Việt Nam Thời Báo

VNTB – Chuyện ‘tiền chợ’ ở những tuần lễ ‘giãn cách’

Hiền Lương

 

(VNTB) – Để có thể đi chợ thì cần có ‘tiền chợ’!

 

Với những người vốn chạy ăn từng bữa, thì buộc họ tuần lễ đi chợ chỉ 2 lần thôi, đó là điều dù ước ao lắm, nhưng dân cần lao vẫn đành chịu thua.

Tin tức cho biết, ông Trần Đắc Phu, cựu cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện là cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đã đưa khuyến cáo người dân chỉ nên đi chợ 2 lần/ tuần nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Trên mạng xã hội có không ít ý kiến đồng tình với giải thích: “Gia đình tôi đi chợ cho 5 ngày , khi hết sẽ đi tiếp. Khu vực chúng tôi vừa mở phong tỏa xong, có ở trong khu phong tỏa thì mới hiểu bất tiện thế nào và sẽ có ý thức phòng dịch cao, mong mọi người ý thức tốt hơn cho bản thân và cho cộng đồng” – “Nhà tôi 4 người mua 30 ký gạo, 2 ký đậu phộng, 2 ký cá khô, 2 ký đậu xanh, 2 ký thịt xay, 5 ký bí đỏ bí xanh. Đậu xanh làm giá, thì có thể sống ít nhất 15 – 20 ngày không phải đi chợ. Khó trữ là rau ăn lá và thịt tươi cứ mua đồ không cần trữ tủ lạnh”…

Ngoài chuyện ‘khó trữ’ khi thiếu tủ lạnh chẳng hạn, thì đi chợ bao nhiêu lần trong ngày hay trong tuần, là tùy vào ‘tiền chợ’ mà gia đình người ấy có thể thu vén được.

Vừa gọi điện nói chuyện lo lắng tiền học phí với hai cậu con trai, bà Ly lại thở dài vô bếp bắc cơm chuẩn bị bữa tối. Đợt dịch lần thứ tư này đã khiến bà và nhiều người lao động tha hương càng thêm kiệt quệ, vật vã trong khó khăn.

Hơn tháng nay khi khu phố bị giăng dây phong tỏa, bà Đặng Thị Ly, trọ ở quận Tân Phú, TP.HCM cả ngày hầu như chỉ quẩn quanh căn phòng 15 thước vuông nóng hầm hập. Nỗi nhớ con hòa vào sự lo toan tiền bạc, cơm áo từng ngày kể từ khi bà chính thức thất nghiệp mỗi lúc càng ám ảnh đến mức bà muốn trầm cảm.

Tiền chợ dành dụm chẳng còn bao nhiêu nên bữa cơm của vợ chồng bà thường chỉ có đúng vài mẩu cá khô nhỏ và tô canh lõng bõng.

Dịch giã, phải giảm giờ làm, thậm chí thất nghiệp hoàn toàn đã cuốn phăng những đồng tiền ít ỏi của người nghèo. Họ rơi vào cảnh kiệt quệ khi tình trạng khó khăn kéo dài suốt từ hồi bùng dịch đầu năm 2020 đến nay. Đặc biệt là với đợt dịch lần thứ tư vẫn đang diễn biến quá phức tạp ở thành phố này.

Điểm chung của giới cần lao là cố gắng chắt bóp chi tiêu, dè sẻn từng đồng, kể cả từng miếng ăn để cầm cự qua mùa dịch. Tuy nhiên, sự cố gắng ấy đã kéo dài suốt từ năm ngoái đến giờ nên nhiều người thật sự kiệt lực, chẳng còn gì để mà chắt bóp nữa.

“Đến thời điểm này, lao động nghèo, khó khăn, ai có mặt tại TP.HCM thì được hỗ trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch, không phân biệt tạm trú hay thường trú” – Đó là thông tin từ ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, khi trao đổi với giới truyền thông về chủ trương hỗ trợ người dân khó khăn hôm 3-8.

“Người lao động nghèo ở nhà trọ, xóm lao động nghèo dự kiến sẽ nhận 1 triệu đồng. Ngoài ra, tùy vào gia cảnh của người dân, những hộ có khó khăn hơn, nhiều nhân khẩu, địa phương cần linh động hỗ trợ thêm bằng nguồn vận động.

Đến thời điểm này, lao động nghèo, ai có mặt ở thành phố thì được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú do đây là cứu trợ đột xuất ngắn hạn vì đại dịch”, ông Lê Minh Tấn khẳng định.

Dự kiến số lao động thuộc nhóm này sẽ khoảng 170.000 hộ, kinh phí hỗ trợ khoảng 170 tỷ đồng.

Trong cuộc họp hôm 2-8 với Thành ủy TP.HCM, đặt câu hỏi “vì sao người dân ở các tỉnh vẫn muốn về quê dù chính quyền TP.HCM rất tha thiết mời họ ở lại với những hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu?”, bà Trần Thị Diệu Thúy – chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM – nói do họ không còn đủ tiền để bám trụ lại thành phố nữa khi tiền điện, nước, tiền nhà trọ vẫn đè nặng lên vai trong khi thu nhập đã mất do dịch bệnh kéo dài.

“Ví dụ, một người 3 triệu đồng/tháng, dù được giảm 50% đi nữa thì họ vẫn phải trả 1,5 triệu đồng. Nhưng 1,5 triệu đồng đó ở đâu ra trong điều kiện 2 tháng nay không có việc làm, phải đi nhận từng túi gạo, từng chai nước mắm sinh sống qua ngày? Tôi đề xuất cần có những biện pháp hỗ trợ lâu dài cho người dân mất việc làm như giảm giá điện, nước sâu nhất có thể, vận động chủ trọ tạm thời miễn phí để giúp người lao động vượt qua khó khăn” – bà Thúy kiến nghị.

Bà Thúy đề xuất thêm ngoài những hỗ trợ về thực phẩm, nhu yếu phẩm phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, chính quyền cần hỗ trợ thêm để chia sẻ khó khăn với người lao động đang gặp khó khăn.

Thế nhưng ở chiều ngược lại, nhiều chủ nhà trọ nói rằng trong hai năm qua, họ đã nhiều lần giảm giá thuê trọ có lúc đến một nửa, song các khoản thuế thu nhập cá nhân mà họ phải chịu từ nguồn thu này, phía cơ quan thuế vẫn tính theo giá thuê ‘chưa giảm’.

Hơn nữa, chủ nhà trọ đang lây lất kiếm cơm từ nguồn thu tiền trọ, giờ nếu buộc ‘tạm thời miễn phí’, họ sẽ không biết xoay xở ‘tiền chợ’ ra sao cho cuộc mưu sinh đang quá nhiều bất trắc.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( bài 11)*

Phan Thanh Hung

VNTB – Chỉ thị của Thủ tướng thì ai sẽ thực hiện?

Phan Thanh Hung

VNTB – Dữ liệu liên quan vụ án lây truyền dịch bệnh truyền nhiễm cho người

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.