Phương Thảo
(VNTB) – Chính vì sự thiếu hiểu biết này mà ông Hùng Cửu Long mới dám xăm mình mặc áo đỏ có sao vàng ra trước trung tâm Phước Lộc Thọ ở Garden Grove.
Hùng Cửu Long, một doanh nhân Sài gòn với tham vọng hoà hợp hoà giải dân tộc, đã một mình sang Mỹ, diện áo dài đỏ có in ngôi sao vàng đi từ bờ Đông sang bờ Tây của nước Mỹ.
Ông Hùng Cửu Long nghĩ rằng xứ tự do, muốn làm gì cũng được, không ai nói, không ai đụng chạm tới. Nhưng cuối cùng thì đã bị trục xuất về Việt Nam sau khi có cuộc xô xát với cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở California. Người Việt gốc Mỹ từng chụp hình với Hùng Cửu Long cũng đã phải viết thư xin lỗi cộng đồng, tỏ ý hỗi lỗi để mong được yên ổn làm ăn mà không bị tẩy chay.
Cũng với cùng áo dài đỏ với hình ngôi sao vàng, ca sỹ Thu Phương sau cuộc trình diễn ở Việt nam, quay trở về Mỹ đã bị tẩy chay mạnh mẽ. Cũng chính cô ca sỹ này vào năm 2004 đã bị tước quyền công dân Việt nam chỉ vì trót cầm trong tay lá cờ vàng khi quyết định ở lại Mỹ.
Lá cờ vàng cũng đã từng được ấn vào tay của Ted Osius khi Đại Sứ Mỹ tại Việt nam ghé thăm cộng đồng người Việt. Ngài đại sứ đã từ chối nhận lá cờ vì nếu cầm cờ thì ông sẽ bị mất việc tức đồng nghĩa với việc nhà cầm quyền Việt nam sẽ không chấp nhận một ông đại sứ cầm lá cờ vàng.
Xa hơn chút nữa, cộng đồng mạng hẳn vẫn chưa quên Lã Việt Dũng, người mặc quần áo rằn ri, có lá cờ vàng ba sọc đã bị bắt ở Hà nội. Có mặt tại Việt nam từ năm 1994 và được phép quảng cáo ở nhiều nơi, nhưng đến năm 2002, sau khi tập đoàn DHL được người Đức mua lại và đổi logo mới, với chữ đỏ trên nền vàng thì DHL gần như biến mất ở các bảng quảng cáo lớn ở Việt nam vì logo mới của DHL làm cho “ người ta” liên tưởng đến cờ vàng.
Cộng đồng – Quốc gia
Xét về bản chất thì cầm cờ đỏ ở Mỹ hay cầm cờ vàng ở Việt nam gần giống như nhau là đều gặp phải sự phản đối mãnh liệt của cả cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại hay nhà cầm quyền Việt nam khi mà không ai chịu chấp nhận sự khác biệt. Tuy nhiên, ở Cali có thể chỉ bị cộng đồng người Việt phản đối còn ở Việt nam sẽ có cả một hệ thống chính quyền tham gia xét xử.
Người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại không chấp nhận lá cờ đỏ phần nào là do lòng thù hận, mà còn để bày tỏ, thái độ không chấp nhận chế độ cộng sản tại Việt nam, một chế độ sau hơn 40 đã biến Sài gòn từ một Hòn Ngọc Viễn Đông thành một đất nước tan hoang và còn thua cả Cam Bốt.
Trong khi đó nhà cầm quyền Việt nam không chấp nhận cờ vàng do sự gợi nhớ lại một chính thể đã không còn tồn tại và có nguy cơ tạo nên sự bất an về chính trị trong nước. Họ đã bôi nhọ, miệt thị lá cờ được cho đã là bóng ma trong quá khứ một cách công khai.
Lá cờ đỏ chỉ bị cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản không chấp nhận, còn với nhiều người Việt hải ngoại ra đi sau này họ vẫn chỉ biết có cờ đỏ. Nhiều người treo cờ đỏ trong nhà, trưng hình ông Hồ Chí Minh và họ sợ tham gia các hội đoàn hay các buổi hội họp có lễ chào cờ vàng và nghe nhịp điệu “ Này công dân hỡi…” thay cho “ Đoàn quân Việt nam đi…”
Nỗi sợ hãi của họ được gieo mầm từ trong nước, khi mà cờ vàng sọc đỏ vốn được gọi là cờ ba que, hay cờ của nguỵ quyền, bày tỏ thái độ ưu ái hay sở hữu một lá cờ như vậy đồng nghĩa với tội phản động. Mà đã là phản động ở Việt nam thì chỉ có hoặc đi tù mọt gông hoặc bị triệt cho không còn đường sống.
Nước sông không phạm nước giếng
Không một quốc gia nào cấm cờ đỏ, tại các đại sứ quán Việt nam ở nước ngoài hay tại các trụ sở Liên Hiệp Quốc, các cuộc đón tiếp ngoại giao thì lá cờ đại diện vẫn là cờ đỏ sao vàng. Và cũng chẳng có quốc gia nào cấm cờ vàng sọc đỏ của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ngoại trừ Việt nam.
Thế nhưng hiếm có nơi nào có sự hiện diện của cả hai lá cờ. Các cuộc biểu tình do những người cờ đỏ phát động sẽ không có người cầm cờ vàng tham gia và ngược lại. Điển hình là các cuộc biểu tình chống Trung quốc, các cuộc biểu tình có mang cờ đỏ, phần lớn là của du học sinh Việt nam, những người chỉ có biết đến và thừa nhận cờ đỏ. Họ có thể biểu tình ở Hoà lan, ở Đức, Pháp, thậm chí cả ở New York; nhưng không sinh viên Việt nam nào dám mang cờ đỏ đi biểu tình ở Cali.
Chính vì sự thiếu hiểu biết này mà ông Hùng Cửu Long mới dám xăm mình mặc áo đỏ có sao vàng ra trước trung tâm Phước Lộc Thọ ở Garden Grove.
Ông Hùng Cửu Long chỉ là một doanh nhân, một cá nhân không thể là một đại diện cho một chính thể. Cho dù ông có ý tốt muốn hoà hợp – hoà giải, muốn trùng tu Nghĩa trang Biên Hoà, nhưng ông hoàn toàn chưa đủ tầm để kéo người Việt lại với nhau. Mạng xã hội Facebook chỉ biết đến ông ta “hơi khác người” cùng với các câu trạng thái linh tinh mở đầu là “ kakaka 8888 ” hay “ kakaka iloveyou” thì làm sao ông ta có thể thuyết phục được người Việt hải ngoại từ bỏ hận thù?
Ông ta càng không thể có khả năng thuyết phục nhà cầm quyền cộng sản hoà giải với người Việt tỵ nạn cộng sản trong vị thế là một đại biểu quốc hội, vì ông sẽ bị loại từ vòng gởi xe trong quy trình tiếp nhận các ứng cử viên tự do. Cũng sẽ không một người Việt tỵ nạn cộng sản nghe ông khi ông sử dụng lối nói “ muốn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của kiều bào…” giống như luận điệu của các lãnh đạo cộng sản khi họ muốn “ lấy lòng” người Việt hải ngoại.
Cờ vàng và cờ đỏ vẫn luôn sẽ là một cuộc tranh luận bất phân thắng bại, khi không bên nào chịu chấp nhận sự khác biệt. Cờ Mỹ có thể được in trên quần dài, quần ngắn hay cả quần tắm; nhưng nếu mặc quần shorts hay quần tắm có in hình cờ vàng hay cờ đỏ sẽ có chuyện lớn. Ở Việt nam có thể mặc bất cứ cái gì có in cờ Mỹ, nhưng tới Cali đừng mang cờ đỏ cũng như đừng mang cờ vàng về Việt nam.
Cho đến một ngày người Việt đổi mới tư duy, chấp nhận sự khác biệt để mở lòng với nhau thật sự, thì giờ đây cũng cứ phải chấp nhận rằng… thôi thì… nước sông không phạm nước giếng… để ít ra … cái hố ngăn cách không phải bị đào sâu thêm nữa.