Anh Quân
(VNTB) – Hướng kết thúc của cuộc chiến Ukraine-Nga sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của thế giới, ít nhất là Âu Châu
Cuộc chiến Ukraine-Nga đang là tâm điểm chú ý của nhân loại. Hướng kết thúc của cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của thế giới, ít nhất là Âu Châu. Nếu Nga thất bại, Ukraine có khả năng sẽ tiếp tục được Phương Tây hỗ trợ mạnh mẽ và trở thành một nước dân chủ tiên tiến. Nga có thể sẽ trở thành chiến trường kế tiếp giữa phe dân chủ và độc tài. Nếu Ukraine thất bại, các quốc gia dân chủ nhưng nhỏ như Moldova, Lithuania, Litva có thể sẽ trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng giữa NATO và Nga.
Cũng như các sự kiện quan trọng khác của thế giới, cuộc chiến này làm nhiều người muốn trả lời câu hỏi tại sao cuộc nó đã xảy ra. Đa số đổ lỗi cho Putin, cho rằng việc xâm lược một quốc gia khác khi không bị khiêu khích là vi phạm luật pháp quốc tế. Một số khác, đổ lỗi cho Hoa Kỳ và NATO (1, 2). Trong số này, có John Mearsheimer, một giáo sư chuyên về khoa bang giao quốc tế, thuộc trường phái realism (tạm dịch thuyết hiện thực) tại Trường Đại Học Chicago, Hoa Kỳ (3). Và trong số các kênh tiếng Việt có những bình luận về realism, có Kênh Hội Đồng Cừu (4). Theo kênh này, realism là một học thuyết thiếu tiến bộ, yêu cầu quá ít chất xám và có lẽ không nên sử dụng. Đây là một nhận xét táo bạo. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc của Việt Nam Thời Báo một góc nhìn khác về trường phái hiện thực trong bang giao quốc tế. thuyết hiện thực là gì? Có lợi ích gì khi sử dụng nó trong bang giao quốc tế không?
Trong lý thuyết ngoại giao, có một số trường phái khác nhau. Thuyết hiện thực, một cách ngắn gọn, nhấn mạnh sự cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các quốc gia khi bang giao với nhau. Trường phái tương phản với nó là idealism (chủ nghĩa lý tưởng) hay liberalism (hay thuyết tự do) nhấn mạnh khía cạnh hợp tác giữa các quốc gia (5). Trường phái hiện thực cho rằng các quốc gia coi trọng quyền lực và lợi ích quốc gia của họ trên hết. Thuyết này không bác bỏ hoàn toàn vai trò của đạo đức và công pháp quốc tế trong ngoại giao. Tuy vậy, họ cho rằng không khôn ngoan khi chú trọng vào vai trò của các yếu tố này mà không tính đến thực tế chính trị trong bang giao quốc tế. Bạn đọc có thể tham khảo bản dịch mục từ thuyết hiện thực trong phần tài liệu tham khảo ở dưới. Sau đây, là một số nhận định về tính khả dụng của chủ thuyết này.
Thứ nhất, hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ, mong muốn sống trong một thế giới mà đạo đức, hay ít nhất là luật pháp công bình là tiêu chuẩn để các quốc gia bang giao với nhau. Điều này cũng không có gì lạ, con người, trừ những kẻ cầm quyền độc tài và tên đầu sỏ về kinh tế, mong muốn sống trong một xã hội mà đạo đức, hay ít nhất là pháp luật ngự trị cách công bình.
Tuy vậy, đó là một thế giới chưa từng tồn tại, ít nhất là trong vài thế kỷ gần đây. Tương tự, đại đa số người dân Việt Nam đều hiểu khó thể có công lý khi một công dân bình thường đối diện với nhà nước hay những kẻ đầu sỏ hay cán bộ nhà nước cao cấp. Các quốc gia nhỏ, thường phải đối diện với tư duy bá quyền của các cường quốc, đặc biệt là những nước được cai trị bởi các chế độ độc tài. Những chính sách như Đường Lưỡi Bò, những cuộc chiến như Trường Sa năm 1988, những vụ tàu lạ gây tai nạn cho ngư dân là những ví dụ mà người Việt không thể không biết. Do đó, việc không đối diện với các tư duy, chính sách bất chấp công pháp quốc tế này, nói một cách khác, không đặt nặng vấn đề cạnh tranh, xung đột giữa các quốc gia trong bang giao quốc tế, theo tôi, là một quyết định thiếu thực tế. Đây là một trong những luận điểm cơ bản của thuyết hiện thực.
Vậy thì, các quốc gia, các thế lực, những con người tiến bộ trên thế giới nên làm gì?
Trường phái hiện thực đang quay trở lại khi thế giới chuyển từ đơn cực sang đa cực. Do đó, các quốc gia nhỏ, nếu muốn tồn tại và phát triển, cần phải hiểu rõ nó. Thế giới, trong giai đoạn hiện nay, không còn là thế giới đơn cực như trong những thập niên 90 của thế kỷ trước và thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai. Khi đó, thế giới tự do, đứng đầu là Hoa Kỳ, có sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội so với thế giới độc tài, mạnh nhất là Trung Quốc, sau khi Nga Sô sụp đổ. Tổng sản lượng nội địa của Hoa Kỳ gấp hơn 15 lần GDP của Trung Quốc, vào năm 1991 (6). Đến nay, tỷ lệ này chỉ còn 1,4. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc gấp đôi tốc độ của Hoa Kỳ. Theo nhiều học giả, việc Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là vấn đề khi nào, chứ không phải là vấn đề có xảy ra hay không. Tương tự, chi phí quốc phòng của Trung Quốc tăng từ 11 đến 261 tỷ Mỹ kim từ năm 1990 đến năm 2021. Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ tăng từ 325 lên 732 tỷ USD trong cùng thời kỳ. Như vậy, tỷ lệ chênh lệch ngân sách quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đã giảm từ gần 30 lần xuống còn hơn 2 lần (7).
Khi thế giới chuyển sang tình trạng đa cực, sẽ không có chuyện một siêu cường duy nhất áp đặt ý chí của mình lên phần còn lại của thế giới, cho dù với dụng ý tốt, chẳng hạn như duy trì hòa bình thế giới, thăng tiến tự do, dân chủ, hay củng cố sức mạnh của các định chế toàn cầu. Nhìn lại thời kỳ sau năm 1990, khi thế giới ở tình trạng đơn cực, Hoa Kỳ đã giúp Kuwait dành lại chủ quyền sau khi bị Saddam Hussein xâm lược vào năm 1990 (8). Quốc gia này cũng đã cố xây dựng các định chế dân chủ tại Iraq và Afghanistan sau đó. Khi đưa ra các ví dụ này, tôi không có ý cho rằng Hoa Kỳ là siêu cường đạo đức. Các ví dụ này chỉ để minh họa cho khả năng áp đặt ý chí của một siêu cường trong bang giao quốc tế.
Khi thế giới chuyển sang đa cực, bang giao quốc tế sẽ bị chi phối bởi cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây chính là điều chủ thuyết hiện thực chính trị nhấn mạnh. Do đó, nếu không hiểu nó để vận dụng để bảo vệ, phát triển quốc gia, các nước nhỏ sẽ rơi vào cảnh khốn đốn. Tình trạng này không phải là không có tiền lệ. Thời kỳ chiến tranh lạnh cũng là thời kỳ mà thế giới ở vào giai đoạn đa cực. Khi đó, bang giao quốc tế bị chi phối bởi cuộc xung đột, cạnh tranh giữa Nga Sô và Hoa Kỳ.
Một lý do cần phải hiểu chủ thuyết hiện thực chính trị trong bang giao quốc tế nữa là có những nhà hoạch định chính sách an ninh quốc gia của các cường quốc là những người suy nghĩ, tính toán theo chủ thuyết này. Trong phần lớn cuộc chiến Việt Nam, khi mà thế giới ở tình trạng đa cực, các cố vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đều là những người theo trường phái hiện thực. Trong đó, có Henry Kissinger, Zbigniew Brzezinski, và Brent Scowcroft (9, 10, 11, 12). Tình trạng này có thể sớm lập lại.
Đương nhiên, hợp tác giữa các quốc gia trong bang giao quốc tế tồn tại và đóng vai trò quan trọng. Ví dụ nổi bật nhất minh họa cho lập luận này là việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy vậy, tôi e rằng giả định rằng hợp tác giữa các quốc gia là khía cạnh chủ đạo trong quan hệ giữa các siêu cường, đặc biệt là trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, giữa Hoa Kỳ và Nga là một giả định sai lầm nghiêm trọng và sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Thực tế cho thấy, các tiến bộ lớn nhất của nhân loại về dân chủ, nhân quyền, đều là hậu quả của sự cạnh tranh, của xung đột giữa các cường quốc. Việc khôi phục Tây Âu dân chủ diễn ra sau thất bại của Đức Quốc Xã. Việc dân chủ hóa Đông Âu diễn ra sau khi Nga Sô sụp đổ trong cuộc chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ.
Thực tế bang giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong vài thập niên qua cũng có thể minh họa cho điều này. Hoa Kỳ từng tin rằng việc hợp tác với Trung Quốc và giúp quốc gia này trở nên hùng mạnh về kinh tế sẽ giúp dân chủ hóa nước này, biến nước này trở thành một siêu cường có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tuy vậy, những vấn đề như Biển Đông, việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng là hậu quả của những giả định sai lầm này. Nếu bạn tin rằng hợp tác với Tập Cận Bình để giải quyết vấn đề nhân quyền, tự do, và dân chủ của thế giới, tôi chúc bạn may mắn nhưng tôi sợ rằng bạn sẽ thất vọng.
Tóm lại, trong tình trạng thế giới đa cực hiện nay, việc đặt trọng tâm vào cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, vào xung đột, dưới nhiều hình thức khác nhau, giữa hai quốc gia này là việc tối quan trọng. Đây cũng là một trong những luận điểm chính của thuyết hiện thực trong bang giao quốc tế.
________________
Tài liệu tham khảo
Thuyết hiện thực (5):
Trong lý thuyết bang giao quốc tế, có một số trường phái lý thuyết khác nhau. Chủ nghĩa hiện thực, còn được gọi là chủ nghĩa hiện thực chính trị, là một quan điểm chính trị quốc tế nhấn mạnh khía cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các quốc gia trên thế giới khi bang giao với nhau. Trường phái này tương phản với idealism (tạm dịch: chủ nghĩa lý tưởng) hay liberalism (chủ nghĩa tự do), các trường phái này có khuynh hướng nhấn mạnh khía cạnh hợp tác giữa các quốc gia trong bao giao quốc tế. Các nhà lý thuyết theo trường phái hiện thực cho rằng các tác nhân chính trong bang giao quốc tế là các nhà nước, các tác nhân này lo lắng cho an ninh của chính họ, thực hiện các chính sách phục vụ cho quyền lợi quốc gia của họ, và tranh giành quyền lực với nhau. Khía cạnh tiêu cực của việc nhấn mạnh quyền lực và lợi ích quốc gia của các nhà hiện thực thường là sự dè dặt của họ về tầm quan trọng của các quy chuẩn đạo đức trong mối quan hệ giữa các nhà nước. Chính trị nội bộ của các quốc gia được kiểm soát bởi quyền lực nhà nước và pháp luật. Trong khi đó, các nhà hiện thực đôi khi cho rằng chính trị trong bang giao quốc tế, được đặc trưng bởi các cuộc xung đột giữa các quốc gia.
Không phải tất cả các nhà hiện thực, tuy vậy, không thừa nhận sự tồn tại của đạo đức trong bang giao quốc tế. Nên phân biệt giữa classical realism (hiện thực cổ điển) – đại diện bởi các lý thuyết gia của thế kỷ 20 như Reinhold Niebuh và Hans Morgenthau – và hiện thực cực đoan (radical realism). Trong khi hiện thực cổ điển nhấn mạnh quyền lợi quốc gia, nó không phải là một học thuyết kiểu Machiavelli theo kiểu “bất cứ điều gì nhà nước thực hiện cũng có thể biện minh được. Nó cũng không tôn vinh chiến tranh hay xung đột. Các lý thuyết gia hiện thực cổ điển không bác bỏ trách nhiệm phán xét đạo đức trong chính trị quốc tế. Thay vào đó, họ phê phán moralism (thuyết đạo đức) – một diễn ngôn đạo đức trừu tượng không tính đến hiện thực chính trị. Họ coi trọng nhất các hành động chính trị thành công dựa trên sự thận trọng: khả năng đánh giá tính chính đáng của một chính sách trong số các lựa chọn khả thi trên cơ sở các hậu quả chính trị có thể xảy ra.
Chủ nghĩa hiện thực bao gồm nhiều trường phái nhỏ và có một truyền thống lý thuyết lâu dài. Trong số những nhà lý thuyết đầu tiên của trường phái này được nhắc đến nhiều nhất bao gồm Thucydides, Machiavelli, và Hobbes. Chủ nghĩa hiện thực trong thế kỷ 20 ngày nay phần lớn đã được thay thế bởi chủ nghĩa tân hiện thực (neorealism), trường phái này nỗ lực xây dựng một một hướng nghiên cứu dựa nhiều trên khoa học hơn trong nghiên cứu bang giao quốc tế. Cả hai trường phái hiện thực cổ điển và tân hiện thực đều bị các nhà lý thuyết thuộc trường phái tự do (liberal), phê phán (critical), và hậu hiện đại (post-modern) phê phán.
1. Why-the-Ukraine-Crisis-Is.pdf (mearsheimer.com)
2. John J Mearsheimer: The Great Delusion – YouTube
5. Political Realism in International Relations (Stanford Encyclopedia of Philosophy)
6. U.S. GDP 1960-2022 | MacroTrends
7. China Military Spending/Defense Budget 1989-2022 | MacroTrends
8. Iraqi invasion of Kuwait – Wikipedia
9. National Security Advisor (United States) – Wikipedia
10. Henry Kissinger and the Study of Global Affairs | Johns Hopkins SAIS (jhu.edu)
11. Zbigniew Brzezinski – Wikipedia
12. Realism’s Practitioner: Brent Scowcroft and the Making of the New World Order, 1989–1993 on JSTOR