Hà Nguyên
(VNTB) – Dường như nhà chức trách lẫn nghệ sĩ đều xuê xoa dễ tính đến mức khó hiểu về thế lực lớn nào đó đang chống lưng đàng sau hậu trường quảng cáo thuốc ở Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, trưa 13-12, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận 8 (TP.HCM) ập vào một bãi xe trên đường Cao Lỗ (phường 4, quận 8), bắt quả tang Cường, Hạnh, Hào, Trinh đang sản xuất thuốc. Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 8.500 hộp thuốc tây giả mang nhãn hiệu Terpin – Codein, Descotyl, Asmacort, Glotal.
Từ lời khai của các nghi phạm, Công an quận 8 bắt giữ Khoa và Quyền về hành vi mua bán hàng giả. Khám xét nơi ở của hai nghi phạm trên, lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 hộp thuốc tây giả các loại.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng khám xét một xưởng sản xuất thuốc tây giả tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), bắt giữ nghi phạm Đặng Văn Hóa, thu nhiều loại tân dược giả.
Hiện Công an quận 8 đã kiểm đếm được gần 20.000 sản phẩm thuốc giả, số thuốc chưa kiểm đếm còn rất lớn. Tổng giá trị số thuốc giả trên đang được cơ quan chức năng làm rõ. Được biết các nghi phạm sản xuất thuốc giả (trong đó có thuốc kháng sinh) rồi đem bán tại một số nhà thuốc, chợ thuốc lớn ở TP.HCM.
Một liên tưởng: liệu số thuốc giả đó có từng được lên sóng quảng cáo trên các kênh youtube, mạng xã hội?
Các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube, Tik Tok…) đã giúp công chúng được tiếp cận, thậm chí là tương tác với những nghệ sĩ, người nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Tuy nhiên, bên cạnh việc giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật tới khán giả, thì nhiều nghệ sĩ còn đang đóng vai trò là những “đại sứ” cho nhãn hàng, thương hiệu… Thời gian, tần suất các nghệ sĩ xuất hiện quảng cáo cho các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… ngày một dày đặc. Thế nhưng việc kiểm chứng chất lượng các sản phẩm đó ra sao thì vẫn đang là một dấu hỏi lớn cho người sử dụng.
Điển hình như việc nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tham gia quảng cáo các loại “thần dược” có thể chữa được bệnh nan y, tuy nhiên, thực tế những “thần dược” này chỉ là thực phẩm chức năng bình thường.
Có thể kể đến trường hợp của hoa hậu Việt Nam 2016 Mai Phương Thúy với clip quảng cáo “Chỉ sau 3 tuần, những vùng hay tích mỡ của Thúy như nọng cằm, bắp tay, bụng, sau đùi giảm rất rõ rệt. Hơn nữa khi sử dụng sản phẩm này,
Thúy rất yên tâm vì các thành phần của nó đều là những chất rất tự nhiên”.
Chỉ ít ngày sau sản phẩm này đã bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi giấy phép do quảng cáo sai sự thật. Thậm chí, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phải ra khuyến cáo người dân không mua, sử dụng sản phẩm vi phạm nêu trên và báo cáo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này. Sau đó, hoa hậu đã phải xin lỗi người hâm mộ.
Hay như trường hợp ca sĩ Phương Mỹ Chi quảng cáo cho viên ngậm trắng da và bị cư dân mạng chỉ trích. Sau khi thấy bài quảng cáo của mình có vấn đề, ê kíp của cô đã gỡ. Phương Mỹ Chi khẳng định qua sự việc này đã rút kinh nghiệm và cô sẽ phải khắt khe hơn trong việc tìm hiểu thông tin quan trọng liên quan tới sản phẩm.
Nhiều nghệ sĩ sau khi xuất hiện trong các clip quảng cáo “dường như bị mắc đủ các loại bệnh”. Cùng một gương mặt nghệ sĩ hôm nay thì yếu sinh lý, khi thì mất ngủ, khi thì ăn không ngon, hôm sau lại đau đại tràng, thận hư, viêm khớp, hôm khác nghiêm trọng hơn là mắc bệnh ung thư…
Pháp luật về các vấn đề trên đã có, song dường như nhà chức trách lẫn nghệ sĩ đều xuê xoa dễ tính đến mức khó hiểu về thế lực ông lớn nào đó đang chống lưng đàng sau hậu trường quảng cáo thuốc ở Việt Nam.
Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm (trích phần liên quan đến dược phẩm):
“5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc
8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế”.
Điều 6 Luật Dược 2016 quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực dược, theo đó: Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận là hành vi bị cấm (Điểm a Khoản 10 Điều 6).
Như vậy, đối với những trường hợp là thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng, hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung, hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận sẽ bị cấm quảng cáo.
Bên cạnh đó Khoản 2 Điều 79 Luật Dược 2016 quy định về điều kiện đối với thuốc được quảng cáo:
“2. Điều kiện đối với thuốc được quảng cáo được quy định như sau:
a) Thuộc Danh mục thuốc không kê đơn;
b) Không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Giấy đăng ký lưu hành thuốc còn thời hạn hiệu lực tại Việt Nam”.
Theo đó, thuốc được quảng cáo không thuộc các trường hợp bị pháp luật cấm và phải đáp ứng đủ các điều kiện trên.
Luật Quảng cáo, tại Điều 11.2 ghi rất rõ rằng: “Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.