Lâm Viên
(VNTB) – Thủ tướng vừa giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, đánh giá tác động việc chuyển rừng thông Đak Đoa, Gia Lai.
Bản tin trên tờ Tuổi Trẻ viết: “Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 24-12 nêu rõ báo Tuổi Trẻ có bài viết nêu ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa phải chuyển đổi hàng trăm hecta rừng, trong đó có 156ha rừng thông 3 lá gần 50 năm tuổi quý giá và thảm thực vật tại Đak Đoa sẽ biến mất, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng kết quả” (*).
Thắc mắc đặt ra: phải chăng trước khi xảy ra chuyện báo chí lên tiếng phản đối, thì cơ quan quản lý là Bộ NN&PTNT đã ‘gật đầu’ với dự án gọi là “chuyển đổi rừng thành sân golf”?
Bài viết này chỉ thuần nói về chuyện cỏ sân golf, tài liệu kỹ thuật được cung cấp bởi Hiệp hội bảo dưỡng sân golf Việt Nam.
Với các golfers, cỏ sân golf là một trong những yếu tố để đánh giá chất lượng sân bởi chúng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng buổi chơi của họ. Vì thế để thu hút nhiều golfers, chủ sân luôn luôn quan tâm tới vấn đề lựa chọn loại cỏ gì, kỹ thuật trồng cỏ ra sao, và kỹ thuật chăm sóc cỏ sân golf như thế nào là những vấn đề vô cùng quan trọng.
Trước khi mùa lạnh đến tức trước tháng 12 thì để chuẩn bị cho cỏ có khả năng chịu rét tốt nhất người ta tăng cường cung cấp đầy đủ lượng N,P,K cho cỏ. Đặc biệt lượng N: 3.5 – 6.5 grN/m2/tháng.
NPK nhằm chỉ 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng, tức 3 nguyên tố dinh dưỡng chính yếu cần bổ sung trước tiên cho cây trồng, nhằm nâng cao khả năng sinh trưởng và cho năng suất của cây trồng. Chữ N nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Đạm. Chữ P nhằm chỉ nguyên tố dinh dưỡng Lân. Chữ K nhằn chỉ nguyên tố dinh dưỡng Kali.
Phân đạm là một trong những loại phân bón vô cơ khá phổ biến cung cấp nitơ cho cây trồng. Hàm lượng % N trong phân là yếu tố thể hiện cho độ dinh dưỡng của phân đạm. Phân đạm cung cấp Nitơ hóa hợp cho cây trồng dưới dạng ion amoni (NH4+) và dạng ion nitrat (NO3-)
Các loại phân đạm phổ biến hiện nay: Phân Urê Co(NH4)2, Amôn Nitrat (NH4NO3), Amoni Sunfat hay SA (NH4)2SO4, đạm Clorua (NH4Cl), Xianamit Canxi, Phôtphat đạm hay MAP,…
Lượng N dùng để bón chăm sóc cỏ sân golf ở các địa thế vùng cao như Tây nguyên, sẽ thấm vào đất và khi đạm tích lũy sẽ chuyển thành dạng Nitrat (NO3) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thuỷ sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước ngầm, hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat được tưới từ các nguồn nước ngầm có liên quan đến khu vực gần sân golf.
Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em. Trong một khảo sát của tiến sĩ Lê Thị Hiền Thảo (2003) đã xác định, trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm.
Hàm lượng NO3- trong nước uống tăng gây ra nguy cơ về sức khoẻ đối với cộng đồng. Ủy ban châu Âu quy định mức tối đa của NO3- trong nước uống là 50 mg/l, Mỹ là 45 mg/l, Tổ chức y tế thế giới (WHO) là 100 mg/l. Y học đã xác định NO2- ảnh hưởng đến sức khoẻ với 2 khả năng sau: gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng.
Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định, dư thừa Phospho trong các sản phẩm trồng trọt, hoặc nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu Canxi, vì chất này lắng đọng với Canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan, và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều Canxi của xương, và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ.
Ở Việt Nam, một kết quả nghiên cứu tại sân golf Tân Sơn Nhất của tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc và TS. Nguyễn Đăng Diệp cho thấy: Chỉ tính các loại phân hóa học dùng để chăm sóc cỏ, mỗi năm mặt đất sân golf này “ngốn” tới 189,468 tấn. Bên cạnh đó là khoảng 8,88 tấn hóa chất dùng để bảo vệ cỏ gồm chất sát trùng, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Có thắc mắc: vì sao cỏ trong sân golf lúc nào cũng xanh?
Câu trả lời: ba chất hóa học được coi là “bảo bối” để các chủ sân golf giữ màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, là các chất: Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos. Tại nhiều quốc gia, ba chất này đều nằm trong danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường, và sức khỏe con người và được khuyến cáo hạn chế sử dụng
Vì lẽ đó nên các nước thường xây dựng một quy trình quản lý rất chặt chẽ đối với sân golf, công bố danh mục các loại phân bón, hóa chất bị cấm, tiêu chuẩn nước thải… Trong khi ở Việt Nam, hẳn là vấn đề đang bị buông lỏng, cả người chơi và cộng đồng đều đặt cược hết vào ông chủ sân golf.
_____________
Chú thích: