Thới Bình
(VNTB) – Quan chức nhúng chàm cũng là vì muốn “lấy vốn – thu lời” sau khi “chạy” chức, chạy quyền
Những vụ án tham nhũng đang dần cho thấy rõ các quan chức tay “nhúng chàm”; hoặc do cầm lòng không đậu trước các lợi ích vật chất mà mình được có từ chức vụ; hoặc đây chỉ là kết quả tất yếu của chuyện “lấy vốn – thu lời” cho việc “chạy” chức vụ bằng hình thức “quà cáp” lấy lòng những bên liên quan dưới lớp vỏ của cớ tạm gọi là “bôi trơn”.
Về lý luận theo cách của cơ quan Tuyên giáo Đảng, “chạy chức, chạy quyền” là tình trạng đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ, quyền hạn cho những cán bộ chưa hoặc không đủ tiêu chuẩn, điều kiện được giấu dưới vỏ bọc “đúng quy trình”, “đúng quy định”. Vấn nạn này đã được nêu ở Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Tiếp theo, từ kết quả đạt được, “chạy chức, chạy quyền” đó sẽ bước sang vòng lẫn quẩn như đèn cù của tha hóa quyền lực; là việc người có quyền lực đã “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” trong công tác cán bộ.
Cũng về lý thuyết, kết thúc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, nêu: “Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền”.
Thế nhưng đến nay đã bước vào năm cuối của khóa XIII song nội dung Nghị quyết số 26-NQ/TW vẫn không được thực thi hiệu quả; tham nhũng, tha hóa quyền lực vẫn tràn lan. Phải chăng đây là lỗi hệ thống chính trị như cách đặt vấn đề của tác giả Hoài Nguyễn trong bài viết đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 26-3-2024?
Nếu lấy cách lập luận ở thế kỷ XXI đánh giá một bộ máy hoạt động không hiệu quả, người ta thường quy về hai điểm chính: lỗi tại “phần cứng”, hay tại “phần mềm”. Phần cứng ở đây được hiểu như các thiết chế, cơ cấu hình thành nên cơ chế. Phần mềm tương đồng với hệ thống tư tưởng, giá trị, văn hóa, tâm lý xã hội kèm theo các bản tính của dân tộc. Hai bộ phận này tuy tách rời, nhưng nhìn chung luôn tồn tại một mối tương quan khăng khít. Bộ máy chỉ chạy tốt khi cả “phần cứng” và “phần mềm” đều cùng hoạt động.
Chạy chức, chạy quyền thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Và tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về “vụ lợi” so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế.
Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”…
Nhìn rộng ra, với chuyện độc quyền trong quản trị đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam kéo quá dài đang tạo ra một chủ nghĩa phát xít quyền lực trong mọi lãnh vực; đến mức người ta có thể hoài nghi về sự thanh trừng của chế độ qua chuyện “đốt lò”, thực chất chỉ là kéo bè cánh, phe nhóm để củng cố thêm quyền lực ngay trong nội bộ độc đảng phái này trên chính trường.
…
1 comment
“Phải chăng đây là lỗi hệ thống chính trị”
Hổng phải là hổng có lý . Nhưng níu đổ hết mọi thứ vào “hệ thống chính trị” cần phải phân biệt rõ ngày xưa thì không thế
Cái gì xảy ra giữa ngày xưa & hôm nay níu hổng phải là Đổi Mới ?