VNTB – Công trạng gì cái gã ấy…

VNTB – Công trạng gì cái gã ấy…

Thục Đoan

Bạn đọc viết

 

(VNTB) – Sau những dẫn chứng mà lịch sử ghi nhận, nên chăng, cần xem xét lại cái tên con đường lớn ở quận 1, giáp hai đầu là Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Dinh Thống Nhất?

 

Một trong WordPress mang tên “tác chiến mạng” sưu tầm và đăng tải nhưng không kèm câu “đây là quan điểm riêng của tác giả”: “Năm 1977, lạm phát 80% cùng với vấn đề tiếp diễn của sự thiếu thốn và nạn đầu cơ lương thực, Chính phủ Việt Nam sợ rằng Hoa kiều có thể bị lôi kéo theo các mục tiêu của Trung Quốc.

Để chấm dứt tình trạng này, trong các tháng 3, 4 năm 1978, Tổng bí thư Lê Duẩn đưa ra biện pháρ cứng rắn là quốc hữu hóa tài sản của người Hoa, khoảng 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa kiều bị quốc hữu hóa. Vị thế kinh tế của đa số tư sản Hoa kiều bị hủy bỏ, nhà nước thắt chặt kiểm soát nền kinh tế.

Đến năm 1982, người Hoa ở Việt Nam đã lũ lượt rời bỏ Việt Nam vượt biên qua đường biển, đường bộ để đến nước thứ ba.

Đến năm 1989, số người gốc Hoa tại Việt Nam đã giảm từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900.000. Người gốc Hoa không còn kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và các phong tục, ngôn ngữ gốc Hoa của họ đã mất đi phần lớn”.

Có thể nói, vấn đề người Hoa (hay còn gọi là Minh hương) có mặt ở Việt Nam thời kỳ nhà Nguyễn, là điều hoàn toàn không mới. Những cái tên như Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên hay Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu, Tao Đàn Chiêu Anh Các Mạc Thiên Tích… được hiển thị khá nhiều trong các sách cũng như tư liệu về lịch sử. Và tài buôn bán, làm ăn của người Hoa là điều không cần phải bàn cãi đến, nói theo kiểu của tác chiến mạng thì:

“Ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện… và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường miền Nam Việt Nam”.

Dẫu biết rằng với việc năm 1978, người Hoa ở Chợ Lớn biểu tình đòi giữ quốc tịch Trung Quốc làm cho chính phủ Việt Nam lo lắng về nguy cơ đất nước bị rối loạn cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài, và coi người Hoa kiều là một tổ chức bí mật hoạt động ở Việt Nam và sẵn sàng tiếp tay với Trung Quốċ để phá hoại là điều tạm chấp nhận (dù thực tế hiện tại người Trung Quốc ở Việt Nam là con số không nhỏ), song thay vì có chính sách “nhân đạo”, kết nối hơn nữa giữa người Việt và người Hoa thì cố Tổng Bí thư Lê Duẩn lại chọn phương pháp đầy bạo lực “quốc hữu hóa tài sản”. Nó không khác gì chiếm đoạt của cải, tài sản của người khác vậy.

Điều đáng nói hơn nữa, phương án này lại được khen ngợi trong khi thực tế lịch sử đã chứng minh, nó là sai lầm.

Và sai lầm đó đã được trả giá bằng trận chiến biên giới Việt – Trung năm 1979.

Có lẽ, cũng sẽ có ý kiến cho rằng, trận chiến đó, ai nói rằng lỗi hoàn toàn do hành động của cố Tổng bí thu Lê Duẩn? Điều đó không sai, nhưng để xảy ra vụ việc “dạy cho Việt Nam một bài học” như lời của Đặng Tiểu Bình, thì đóng góp của Lê Duẩn trong vấn nạn hoa kiều là hoàn toàn không nhỏ. Và nó cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến trận chiến biên giới Việt – Trung năm 1979.

Hoàn Cầu Thời báo bản điện tử ngày 2-3-2015 dẫn nguồn Trung Quốc viết rằng: “Trong cuộc phản kích tự vệ này, quân ta đã chiếm được Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Tuyên và 21 huyện, thị trấn khác nhau của Việt Nam; tiêu diệt 4 sư đoàn, 7 trung đoàn, 25 tiểu đoàn của Việt Nam. Tổng số binh lính Việt Nam bị tiêu diệt là hơn 50.000 người; 2.173 lính đầu hàng; thu giữ 916 khẩu pháo các loại; 16.000 súng, hỏa tiễn; 236 xe ô tô. Quân ta cũng phá hủy nhiều pháo, xe tăng, xe thiết giáp, thu được thắng lợi huy hoàng”.

Dù là ít hay nhiều, dù là thắng hay bại, nhưng chiến tranh xảy ra tất có hy sinh. Hiệu quả phương pháp của Lê Duẩn được bao nhiêu thì không biết, nhưng đánh đổi lại là quá nhiều mất mát; kèm theo đó là cái nhìn của một hành động man rợ, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Được ca ngợi, được khen, vậy chăng, có quá bất công cho những người nằm xuống ở trận chiến đó?

Tóm lại, với những việc mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã làm, dẫn tới trận chiến biên giới Việt – Trung năm 1979, gây bao tang thương cho dân tộc Việt, liệu rằng có xứng đáng được ca ngợi? Và, sau những dẫn chứng mà lịch sử ghi nhận, có nên chăng, cần xem xét lại cái tên con đường lớn ở quận 1, giáp hai đầu là Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Dinh Thống Nhất?


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 3 years

    “Công trạng gì cái gã ấy…”

    Có chớ . Là bố vợ của Hồ Ngọc Đại công nghệ giáo dục, nhà giáo nhân dân Phạm Toàn viết sách cho công nghệ giáo dục .