Việt Nam Thời Báo

VNTB – Có nên chấm dứt việc độc quyền kinh doanh vàng?

vàng

Thới Bình

 

(VNTB) – Dù truyền thông luôn thông tin diễn biến giá thế giới nhưng chỉ cho vui chứ dân nào mua được vàng theo giá thế giới.

 

Không dễ có câu trả lời nếu như tiếp cận hàng loạt vấn đề khi muốn xóa chênh lệch giữa giá trong nước và thế giới để qua đó chống buôn lậu vàng thì cách tốt nhất là cho xuất nhập khẩu vàng.

Tin rằng giới kinh doanh vàng sẽ hoan nghênh quyết định này. Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng có lý khi vẫn hạn chế nhập và bán vàng ra thị trường. Vì khi đó hằng năm phải chi vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ USD/năm nếu xả cảng nhập vàng. Đâu chỉ vậy, vàng nhập về nhiều, giá giảm thấp hơn thế giới, vàng lại bị gom để xuất ngược qua biên giới. Lúc đó không còn nhập lậu mà là xuất lậu vàng, mất ngoại tệ, chênh lệch lại rơi vào túi dân buôn lậu vàng.

Trong khi kinh tế Việt Nam thời gian qua ổn định, giá cả không biến động một phần nhờ tích lũy tăng dần của quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Nếu dự trữ ngoại hối mỏng, thiếu ngoại tệ, tỉ giá VND/USD tăng không kiểm soát, giá hàng hóa nhảy múa, lạm phát tăng, người tiêu dùng chịu thiệt.

Phía tổ chức Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) đưa ra lập luận rằng thị trường vàng trong nước đã ‘đóng cửa’ không nhập vàng suốt suốt gần chục năm nay, không có sự liên thông với thế giới, nên dẫn tới mất cân đối trong cung – cầu là dễ hiểu.

Trong khi đó thì cả ba nước lân cận với Việt Nam là Lào, Campuchia và Trung Quốc đều mở cửa thị trường vàng. Đặc biệt tại Lào và Campuchia việc mua bán vàng rất dễ dàng, thuận tiện. “Mỗi năm Campuchia nhập khẩu 40-50 tấn vàng, trong khi dân số chỉ khoảng 15 triệu người. Nguồn cung dồi dào, giá lại rẻ nên các đối tượng sẽ tìm mọi cách để vận chuyển vàng về Việt Nam bán kiếm lời” – số liệu của VGTA cho biết.

Bằng góc nhìn của ‘người trong cuộc’, tổ chức VGTA nới giá vàng ở Việt Nam còn ở mức cao và kéo dài bao lâu thì khó ai có thể biết được. Song dù thế nào cuối cùng thị trường vàng cũng phải có sự liên thông, bởi thị trường vàng trong nước cứ tiếp tục duy trì ở mức giá cao như hiện nay, vấn đề nhập lậu vàng rất dễ sẽ xảy ra. Do đó, Ngân hàng Nhà nước trong tương lai cần cho phép thêm nhiều đơn vị nhập khẩu vàng để giữ ổn định cung cầu, tránh khan hiếm vàng nguyên liệu.

Ý kiến này của VGTA nhận được sự đồng tình với biện luận khi Ngân hàng Nhà nước huy động vàng sẽ tạo ra lượng dự trữ vàng quốc gia lớn hơn, đồng thời kiểm soát được lưu thông ngoại tệ trong nước và hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tỷ giá, góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu vàng.

Nhà báo Hồng Thái chuyên mảng tài chính có cái nhìn khác, khi cho rằng về lý thì đúng là không nên hạn chế xuất nhập khẩu vàng. Nhưng đặt lên bàn cân, chưa cho nhập vàng ‘hại ít, lợi nhiều’, lợi cho nền kinh tế, cho mọi người khi tỉ giá VND/USD ổn định, ngoại tệ từ xuất khẩu nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia hơn là nhập vàng về rồi cất trong két sắt nhà dân hoặc tái xuất lậu qua biên giới.

Phản biện lập luận trên của đồng nghiệp, một nhà báo thân hữu của trang Việt Nam Thời Báo dẫn chứng về thực tế là mấy năm gần đây, mặc dù Ngân hàng Nhà nước không cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, song các doanh nghiệp vàng vẫn sản xuất ổn định, chứng tỏ lượng vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường được các doanh nghiệp thu mua vào rất lớn, trong đó có vàng lậu.

Về mặt quản lý nhà nước thì nhiều khe hở đã hiện ra. Ngân hàng Nhà nước chỉ đấu thầu vàng miếng, không đấu thầu vàng nguyên liệu. Trong khi đó theo thống kê của VGTA, mỗi năm, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức khoảng 20 tấn.

Vậy thì thực sự ai mới là những ông/ bà chủ lớn đứng đàng sau thị trường vàng nhập khẩu vào Việt Nam kể từ hạ tuần tháng 5-2012, khi có quyết định Ngân hàng Nhà nước độc quyền mua bán vàng?


Tin bài liên quan:

VNTB – Ngân hàng chỉ bán vàng ra chứ không thâu vô

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Lại yêu cầu “thanh tra cửa hàng vàng”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Quan chức nào dốt nhất Bộ Y tế?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo