Việt Nam Thời Báo

VNTB – Còn nguyên vẹn đó sức ì thể chế

Hà Nguyên

 

(VNTB) – Bộ Luật Lao động hiện hành trao quyền lựa chọn các tổ chức công đoàn đã gia nhập đối với người lao động. Tuy nhiên Luật Công đoàn vẫn chưa có sự điều chỉnh thay đổi phù hợp.

 

Cho đến nay, quyền tự do lập hội của công dân vẫn đang được thực hiện theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13-4-2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP.

Hiện nay Luật về Hội vẫn đang trong giai đoạn dự thảo để trình Quốc hội, nhưng mà cụ thể là Quốc hội khóa nào thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Về nguyên tắc chung thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nói riêng, toàn bộ hệ thống công đoàn Việt Nam nói chung hiện nay được điều chỉnh bởi Luật Công đoàn năm 2012 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam năm 2013. Với điều đó thì hiện nay người lao động Việt Nam muốn thành lập tổ chức đại diện của mình, bắt buộc phải tuân thủ các quy định của Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam, và đặc biệt là phải nằm trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều này có nghĩa mặc dù Bộ Luật Lao động (sửa đổi) có điều khoản cho phép quyền lựa chọn công đoàn của người lao động, thế nhưng trên thực tế thì vẫn là không được tự do lựa chọn tổ chức đại diện của mình một cách độc lập so với hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cũng theo quy định hiện nay, Công đoàn Việt Nam là người đại diện đương nhiên của người lao động, bất kể người đó có là đoàn viên công đoàn hay không.

Như vậy xét về mặt các yêu cầu của các Hiệp định Thương mại song phương và đa phương FTA thế hệ mới, Việt Nam vướng ngày rào chắn về thực thi nguyên tắc của quyền tự do công đoàn. Điều này có nghĩa lợi thế so sánh với các FTA truyền thống, FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan về hàng hóa giữa Việt Nam với các nước, mang lại cơ hội cạnh tranh về giá cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các đối thủ (chủ yếu ở các nước châu Á) trên thị trường thế giới.
Ví dụ như trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ 99% dòng thuế; trong đó, EU cam kết xóa bỏ 85,6%, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi đối tác trong FTA thế hệ mới là các nước châu Âu, thị trường tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp xuất khẩu so với thị trường ở các nước châu Á. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, khi thực thi CPTPP, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vào năm 2030 dự tính tăng tới 3,5%, xuất khẩu tăng 6,9%, nhập khẩu tăng 7,6%.

Thế nhưng trong chiều ngược lại thì khi mà Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu về quyền tự do công đoàn thì mọi viễn cảnh về lợi thế xuất nhập cảng vẫn dừng lại theo nghĩa… triển vọng.
Thật ra nói cho đầy đủ hơn thì quyền tự do công đoàn chỉ là một yếu tố. Về thể chế, chính sách, các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi các thành viên phải thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống chính sách kinh tế – xã hội, văn hóa của nước mình để thực hiện minh bạch chính sách; cải cách hành chính; cải cách tư pháp; xử lý mối quan hệ giữa thương mại quốc tế với những vấn đề vốn được coi là “phi thương mại” – “các giá trị xã hội” như: Thương mại và quyền con người, bảo vệ người lao động trong thương mại quốc tế, thương mại và môi trường, thương mại và văn hóa, thương mại và an ninh, bảo đảm an toàn thực phẩm, thương mại, phát triển bền vững và quản trị tốt; quyền của nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư, minh bạch chính sách, quyền tự do internet…
Trong bề bộn chính sách đó, quan sát diễn biến ở chính trường Việt Nam, người ta đang có cảm giác một sức ì của việc cứ mãi tiếp tục loay hoay “níu kéo” theo nề nếp “định hướng chính trị xã hội chủ nghĩa” đối với nền kinh tế mà Việt Nam đã quá “thấm đòn” ở thời hậu Covid, và những biến động địa chính trị rải rác trên toàn cầu.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Rút kinh nghiệm một vụ tiền phạm tội được ‘chuyển hóa’ cho bên thứ 3

Do Van Tien

VNTB – Lao động ‘ngoại tỉnh’ chưa thể ‘vào lại’ Sài Gòn

Phan Thanh Hung

VNTB – Khi nào công an có quyền nổ “súng hơi”?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.