Trúc Giang (VNTB) Tính đến cuối giờ chiều ngày 21/7, tiếp sau TS Nguyễn Tác An và ThS Bảo Trâm, thì người thứ ba là ThS Lê Thị Vân Linh, người có số thứ tự thứ 7 trong hai bản danh sách Những người tham gia thực hiện dự án nhận chìm bùn, cát của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, lên tiếng về việc bà không hề tham gia vào dự án này.
Việc tự dưng xuất hiện tên trong một dự án tai tiếng liên quan đến môi trường đã khiến TS Nguyễn Tác An lẫn ThS Bảo Trâm bức xúc. Dư luận phản ứng vì Bộ TN&MT đã thẩm định và cấp phép cho một dự án dựa trên những báo cáo cho đến nay có dấu hiệu thiếu trung thực. Về phần mình, ThS Lê Thị Vân Linh cho biết bà sẽ làm rõ việc này.
VNTB – Đã có thể khởi tố vụ án tội làm giả tài liệu ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 |
Trong một diễn biến khác, vào chiều 20/7, tại họp báo của Bộ TN&MT kéo dài trong 10 phút, khi báo chí đặt câu hỏi quanh vụ việc vì sao có tới 3 nhà khoa học không hề tham gia dự án, nhưng vẫn có tên, và sau đó kết quả là Bộ này đã cấp phép cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 “nhấn chìm bùn, cát” (tên gọi đúng phải là bùn thải, vì nếu là cát thì đây là mặt hàng đang rất hút hàng trên thị trường trong lẫn ngoài nước), thì phía Bộ đã từ chối trả lời.
Như vậy, ít nhất có 2 nội dung về hành vi hình sự cần khởi tố để làm rõ trách nhiệm: Thứ nhứt, Giấy phép số 1517/GP-BTNMT do Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc ký ngày 23/6/2017 có dấu hiệu vi phạm Điều 284 “Tội giả mạo trong công tác” của Bộ Luật Hình sự 1999. Thứ hai, với bản danh sách các nhà khoa học không có thật, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân có dấu hiệu vi phạm Điều 267. “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” của Bộ Luật Hình sự 1999.
Về Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, cho thấy Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đứng trước cáo buộc của nhóm các tội phạm về tham nhũng. Theo văn bản vừa được Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép 1517/GP-BTNMT, thì vùng biển mà Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cấp phép cho “nhận chìm bùn cát” là vùng nước chồi (có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều vùng khác); đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loại thủy sản bố mẹ quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhiều loài nhuyễn thể sinh sống. Xa hơn nữa là Khu bảo tồn Hòn Cau, nơi có thảm cỏ biển, rạn san hô, là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh và chúng được lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung. Dòng hải lưu từ phía Bắc, cùng với thủy sản di cư qua vùng biển này.
Cùng với Bình Định, biển Bình Thuận đang là nơi cung cấp giống tôm hùm tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm (gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận). Bình Thuận cũng là một trong những tỉnh có vùng nước chất lượng tốt, là nơi có khoảng 1/3 trại giống tôm nước lợ, sản xuất tôm giống cho cả nước. Với những đặc điểm tự nhiên này, vùng ven biển Bình Thuận bao gồm Hòn Cau rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các tỉnh Nam miền Trung, cần được bảo tồn.
Trên cương vị là quản lý chuyên trách, chắc chắn rằng Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc biết rõ các vấn đề nêu trên, vì trước ngày 23/6 mà Thứ trưởng đặt bút ký Giấy phép số 1517/GP-BTNMT, đã có rất nhiều phản biện của nhà khoa học lên tiếng phản đối việc “nhận chìm bùn thải” này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã bất chấp tất cả để ký tờ giấy phép này cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Liên đới trách nhiệm cần xem xét về hình sự ở đây còn có Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi liên tiếp xảy ra 3 nhà khoa học lên tiếng đã bị mạo danh trong bộ hồ sơ xin cấp giấy phép “nhấn chìm bùn cát”, nhưng Bộ trưởng vẫn im lặng, thay vì ông cần ban hành quyết định dừng khẩn cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT.
Cũng theo Hội Nghề cá Việt Nam, quy định pháp luật hiện hành nêu rõ việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được lấy ý kiến công khai các nhà khoa học, các nhà quản lý, đặc biệt là nhân dân – những người trực tiếp bị ảnh hưởng. “Nhưng theo chúng tôi được biết thì nhiều đối tượng có liên quan chỉ được biết khi giấy phép 1517/GP-BTNMT được công bố” – văn bản của Hội Nghề cá nêu.
Như vậy để làm sáng tỏ mọi việc, cần kíp khởi tố vụ án “nhấn chìm bùn thải” ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.