Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Có Trump” hay “không Trump” cũng vẫn vui

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)

 

(VNTB) – Tất cả đều cần thêm thời gian để tự suy ngẫm và so sánh giữa các chính quyền “có Trump” với “không Trump”. 4 năm là quá ngắn cho một cuộc thay đổi “cách mạng”. 

 

Đó là cảm giác của tôi, bắt đầu lờ mờ từ ngày … còn trong tù, rồi ra tù, cho tới nay đã định hình và sẽ còn lâu nữa quanh “hiện tượng Trump”.

Thế giới đã như đảo lộn từ khi có ông ta xuất hiện trên bầu trời chính trị quốc tế. 

Hầu như tất  cả những mối quan hệ, lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống trên khắp thế giới đã được xới lên, định vị lại, cài đặt lại.

“Son phấn” trên nhiều bộ mặt đẹp đẽ, hào nhoáng, trí tuệ của từ những con người, giai tầng cao trong xã hội, cho tới các hệ thống quyền lực … rơi tuột xuống, phơi bày cho thiên hạ rõ thực chất.

Không khí chính trị, mối quan tâm chính trị khác thường lan tỏa khắp toàn cầu.

Cùng bừng tỉnh!

Đọng lại điều vui nhất, về DÂN CHÚNG và DÂN TRÍ. 

Cho nên, bài viết này muốn bàn tới điều đó; không tranh luận “bênh” hay “chống” Trump.

Trong tù: phát hiện

Suốt 5 năm đi tù, tôi may mắn được gia đình, bạn bè thân hữu thường xuyên gửi cho sách báo, tài liệu để đọc, rồi lập nên một tủ sách trại giam nho nhỏ.

Nhờ vậy, mà biết được khá tình hình chính trị, xã hội bên ngoài, đặc biệt “hiện tượng Trump”. 

Ban đầu, quả tình không mấy tin cậy, cảm tình về ông ta. Thế rồi, đọc nhiều bài từ báo chí nước ngoài, thấy chính quyền Trump đã có những bước đột phá quan trọng, khác hẳn nhiều chính quyền trước, nhất là chính sách đối ngoại trong đó lớn hơn cả là với Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Những thất vọng về phương Tây, Hoa Kỳ trong việc đối phó với Trung cộng (đương nhiên có cả Việt Nam) trong mấy chục năm qua, giờ đây thấy lóe lên hy vọng. 

Một kẻ liều lĩnh, “phá bĩnh”, liệu có đúng, có thành hay không? Phản ứng của thiên hạ ra sao? Chắc phải đợi khi ra tù mới rõ hơn. 

Ra tù: nghe những tranh cãi

Trong hơn một năm qua, thấy “hiện tượng Trump” ngày càng gây nên những ý kiến nhiều chiều, những xung đột, chia rẽ về quan điểm, cách ứng xử … từ mối quan hệ trong gia đình, bạn bè cho tới giữa các quốc gia. 

Báo chí, mạng xã hội góp phần rất lớn vào cuộc tranh cãi này. Nhờ đó mà nhiều khiếm khuyết về kiến thức, lầm lẫn về đường hướng, lệch lạc trong bản tính của mỗi con người, cho tới hệ thống được bộc lộ.

Gắng đọc thật nhiều, nghe ngóng thật nhiều để hiểu thế giới này đang biến chuyển ra sao quanh “hiện tượng Trump”. 

Thử áp dụng một chút phương pháp thiền định, gạt qua một bên những quan điểm khác nhau, rối rắm về đủ mọi lĩnh vực trong cuộc sống liên quan “Trump”, thì sẽ lộ ra trần trụi cái căn tính của con người – hỷ, nộ, ái, ố.

Từ đó, thấy hiển hiện rõ ràng, mà quan trọng lắm, là cách xử sự giữa những con người với nhau một khi có khác biệt quan điểm về một điều gì đó. 

Khắp cả từ xứ văn minh tự do cho tới xứ cộng sản, từ người trí thức, chính trị gia cho tới giới bình dân, đều không tránh khỏi một thứ làm cho họ chia rẽ; nói chuyện với nhau như những người điếc, thậm như kẻ thù. 

Người ta hay liên hệ hiện tượng đó với khái niệm gọi là “VĂN HÓA TRANH LUẬN”. 

Trong cuộc xung đột này, có nhiều cách phân ra các “chiến tuyến” đối nghịch, nhưng đáng chú ý là giữa giới “nhiều chữ” với giới “bình dân”, xin đề cập ở đây.

Tinh hoa chạm nọc  

Có đội ngũ tạm gọi là “thượng đẳng”, “tinh hoa” trong xã hội. Họ chiếm nhiều trong báo giới, hàng ngũ trí thức khoa bảng, các chính trị gia, doanh gia, nhà hoạt động văn hóa giải trí … có vị thế cao.

Họ mặc nhiên dẫn dắt xu hướng tiến triển của xã hội nói chung. Ngoài bản chất tiến bộ, thì không khỏi và không dễ che đậy đằng sau đó là những toan tính lợi ích riêng và những lầm lẫn tai hại. Chả thế mà nước Mỹ đã từng vướng không ít những thất bại, không thể chối bỏ trách nhiệm lớn của giới tinh hoa này. 

Thế nhưng, ngày qua ngày, giới “thượng đẳng” chiếm vị thế tối ưu trên mọi lĩnh vực. Hình thành nên một dạng “giai cấp”, dù không như kiểu mà ông Marx từng vẽ ra. Dưới họ là dân chúng thấp cổ bé họng, sống cũng tự do dân chủ hơn nhiều xứ người đấy, nhưng bị lèo lái, lừa mị không ít bởi giới tinh hoa.

Trong dân, lớp trẻ là lực lượng dễ được giới tinh  hoa “cảm hóa” nhất. Vậy là không ít trong họ gia nhập hàng ngũ “tiến bộ”. Nhưng họ cũng không giúp được gì mấy cho các bậc trưởng thượng trong cuộc khai minh cho dân chúng, thậm chí còn làm cho đội ngũ thêm ồn ào, sặc sỡ quá, thiếu cái vẻ thâm sâu cần có.

Dân chúng đôi khi có những quan điểm khác với hàng ngũ “thượng đẳng” thì cũng không dễ có tiếng nói trong xã hội. Họ vừa thiếu khả năng diễn đạt, lại không thể nhảy vào lên tiếng trong hệ thống báo chí bị giới tinh hoa thống lĩnh. Rồi họ còn bị hàng ngũ trí thức nhiều chữ “cả vú lấp miệng em” bằng đủ thứ lý luận cao siêu khó ai cãi nổi. 

Nhưng dân chúng có sức mạnh của số đông, không dễ lấn át. Nhìn vào thực tế cuộc sống, chia sẻ trên mạng xã hội, họ đâu có thể bị “ngu dân”. 

Giới tinh hoa chợt nhận ra, dân chúng không chỉ thích cãi lại với các chế độ toàn trị, mà còn muốn cãi cả với mình, kẻ vốn được tiếng là đang khai hóa văn minh dân chủ nhân quyền, chống cường quyền. 

Bình dân quật khởi

Người ta không khó nhận ra giới trí thức, văn hóa, cả doanh gia nữa, có thể “nhiều chữ” đấy, nhưng đôi khi … “ngộ chữ”; cái kiến thức, kinh nghiệm sống, nhất là về thủ đoạn chính trị, lọc lõi mưu ma ở đời thì không khéo là ngược lại (riêng những trò thủ lợi của giới này thì chưa muốn bàn). Chả thế mà cứ bị các thế lực chính trị cai trị, lừa phỉnh. Còn trong giới chính trị chuyên nghiệp, dù có được tiếng “cấp tiến” thì cũng ngày càng tỏ ra xảo quyệt, đầy những toan tính lợi ích phe nhóm, dân đen khó thấy. 

Mải tranh đấu với những thể chế độc tài toàn trị, người dân nhiều khi quên rằng quanh mình cũng có một thế giới tinh hoa từ lâu thống trị học thuật, bao quát đời sống tinh thần, chính trị, dẫn dắt dân chúng để rồi dần dần lây những cố tật của thứ độc tài toàn trị đó. 

Họ cần một thủ lĩnh để “lật đổ” những tượng đài vững chãi mà cũ kỹ đè nặng bao năm.

Trump chợt xuất hiện, như bước lên từ giới bình dân đại chúng, tận dụng mạng xã hội, cùng quyền lực nhờ quần chúng hỗ trợ “cướp” được chính quyền, để làm cuộc “khởi nghĩa”, dùng thô bạo chống lại tinh xảo của cả một thành lũy kiên cố đã được xây đúc nên cả nửa thế kỷ trên khắp hoàn cầu. 

Hòa trong giới bình dân đó còn có không ít người thuộc tầng lớp tinh hoa nhưng có đời sống, quan điểm gần với dân chúng, có nhãn quan chính trị thực tế. 

Thế là một cuộc chiến bất tận suốt 4 năm qua, chắc chắn sẽ kéo dài dù tới đây có Trump hay không có Trump. 

Văn hóa tranh luận

Giới bình dân thiếu diễn đàn “chính thống”, “chuyên nghiệp”, nhưng may mắn có mạng xã hội. Tất cả những vũ khí thô sơ được đem ra phục vụ cho cuộc chiến. Lợi dụng số đông, ngôn từ ngắn gọn gây ấn tượng thêm bằng bộc trực, cục cằn, tệ nữa là mạt sát, chửi rủa tục tĩu. 

Giới tinh hoa tận dụng thế mạnh báo chí, phim ảnh, công trình nghiên cứu nhiều chữ khó hiểu … làm lóa mắt dân chúng. Thay vì tận dụng kiến thức uyên thâm, khả năng học hỏi của mình để viết ra những lập luận thuyết phục, thì không ít người lại sa vào  chủ quan ngạo mạn, lộ ra những thiên kiến chưa từng thấy, qua đủ kiểu đưa tin, diễn giải phân tích lắt léo, đánh tráo khái niệm, đi cùng thái độ nóng nảy coi thường giới “ít học”. Đang ở vai vế “bề trên” giờ lại bị coi thường, không chịu đựng nổi bị số đông lăng mạ, thế là dễ sa vào bới móc tiểu tiết, tưởng là phải “làm gương” hóa ra cũng quay ra phản ứng kiểu “cá mè một lứa”. Quên hết cả cái sự cao sang vốn có, quên là mình cũng cần phải học ở người … “ít học”. Vô hình trung, trong cuộc chiến với “Trump độc tài”, họ lại phơi bày một thứ độc tài khác, kín đáo, có vẻ nhẹ nhàng nhưng nhiều nguy hại. 

Cả hai bên đều thiếu cái “văn hóa tranh luận”, bị nặng cảm tính, quan điểm chính trị lấn át, đều không coi trọng mục tiêu dài lâu là việc nâng cao dân trí, tránh chỉ nhìn gần cho mục đích của riêng (phe, nhóm) mình. Đả phá thói “độc quyền chân lý” của người cộng sản nhưng rồi cũng ít nhiều bị lây cái “bệnh” đó.

Các kẻ thù, đối thủ chính trị, đồng minh (từng bao năm dựa dẫm, lợi dụng, nay “bất mãn”) của Trump từ trong nước cho đến khắp thế giới cũng không bỏ qua cơ hội, tham gia vào cuộc chiến với đủ chiêu thức tinh vi, thúc đẩy “văn hóa tranh luận” đã méo mó lại càng thêm xấu xí. 

Kinh nghiệm, thử nghiệm

Blog Ba Sàm (cũ), chỉ tính từ 2012 tới nay, đã có 164 triệu lượt truy cập. Dù đã ngưng hoạt động năm 2018, nhưng hiện giờ mỗi ngày vẫn đều đều có vài ngàn lượt độc giả ghé.

Sở dĩ có được con số ấn tượng đó, một yếu tố quan trọng là chúng tôi cùng các cộng sự, cộng tác viên đều thống nhất một quan điểm là đảm bảo thông tin đa chiều; hạn chế đến tối thiểu sự thiên kiến chủ quan của những người điều hành trong việc sử dụng tin bài; gìn giữ “văn hóa tranh luận” trong sự tương kính lẫn nhau. Nó chính là “Tuyên ngôn” của trang – nâng cao dân trí, “Phá vòng nô lệ”. 

Còn “hiện tượng Trump” lại cho tôi chút thử nghiệm về tính khách quan, tránh thiên kiến với vài trang báo mạng tự do, đài quốc tế tiếng Việt. 

Bốn tháng trước, viết một bài thật công phu, chia làm 3 kỳ, liên quan “hiện tượng Trump”, gửi tới 2 đài X., Y. (nước ngoài). Dù có quan hệ thân tình ít nhiều, nhưng … được  trả lời lịch sự là không dùng mà không rõ lý do. Trộm nghĩ, bài viết có nội dung khá “bênh Trump”, vào đúng lúc hai đài này lại vừa bị ông Trump cho “thay máu” (thiên tả, không ưa Trump), phải chăng riêng Ban Việt ngữ vẫn chưa kịp “thay”?

Liền gửi cũng bài đó cho 7 trang báo mạng tự do. Có 5 báo đăng, 2 không đăng cũng chẳng hồi âm. Khá hiểu từng trang mạng đó, nên cũng không khó lý giải cách ứng xử như vậy. 

Rồi cách đây ba hôm, tôi lại viết một bài cũng chủ đề “Trump”, gửi cho 3 đài nước ngoài X., Y. (nói trên) và Z. Lần này thì X., Y. chẳng buồn trả lời nữa, dù trước đó cũng đã nhiệt tình nhận đăng ngay một hai bài viết về chủ đề khác. Còn riêng Z. thì nhận đăng, nhưng sửa, lược bớt đôi chỗ “nhạy cảm”.

Những cách ứng xử trên cũng phần nào liên quan tới “văn hóa tranh luận” quanh “hiện tượng Trump”; cho thấy cái “bệnh” của báo chí quốc doanh cũng đã lây lan tới.

Cuộc chiến cùng thắng

Tầng lớp “thượng đẳng” thì được bài học quá lớn. Lần đầu tiên bị … “mất thiêng” trầm trọng, lộ mặt trái chẳng mấy đẹp đẽ. Họ phải tự xem lại mình, tôn trọng hơn giới bình dân.

Còn giới bình dân được dịp quan tâm, thâm nhập vào chính trị hơn hẳn trước, thể hiện sức mạnh, cùng nâng cao kiến thức, nhãn quan chính trị.

Tất cả đều cần thêm thời gian để tự suy ngẫm và so sánh giữa các chính quyền “có Trump” với “không Trump”. 4 năm là quá ngắn cho một cuộc thay đổi “cách mạng”. 

Riêng với Việt Nam, cả người dân và giới trí thức có dịp mở rộng tầm mắt về chính trị hơn, không chỉ quẩn quanh quan tâm chuyện nước mình, nhưng lại biết chú tâm đặt lợi ích quốc gia lên trên hết (tranh cãi về Trump không đáng kể tại Việt Nam); cũng không chỉ nhìn thế giới Tây, Mỹ đơn giản một “màu xanh hy vọng”. Họ sẽ cùng nhận thấy rõ hơn mình còn không ít những tính xấu cố hữu của người Việt cần sửa.

Thế giới tự do dân chủ say mê với thắng lợi sau Chiến tranh lạnh, ảo tưởng mô hình ưu thắng tuyệt đối của mình, suốt 30 năm rồi, giờ được một cú tát cực mạnh để tất cả cùng tỉnh ngộ. Nên đương nhiên còn một niềm vui to lớn khác, không nằm trong mục đích phân tích của bài này, là dù “không Trump”, người ta vẫn không thể không theo căn bản đường lối đối ngoại với Trung cộng của ông ta, có lợi cho Việt Nam hơn hẳn trước đây.

 

Hà Nội, ngày 04/11/2020

 

Tin bài liên quan:

VOA – Ông Trump nói sẽ áp thuế quan lên Trung Quốc nếu Trung Quốc tiến vào Đài Loan

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tân nội các tổng thống Trump định hình tương lai chính trị Mỹ

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Từ toà án đến tranh cử của cựu TT Donald Trump

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo