đảo qua điện thoại, email, đến các vụ lừa đảo tài chính phức tạp, vụ nào cũng làm người bị sập bẫy đau nhớ đời. Những kẻ lừa đảo thường lợi dụng sự tin tưởng, ngây thơ của người khác, cũng như thiếu hiểu biết về hệ thống luật pháp hoặc quy định. Có người bị lừa xong, nín khe, không dám kể cho ai, ngay cả vợ, chồng vì mắc cỡ, có người kể ra lại bị bạn bè lên lớp như dạy Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nào là phải luôn cảnh giác, học hỏi cách nhận biết các dấu hiệu của lừa đảo, nào là phải cẩn thận trong các giao dịch. Đã mất tiền, mất của lại phải nghe lên lớp, mang buồn phiền vào thân.
Lừa đảo qua điện thoại và email là hai phương thức phổ biến mà kẻ gian sử dụng để lấy cắp thông tin cá nhân, tiền bạc, hoặc tài sản của người khác. Các ông bà đứng tuổi, cả tin, tốt bụng có lẽ hay bị dính bẫy kiểu này.
1.Lừa đảo qua điện thoại
Tôi đã từng nhận cuộc gọi, bắt đầu chào hỏi rất lịch sự và rằng, cảnh sát city cần tiền, chỉ mỗi người tốt bụng cho 15 đô mỗi tháng để làm abc gì đó cho cộng đồng, tôi nói sẵn sàng và sẽ gửi khi nhận được thư của sở cảnh sát có kèm theo phong bì ghi địa chỉ của sở cảnh sát. Kẻ lừa đảo khen tôi tốt bụng, bảo sẽ gửi thư và phong bì đến để tôi đóng góp hàng tháng, nhưng đề nghị lần này tôi có thể gửi qua điện thoại, trả bằng thẻ credit card. Số tiền cho lần đầu có thể là 50 đô, có thể rút xuống đến chỉ còn 5 đô. Đừng cho gì cả, nó sẽ có số bank account của bạn cho nó. Nó sẽ không rút hết trơn được tiền của bạn một lần đâu, nhưng cũng đủ làm bạn đau bụng lắm.
Lại còn những kẻ ác ôn, vừa lừa mình, vừa hù làm cho mình sợ nữa chớ. Chúng giả danh nhân viên sở thuế, công an, cảnh sát, hoặc tổ chức chính phủ, nói rằng bạn có vấn đề pháp lý (như nợ thuế, hay buôn cần sa chẳng hạn) và đe dọa rằng bạn sẽ bị bắt hoặc phạt nếu không trả tiền ngay lập tức, dĩ nhiên qua thẻ tín dụng. Khối kẻ buôn hay trồng cần sa đã bị chính bạn bè của họ lừa kiểu này.
Bọn đặt bẫy có thể giả danh nhân viên các công ty lớn như Microsoft, Apple, hay các công ty điện thoại Viettel chẳng hạn, nói rằng máy tính hoặc tài khoản của bạn bị hack và yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, E-Mail, password, ngày tháng sinh.., hoặc thanh toán để “khắc phục sự cố.” Mấy ông già xài computer thường gặp vụ này.
2. Lừa đảo qua trúng thưởng: Bạn nhận được cuộc gọi nói rằng bạn đã trúng thưởng một giải lớn, nhưng để nhận được giải, bạn cần phải trả một khoản phí hoặc cung cấp thông tin tài chính. Cách đây vài chục năm, ở Mỹ nó hay quảng cáo bằng cách gửi đến nhà thư báo cho bạn biết bạn đã trúng giải thưởng 1 triệu chẳng hạn, có vài người Việt tin thật. Sau này chính phủ cấm không cho quảng cáo kiểu… lừa gạt này.
3. Lừa đảo gia đình khẩn cấp. Kiểu này nhiều người mắc phải vì nó đánh vào tình thương của người thân với gia đình. Có cả cái tên riêng để chỉ loại lừa đảo này là Grandparent Scam.
Kẻ lừa đảo gọi đến người già, giả làm cháu hoặc người thân, nói rằng họ đang gặp rắc rối (như bị tai nạn, bị bệnh nặng) và cần tiền gấp để giải quyết. Có khi giả người thân, đang du lịch mất hết tiền, mất passport, xin giúp ngay. Cô bạn tôi sống ở Mỹ, là cử nhân luật ở VN đấy nhé, bị lừa kiểu này bởi ‘cô cháu” gọi từ VN báo tin ông nội đau nặng. Hỏi mất bao nhiêu, chỉ ấm ức mà không trả lời.
4. Lừa đảo hỗ trợ kỹ thuật (Tech Support Scam):
Bạn nhận được cuộc gọi từ ai đó tự nhận là từ một công ty công nghệ lớn, nói rằng máy tính của bạn có vấn đề và yêu cầu bạn cung cấp quyền truy cập từ xa hoặc trả tiền để sửa lỗi.
Lừa đảo qua email (Phishing)
1. Email giả danh (Phishing):
Kẻ gian gửi email giả danh ngân hàng, công ty thẻ tín dụng, hoặc dịch vụ trực tuyến, yêu cầu bạn cập nhật thông tin tài khoản hoặc xác nhận giao dịch bằng cách nhấp vào một liên kết. Khi bạn nhấp vào, bạn sẽ bị dẫn đến một trang web giả mạo trông giống như trang web thật, nơi kẻ gian thu thập thông tin đăng nhập của bạn. Nhớ, ngân hàng, công ty tín dụng…không bao giờ gửi email yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin qua email.
2. Email chứa file đính kèm độc hại:
Kẻ gian gửi email chứa file đính kèm (như tài liệu Word, PDF) có chứa phần mềm độc hại. Khi bạn mở file, máy tính của bạn có thể bị nhiễm virus hoặc phần mềm gián điệp cho phép kẻ gian truy cập thông tin cá nhân của bạn. Cái này thường gọi là bị hack. Đừng bao giờ mở mấy cái “đính kèm” nhé.
3. Lừa đảo đầu tư hoặc kinh doanh:
Bạn nhận được email từ ai đó tự nhận là có một cơ hội đầu tư hoặc kinh doanh “không thể bỏ lỡ” và yêu cầu bạn gửi tiền hoặc thông tin cá nhân để tham gia.
4. Lừa đảo bằng hóa đơn giả:
Bạn nhận được email giả hóa đơn từ một công ty mà bạn có thể đã giao dịch, yêu cầu bạn thanh toán cho một dịch vụ hoặc sản phẩm mà bạn không mua.
Cách phòng tránh
Cảnh sát khuyên mọi người:
Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc email:
Nếu bạn nhận được yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm, hãy kiểm tra trực tiếp với tổ chức thông qua số điện thoại hoặc trang web chính thức.
Cảnh giác với email có liên kết hoặc file đính kèm:
Đừng nhấp vào liên kết hoặc mở file đính kèm từ email không rõ nguồn gốc.
Kiểm tra kỹ càng:
Nếu nhận được cuộc gọi hoặc email từ ai đó yêu cầu tiền hoặc thông tin, hãy kiểm tra kỹ, gọi cho họ, trước khi hành động.
Sử dụng phần mềm bảo mật:
Bảo đảm rằng máy tính và điện thoại của bạn được cài đặt phần mềm chống virus và phần mềm bảo mật mới nhất.
Báo cáo lừa đảo:
Nếu bạn nghi ngờ mình bị lừa, hãy báo cáo với cơ quan chức năng ngay lập tức.
Cảnh giác và cẩn thận, bạn sẽ giảm được nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo này.
Lừa đảo tài chính phức tạp thường liên quan đến các thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt số tiền lớn từ nhiều người hoặc tổ chức. Các vụ lừa đảo này thường được thực hiện bởi những cá nhân hoặc nhóm có hiểu biết sâu về tài chính, luật pháp và tâm lý con người. Có lẽ người Việt biết nhiều về cách lừa đảo này vì đã có nhiều vụ giống nhau ra toà.
Có thể bạn chưa nghe vụ lừa đảo Ponzi của Bernie Madoff.
Bernie Madoff, không phải là tay ấm ớ hội tề, ông ta là một nhà đầu tư nổi tiếng và cựu chủ tịch sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ, đã thực hiện một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử, được gọi là “Madoff Ponzi Scheme”. Madoff đã lừa đảo hàng chục tỷ đô la từ các nhà đầu tư trong suốt nhiều thập kỷ. Madoff điều hành một quỹ đầu tư mà ông tuyên bố sẽ mang lại lợi nhuận ổn định và cao, bất kể điều kiện thị trường. Thay vì thực sự đầu tư tiền của các nhà đầu tư vào các công cụ tài chính sinh lời, Madoff đã sử dụng số tiền của các nhà đầu tư mới để trả lãi suất cho các nhà đầu tư cũ. Đây là nguyên lý hoạt động cơ bản của một “Ponzi scheme” (kế hoạch Ponzi).
Madoff cam kết mang lại lợi nhuận cao và ổn định, thường khoảng 10-12% mỗi năm, bất kể thị trường tăng hay giảm. Điều này hấp dẫn nhiều nhà đầu tư, từ cá nhân đến các tổ chức lớn. Ông ta lợi dụng danh tiếng và vị thế của mình trong ngành tài chính để tạo niềm tin với các nhà đầu tư. Ông cũng sử dụng các chiến thuật tâm lý, như chọn lọc khách hàng và tạo ra cảm giác “độc quyền”, khiến nhà đầu tư cảm thấy may mắn khi được chấp nhận. Để che giấu sự lừa đảo, Madoff sử dụng các báo cáo tài chính giả, và kiểm soát chặt chẽ thông tin nội bộ. Ông cũng làm việc với một số ít các cá nhân tin cậy để duy trì hoạt động lừa đảo.
Chẳng may khủng hoảng tài chính năm 2008 xảy ra, nhiều nhà đầu tư yêu cầu rút tiền cùng một lúc, và Madoff không thể tiếp tục trả tiền cho các nhà đầu tư, vụ lừa đảo bị phát hiện. Madoff bị bắt giữ. Tổng số tiền ông ta lừa đảo được ước tính lên tới khoảng 65 tỷ USD, mặc dù con số thực tế mà các nhà đầu tư mất đi thấp hơn, do một phần tiền được trả lại từ các khoản đầu tư ban đầu.
Bernie Madoff bị kết án 150 năm tù vào năm 2009. Hàng ngàn nhà đầu tư mất hết tài sản, trong đó có nhiều tổ chức từ thiện, quỹ hưu trí, và các cá nhân đã tin tưởng giao tiền cho Madoff.
Trước hay sau ông này, ở VN cũng có hàng loạt lừa đảo theo kiểu này. Vụ công ty nước hoa Thanh Hương với tay Nguyễn Văn Mười Hai mấy chục năm trước là ví dụ. Đằng sau Mười Hai, ăn chia với ông ta. là một đám quan chức TP HCM, nhưng chỉ anh chàng này và vợ, tên Nhu ra tòa. Vụ lừa đảo đa cấp Công ty Liên Kết Việt (2015) hay các vụ khác sau này nổi đình đám mà ai cũng biết.
Một vụ lừa đảo tài chính điển hình là vụ bê bối của tập đoàn bất động sản Evergrande ở Trung Quốc, công ty này bị cáo buộc đã thổi phồng doanh thu lên tới 78 tỷ USD. Đây là một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Trung Quốc, gây chấn động không chỉ trong nước mà còn ảnh hưởng đến toàn cầu.
Ngoài ra, vụ việc mang tên “Pig-Butchering” (lừa đảo “nuôi lợn”) cũng đang được INTERPOL báo động. Đây là kiểu lừa đảo mà các đối tượng tiếp cận nạn nhân qua các nền tảng trực tuyến, dần tạo dựng lòng tin rồi rút sạch tài sản của họ, thường liên quan đến các khoản đầu tư mạo hiểm hoặc tiền điện tử. Điều đáng lo ngại là các tổ chức tội phạm đang tận dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo để nâng cấp quy mô và độ phức tạp của các vụ lừa đảo này.
Những vụ lừa đảo này cho thấy rằng công nghệ đang được tội phạm lợi dụng để đánh cắp tài sản một cách ngày càng tinh vi hơn, khiến nhiều người dễ dàng trở thành nạn nhân nếu không cẩn trọng.
Còn nói về lừa đảo trên đường phố hoặc nơi công cộng thì vô số cách làm những người bình thường chúng ta bị sập bẫy.
Lừa đảo “đánh tráo tiền”:
Kẻ gian giả vờ là người bán hàng hoặc đổi tiền. Khi bạn đưa tiền mệnh giá lớn (ví dụ, tờ 500.000 đồng VN) để mua một món hàng giá trị nhỏ, họ sẽ đánh tráo tờ tiền của bạn bằng một tờ tiền giả hoặc có mệnh giá thấp hơn và sau đó nói rằng bạn đã nhầm. Nếu bạn không cảnh giác, bạn có thể mất một khoản tiền lớn mà còn phải đôi co đến bực mình.
Lừa đảo “bán hàng kém chất lượng”:
Kẻ gian bán các sản phẩm kém chất lượng hoặc giả mạo với giá cao hơn giá trị thực tế. Chẳng hạn, họ có thể bán cho bạn một chiếc điện thoại giả hoặc một món hàng bị hỏng, hay cả củ khoai thối, và khi bạn phát hiện ra thì họ đã biến mất. Tôi đã từng mất tiền, quên là bao nhiêu để mua phải một kg hải sâm tại chợ Đồng Xuân mà chỉ biết là cao su khi đem về Mỹ nấu đủ cách, kể cả bằng nồi áp suất.
Lừa đảo “giúp đỡ”:
Kẻ gian giả vờ bị tai nạn, gặp khó khăn, hoặc bị mất đồ để lừa lòng tốt của người khác. Họ yêu cầu bạn cho vay tiền hoặc giúp đỡ bằng cách nào đó và sau đó biến mất cùng với số tiền của bạn.
Lừa đảo “rút tiền giúp”:
Kẻ gian giả vờ là nhân viên ngân hàng hoặc người tốt bụng, giúp bạn rút tiền tại cây ATM. Họ có thể sử dụng thủ đoạn để lấy được thẻ của bạn và sau đó rút hết tiền trong tài khoản của bạn.
Lừa đảo “cướp giật giả”:
Một kẻ giả vờ bị cướp, túi xách hoặc điện thoại bị giật trên đường, rồi kêu gọi sự giúp đỡ hoặc xin tiền của người qua đường. Những người khác trong nhóm tội phạm sẽ tham gia vào vụ việc để khiến nạn nhân cảm thấy đây là một tình huống thực sự và sẵn lòng đưa tiền giúp. Về nhà nghĩ lại, vừa tiếc tiền, vừa thấy lòng thương người của mình thật là vô nghĩa.
Lừa đảo trên xe lửa, xe buýt:
Trên các phương tiện giao thông công cộng, kẻ gian thường lợi dụng đám đông, nhất là trong giờ cao điểm hành khách, chen lấn như cá hộp, để móc túi.
“Chèo kéo” mua hàng:
Một số kẻ gian có thể giả vờ bán hàng trên xe buýt, xe lửa, nhưng thực chất là để lừa bạn mua những món hàng kém chất lượng hoặc có giá cao hơn giá trị thực. Kiểu này ở VN du khách bị làm phiền nhiều.
Lừa đảo vé giả:
Ở các ga tàu, bến xe, kẻ gian có thể bán vé giả hoặc vé bị làm giả với giá cao cho những hành khách không cảnh giác, nhất là trong mùa cao điểm khi vé tàu xe khó mua. Ở VN chuyện này có thể được xem như không lừa đảo, ngay cả với người bị lừa đảo. Hành khách “vui lòng” trả tiền cho bọn “con phe vé”.
Lừa đảo “trò chơi may rủi”:
Trên đường phố, bạn có thể gặp các nhóm người tổ chức các trò chơi may rủi như “đoán thẻ”, “đoán bóng”,… Nhìn bề ngoài, có vẻ như bạn có thể dễ dàng chiến thắng, nhưng thực tế đây là những trò lừa đảo, được dàn dựng để bạn thua tiền.
Có nhiều vụ lừa đảo mà kết quả của chúng có thể khiến người ta vừa thấy như xem một bi hài kịch, Một trong những vụ lừa đảo nổi tiếng nhất “cười ra nước mắt” là vụ lừa đảo của Victor Lustig, người đã “bán” Tháp Eiffel – không chỉ một lần, mà đến hai lần!
Victor Lustig là một trong những kẻ lừa đảo khét tiếng nhất trong lịch sử, nổi tiếng với những chiêu trò táo bạo và tinh vi. Vào những năm 1920, ông đã thực hiện một trong những vụ lừa đảo đáng nhớ nhất khi bán Tháp Eiffel, một biểu tượng của Paris, cho các nhà buôn phế liệu.
Vào năm 1925, Lustig đọc được tin tức rằng chi phí bảo dưỡng Tháp Eiffel quá lớn và chính phủ Pháp đang xem xét tháo dỡ nó. Lustig nhìn thấy cơ hội từ câu chuyện này và quyết định lợi dụng nó để thực hiện một vụ lừa đảo lớn.
Ông ta giả là một quan chức chính phủ Pháp, tự xưng là “Phó giám đốc Bộ Bưu điện và Điện tín”. Ông tổ chức một cuộc họp bí mật với một nhóm nhà buôn phế liệu lớn ở Paris, thông báo rằng chính phủ muốn bán Tháp Eiffel như một phần của dự án tháo dỡ bí mật để tránh phản đối công khai.
Lustig nói với các nhà buôn rằng vì dự án này rất nhạy cảm, họ cần phải giữ bí mật và nhanh chóng đưa ra quyết định. Sau đó, ông tổ chức một cuộc đấu giá giả mạo, trong đó một nhà buôn phế liệu tên André Poisson đã “thắng thầu” và trả một số tiền lớn để mua quyền tháo dỡ Tháp Eiffel.
Sau khi nhận được tiền từ Poisson, Lustig nhanh chóng rời Paris và trốn thoát tới Vienna. Điều đáng ngạc nhiên là Poisson, khi phát hiện ra mình bị lừa, vì quá xấu hổ đã không báo cảnh sát, mà có lẽ cũng không kể cho vợ, sợ rằng sự thật này sẽ hủy hoại danh tiếng của mình trong ngành.
Thấy kế hoạch của mình thành công, vài tháng sau, Lustig trở lại Paris và thực hiện lại trò bịp này một lần nữa. Tuy nhiên, lần này, người mua nghi ngờ và báo cảnh sát, nhưng Lustig đã kịp thời trốn thoát.
Lustig lừa bán một công trình nổi tiếng như Tháp Eiffel, không chỉ một lần mà đến hai lần, thực sự là một câu chuyện hài hước khó tin, cho thấy sự tinh ranh và táo bạo của kẻ lừa đảo.
- Bi kịch: Đối với các nạn nhân, đặc biệt là Poisson, đây là một bi kịch cá nhân lớn. Ông đã mất một số tiền khổng lồ và cảm thấy xấu hổ đến mức không dám công khai vụ việc. Điều này cho thấy cách mà sự xấu hổ và lòng kiêu hãnh có thể ngăn cản con người hành động, ngay cả khi họ bị lừa dối.
- Cười ra nước mắt: Câu chuyện này đã trở thành một trong những vụ lừa đảo nổi tiếng nhất thế giới, thường được kể lại như một bài học về sự tinh vi của kẻ lừa đảo và sự cả tin của con người.
Một câu chuyện khác cũng thú vị là vụ lừa đảo của một nhóm người Nga giả danh làm các nhà khoa học và tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra “chất tăng tốc học tập”. Nhóm này đã tạo ra một loại thuốc giả và bán với giá cắt cổ cho những người mong muốn cải thiện trí nhớ và khả năng học tập của mình. Khi sự thật bị phanh phui, nhiều người không thể tin nổi rằng họ đã bỏ ra hàng ngàn đô la cho một loại thuốc không hề có tác dụng gì. Chuyện giống thế này hình như còn đang có tại VN.
Cách phòng tránh những lừa đảo thông thường, “biết rồi khổ lắm, nói mãi”. Chẳng dám đưa ra những lời khuyên, vì hình như ai cũng…đã biết, nhưng khổ nỗi ngày nào, lúc nào, ở bất cứ nơi nào cũng nghe có người hiền lành và ngây thơ kêu bị lừa, và ngay cả người viết bài này, biết đâu, có lúc nào đó lại sập bẫy lừa!