Nguyễn Nam
(VNTB) – “Tại sao có sự mâu thuẫn giữa một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài? Có lợi ích gì trong này?”
Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, dự thảo luật bổ sung quy định tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an, nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi; tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung – giám đốc Công an Hà Nội – cho biết việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan… công an có nhiều điểm lợi. Theo đó, ý kiến tại thảo luận vào chiều 27-5 về dự án Luật Công an nhân dân sửa đổi ở phiên họp Quốc hội, trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết việc tăng hạn tuổi phục vụ là tạo được sự đồng bộ, tương thích với Luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ bảo hiểm xã hội.
Thêm vào đó, theo trung tướng Trung, số sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp cao từ thượng tá trở lên khi được kéo dài tuổi sẽ giúp thừa hưởng kinh nghiệm của họ, từ đó tạo điều kiện tốt cho công việc, lực lượng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan của Đoàn TP.HCM, cho rằng đề xuất sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp được kéo dài thời hạn phục vụ nhằm thống nhất với các ngành khác. Song cần quy định rõ những người này chỉ làm chuyên môn chứ không được làm quản lý.
Bà nói kéo dài tuổi hưu, nhìn mặt tích cực là sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám trong khi đất nước còn thiếu người có trình độ cao. “Nhưng nếu kéo dài tuổi hưu ở vị trí quản lý sẽ cản bước lớp trẻ phát triển”, bà Lan cảnh báo, và cho rằng ngành công an có môi trường làm việc áp lực, vất vả, nguy hiểm nên chưa chắc ai cũng muốn kéo dài tuổi hưu.
Vì vậy với các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia… bà đề xuất khi kéo dài tuổi hưu không nhất thiết làm quản lý mà tập trung làm chuyên môn, có thể ký hợp đồng thêm với đơn vị.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận của Đoàn Cà Mau kể là khi ông tiếp xúc cử tri là công nhân lao động, thì hầu hết đều đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu, còn trong luật Công an nhân dân sửa đổi đang bàn luận ở Quốc hội thì Chính phủ lại muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
“Tại sao có sự mâu thuẫn giữa một bên muốn nghỉ hưu sớm, một bên muốn kéo dài? Có lợi ích gì trong này? Do chúng ta được giác ngộ nhiều hơn nên muốn cống hiến nhiều hơn hay thế nào?”, ông Hận nêu như một dạng của câu hỏi tu từ, và đề nghị cần xem lại để có sự hài hòa lợi ích khi thiết kế, xây dựng luật, vì Luật Công an nhân dân vừa sửa năm 2018, có hiệu lực từ 2019, khoảng cách không xa lắm nhưng hiện nay lại tiếp tục sửa đổi.
Cũng liên quan việc sửa đổi luật Công an nhân dân, đại biểu Dương Văn Thăng (đoàn TP.HCM), Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, bày tỏ băn khoăn với đề xuất bổ sung thêm vị trí có cấp hàm thượng tướng đối với sĩ quan công an biệt phái làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội.
Theo ông, chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội nhiều năm qua do bên quân đội đảm nhiệm; tới nhiệm kỳ này là công an biệt phái đảm nhiệm.
“Trong cơ cấu hiện nay, thì đồng chí Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội, đang là hàm thượng tướng, giả sử sắp tới Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Quốc hội lên thượng tướng thì phải xem xét luôn cấp bậc hàm của Phó chủ tịch Quốc hội đang phụ trách mảng này” – ông Dương Văn Thăng và đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cùng Đoàn TP.HCM nêu vấn đề mang tính… sòng phẳng về quyền lực của cấp hàm ở nghị trường.