Huỳnh Liên
(VNTB) – Trong cách nhìn bảo thủ, thì công đoàn độc lập chỉ nhằm ủ mưu thúc đẩy đa nguyên, đối lập…
Quy định mới của Bộ luật lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình, có thể ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Việc chấm dứt độc quyền công đoàn này thông qua việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động, trước hết là bởi yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây là các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động.
Vấn đề tự do công đoàn hay đại diện ngoài công đoàn thật ra đã được quy định từ trước khi Việt Nam ký kết CPTPP, tuy nhiên chủ yếu là vẫn dừng ở lý thuyết, khi từ năm 2008, trong nghị định về cổ phần hóa đã có quy định nếu người lao động muốn thì có thể thành lập, trong những đơn vị chưa có công đoàn thì người lao động có thể bầu tổ chức đại diện cho mình.
Có ý kiến rằng sao cứ phải chính trị hoá vấn đề công đoàn?. Tại sao không mạnh dạn quy định trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện cho người lao động thật đơn giản, tránh làm phức tạp quy trình để rồi gây khó cho người lao động, cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức?
Trong các văn bản chính thức, cho đến nay, Việt Nam sử dụng thuật ngữ “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” để chỉ tổ chức đại diện của công nhân tại doanh nghiệp sẽ được thành lập theo cam kết trong CPTPP.
Giả dụ chấp nhận việc tiếp tục “chính trị hóa”, có thể thấy rằng cho đến nay, người ta vẫn chưa nhận diện được nền tảng lý luận về cái gọi là “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”, chưa tường minh, nội hàm về “tính độc lập”của tổ chức này cũng chưa được xác định rõ.
Trong hoàn cảnh như trên, vấn đề đáng chú ý trước tiên là, phải tránh xu hướng hiểu không đúng và không đầy đủ về “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”.
Hiện tại, quan sát qua các tường thuật trên báo chí “tuyên giáo Đảng”, cho thấy thái độ nhìn nhận của chủ thể theo hai xu hướng trái ngược nhau.
Xu hướng thứ nhất là hoài nghi, cho rằng “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” xa lạ và không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động tiêu cực là chủ yếu; từ đó, dẫn đến lo lắng, không ủng hộ, thậm chí tiêu cực hơn là tẩy chay và phản đối sự ra đời của “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn”.
Xu hướng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện cam kết CPTPP nói riêng và thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, công đoàn nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.
Xu hướng thứ hai, mang tính mơ hồ, cho rằng “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” ra đời là cứu cánh, phá vỡ rào cản, cởi bỏ nút thắt kìm hãm sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Từ đó, có thái độ lạc quan thái quá, dẫn đến chủ quan, nóng vội, thiếu thận trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lao động và công đoàn, cũng như trong thực hiện các bước đi, các giải pháp quản lý cần thiết; để ra đời những “tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn” gượng ép, không thực chất, không đáp ứng yêu cầu là đại diện thực chất của người lao động.
Cả hai xu hướng trên đều không có lợi. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải thống nhất về nhận thức để có hành động đúng.
Giờ đã là tháng 2-2022. Theo lộ trình ký kết các công ước về lao động thì mười tháng nữa, năm 2023 Việt Nam sẽ ký Công ước 87, là công ước cuối cùng trong bốn cặp công ước mà Việt Nam ký kết cho tiến trình hội nhập.
Công ước cuối cùng này mới là trực tiếp liên quan đến việc thành lập công đoàn độc lập. Dù muốn dù không, khi thay đổi một chính sách thì cần phải có thời gian nhất định, nhất là đối với Việt Nam, nên có lẽ cùng chờ đợi những bước tiếp theo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.