Việt Nam Thời Báo

VNTB – COVID-19 và thành tựu chính trị của Việt Nam

Thành tựu chính trị

Anh Khoa dịch

 

(VNTB) – Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong phòng chống đại dịch và đã giành được sự ca ngợi quốc tế, đặc biệt là về chính trị.

 

Việt Nam xử lý ổ dịch COVID-19 tương đối tốt. Việt Nam ghi nhận tổng cộng 327 trường hợp nhiễm, trong đó có 278 trường hợp đã hồi phục và không có trường hợp tử vong, tỷ lệ khá thấp vì Việt Nam ở gần sát Trung Quốc.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong phòng chống đại dịch và đã giành được sự ca ngợi quốc tế, đặc biệt là về chính trị.

Việc xử lý hiệu quả dịch corona mang lại cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) một “cơ hội để lấy lại niềm tin của người dân và tăng cường tính hợp pháp của đảng trong bối cảnh bị chỉ trích cách xử lý một số vấn đề vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020”.

Tính hợp pháp của ĐCSVN gần đây đã xấu đi do nhiều vấn đề, bao gồm cả sự kiện xung đột chết người tại Đồng Tâm và tham nhũng tràn lan trong đảng.

Việt Nam cũng là một trong những chế độ đàn áp nhiều nhất ở châu Á, với hồ sơ nhân quyền tồi tệ. Nhưng chế độ này lại có tính minh bạch cao trong đối phó với đại dịch khi phát thông tin thường xuyên trên TV và liên tục cập nhật thông tin về đại dịch bằng tin nhắn di động. Trên quan điểm này, các phương tiện truyền thông nhà nước đã hết lời công khai ca ngợi hiệu quả chống dịch của nhà nước và ĐCSVN.

Quảng bá này có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của chính trị nội địa Việt Nam, đặc biệt là khi ĐCSVN đang quá trình tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ 13 vào tháng 1 năm 2021. Sự ca ngợi trong và ngoài nước sẽ giúp ĐCSVN nhận được đồng thuận của người dân về các kế hoạch ​​trong tương lai.

Đại dịch corona tại Việt Nam cũng tạo cơ hội cho các lực lượng quân đội và công an nâng cao hình ảnh của họ trong mắt người dân. Nếu ổ dịch được kiểm soát, uy tín của quân đội và giới công an chắc chắn sẽ tăng lên. Hai lực lượng này là hai công cụ quan trọng để duy trì an ninh của chế độ. Nếu uy tín của lực lượng này cao, ĐCSVN có thể sử dụng họ hiệu quả hơn để tăng cường quyền lực chính trị của mình.

Trước khi dịch COVID-19 bùng nổ, quân đội và công an Việt Nam có nhiều tiếng xấu. Sự tàn bạo của công an khá phổ biến với nhiều trường hợp tử vong trong khi bị tạm giữ được ghi nhận. Chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSVN cũng đã đưa một số tướng lĩnh quân đội cấp cao mà nổi tiếng nhất là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến ra toà.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng COVID-19, uy tín của hai đơn vị này lên cao chưa từng thấy. Những bức ảnh được chia sẻ nhiều trên Facebook, ca ngợi họ là “anh hùng dân tộc” và “bộ đội cụ Hồ”, những bức ảnh này ngay lập tức lấn át sự bất mãn của công chúng.

Hiệu quả lãnh đạo của ĐCSVN trong đại dịch COVID-19 cũng làm tăng danh tiếng của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngân sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ so với các quốc gia thành công khác, vì vậy hiệu suất trong chiến dịch chống dịch bệnh là đáng ngạc nhiên. Việt Nam không chỉ ngăn chặn thành công virus mà còn tặng vật tư y tế cho các quốc gia khác và thậm chí xuất khẩu phục trang y tế cho Hoa Kỳ.

Sự hào phóng của Việt Nam phản ánh tinh thần quốc tế và tinh thần trách nhiệm.

Việt Nam hiện là chủ tịch ASEAN và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Với phản ứng tuyệt vời với virus, hợp tác và minh bạch, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được nhiều hỗ trợ quốc tế hơn trong tương lai. Ngoài ra, Việt Nam đã cung cấp một mô hình phòng chống dịch bệnh cho các quốc gia trong khu vực trong phòng chống COVID-19 khi nguồn lực hạn chế.

Mặc dù vậy, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vẫn có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 3,82% trong quý 1 năm 2020, mức thấp nhất kể từ năm 2010. Lần phong tỏa lớn kéo dài đã khiến gần 5 triệu lao động Việt Nam mất việc.

Tuy nhiên, sự gia tăng uy tín của ĐCSVN vẫn lớn hơn tiêu cực mà đại dịch mang lại. Ngoài việc ưu tiên các nguồn lực để chống lại đại dịch, chính phủ Hà Nội cũng thực hiện các chính sách để giảm thiểu tác động kinh tế của COVID-19. Chẳng hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Chỉ thị số 11 quy định các biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Do hiệu quả và khả năng phục hồi của chính phủ trong cuộc khủng hoảng, Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng sau đại dịch. Trên thực tế, chính phủ đang dần dỡ bỏ cách ly và cho phép mọi người trở lại làm việc. Ở nhiều nước Đông Nam Á vẫn còn bị cách ly.

Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ là điểm đầu tư lý tưởng cho các công ty phương Tây, đặc biệt là các công ty Mỹ hoặc châu Âu, thời kỳ hậu coronavirus. Những tiến triển này có thể mở đường cho Việt Nam trở thành một quốc gia trung lưu vào năm 2030, điều này rất quan trọng đối với chế độ.

Việt Nam không chỉ giành được sự tán dương của cộng đồng quốc tế, mà còn đạt được những thành tựu chính trị đáng kể từ đại dịch COVID-19. Vượt qua cuộc khủng hoảng này mà không có tổn thất sẽ tăng cường đáng kể tính hợp pháp của ĐCSVN, từ đó đặt nền tảng cho tương lai của chế độ độc đảng.

 

*Phuong Pham là một sinh viên tốt nghiệp Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Queen Mary, London.

Nguồn: https://www.eastasiaforum.org/2020/05/28/vietnams-covid-19-political-gains/

Tin bài liên quan:

VNTB – Việt Nam ứng phó ra sao trước tuyên bố của Tập Cận Bình về “Zero Covid”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc là kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ

Phan Thanh Hung

VNTB – “Hậu Corona” và cuộc truy tìm kẻ thủ ác…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo