Chim báo bão (VNTB) Nhận được lời gọi khẩn thiết từ hàng xóm của bà Trần Thị Dung, nhóm phóng viên Việt Nam Thời Báo đã đi đến ấp 4B- xã Bình Hưng- huyện Bình Chánh – TP.HCM. Đây là một khu của những người cùng khổ trong xã hội ngoại ô Sài Gòn. Xuyên qua những khúc đường đổ nát ngoằn ngoèo, chúng tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Dung, 59 tuổi, cùng con cháu. Chúng tôi có mặt trong một căn nhà nhỏ xíu và chứng kiến những mảnh đời bất hạnh thực sự.
Trong một căn nhà dựng tạm ở ngoại ô Bình Chánh, bà Trần Thị Dung và con gái, con trai và 7-8 đứa cháu nhỏ đang sống những giờ lo lắng sợ hãi. Ngày mai chính quyền sẽ xua quân đến cưỡng chế nhà đất, tương lai của gia đình đó giờ không biết sẽ đi về đâu.
Người phụ nữ lớn tuổi trong tấm hình là bà Trần Thị Dung- hàng xóm giới thiệu với phóng viên rằng gia đình bà là người dân tộc Khmer. Đứng bên là con gái và hai đứa cháu của bà, bên trong gian nhà trong còn có vài ba đứa đang chen chúc nhau ngủ dưới mái nhà tôn nóng, chật. Những đứa bé hay bệnh tật, mặt mũi hốc hác, lo lắng nhìn những người lớn đang buồn rầu. Ngôi nhà của họ nằm lọt thỏm giữa một khu đất bán hoang, xung quanh đều là những người vô gia cư đến đây ngụ cư yên lành sau nhiều năm.
Túp lều hai gian đó chỉ bằng những mái tôn ghép lại, nhiều chỗ vá lở dở. Gia đình thiếu thốn mọi thứ, thiếu ánh sáng, thiếu điều hòa, thiếu nhà vệ sinh, thiếu cả nước sạch để sinh hoạt…nói chung là dưới mức nghèo khổ của xã hội. Gia đình đông đúc của bà vẫn phải chịu cảnh chật chội mà sống qua ngày tại đây. Đã 05 năm yên ổn, đến nay bỗng dưng người của chính quyền ở mọi cấp xã-huyện-thành đến để đuổi bà đi.
Phía chính quyền- cơ quan nhà nước cũng có lý của họ. Ngôi nhà bà cháu mẹ con bà Trần Thị Dung đang ở không có giấy tờ chứng từ gì cả, cũng như đa số những ngôi nhà trong vùng này. Họ cũng nói rằng suốt thời gian ở đây gia đình bà không hề đến ủy ban xã, huyện để làm giấy tờ tạm trú. Cộng hai lý do đó lại, họ bắt bà Trần Thị Dung và lũ cháu nheo nhóc phải đi ngay. Quyết định đuổi đã có ý định vào ngày 20 tháng 3 năm 2017, một ngày trước khi nhóm phóng viên đến. Theo kế hoạch của chính quyền thì họ sẽ đến dỡ nhà vào chiều ngày hôm trước, nhưng sợ dư luận và mạng xã hội gầm thét nên họ phải hoãn thêm một hai ngày.
Nội trong ngày 21/03 hoặc muộn ngày 22/03, chính quyền sẽ đến cưỡng chế nhà đất đối với bà Trần Thị Dung.
Thêm vào đó, cán bộ nói rằng sẽ không có bất kỳ khoản tiền hỗ trợ cho người bị di dời cưỡng chế nào. Chính quyền hứa cho 1 tháng tiền nhà trọ. Nhưng ai cũng biết là hết một tháng đó, mẹ con bà cháu bà Trần Thị Dung sẽ ở đâu giữa thời buổi đắt đỏ này? Con trai của bà- một thanh niên nhỏ thó ốm yếu đi làm trong xưởng đồ thông gió chỉ đủ nuôi mẹ già và bầy cháu nhỏ sống lay lắt qua ngày. Bằng cách nào để bà Dung, hai người con và 7-8 đứa cháu nheo nhóc tồn tại được giữa xã hội kim tiền này, nếu họ phải ở nhà trọ?
Đây là chuyện thuộc dạng sự đã rồi, một tình trạng phổ biến trong nền kiến trúc vi mô lẫn vĩ mô ở Việt Nam. Dân vô gia cư khắp nơi dựng nhà dựng cửa, giấy tờ trao tay, đôi khi không có giấy tờ thì nói miệng nhờ hàng xóm làm chứng, để rồi cuối cùng nhà tồi tàn lụp xụp mất mĩ quan mọc lên khắp nơi, kéo theo ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính những người dân ký cư trong đó. Những đoàn từ thiện Việt Kiều đến xóm nhỏ này đã không kìm được xúc động khi nhìn thấy đó chính là những người đồng bào.
Hiện tất cả những đứa cháu của bà Dung đều đi học ở lớp tình thương- gia đình không thể trang trải cho chi phí học hành ở những nơi công lập. Có thể chúng sẽ trở thành trẻ vô gia cư đáng thương chỉ trong thoáng chốc. Chính quyền xã, huyện Bình Hưng- Chánh có thể đúng về lý nhưng không hợp tình. Họ lại bị cộng đồng mạng la ó rủa sả vì mang tiếng là đi cưỡng chế đất nhà của bà già con nít bơ vơ. Dầu càng đổ thêm vào chảo lửa khi chính quyền địa phương chọn cách giải quyết mờ ám. Họ kéo nhau đến nói với bà Dung là đất của bà thuộc sở hữu của công ty, nhưng không cho biết đó là công ty gì, bà Dung và con trai chỉ nhớ mờ mờ là “công ty Ích-Cô gì đó chú nhà báo ạ!”. Tại sao cán bộ của chính quyền- cơ quan có thẩm quyền hành chính lại không thông báo cho gia đình bà Dung bằng văn bản, tên công ty gì. Bên công ty cũng không cử ai đến để nói chuyện phải khuấy với bà Trần Thị Dung chứ đừng nói gì một khoản tiền hỗ trợ. Phía công ty mờ ám nọ, đáng lẽ phải tự mình đến đàm phán với bà Dung sau khi đàm phán với chính quyền, thì đã đi đường tắt là vận động cho ngành an ninh vào cuộc. Họ, những tập thể thiếu tầm nhìn xa, bố trí vô số côn đồ hai bên đường để hù dọa gia đình và giới báo chí, đến nỗi người lạ nào đi xe máy vào xóm nhỏ cũng bị côn đồ đi tới chặn xe sách hỏi là đi đâu. Chi phí trả cho những côn đồ chức năng cùng công an mặt thường phục này ở đâu ra, có lẽ là dân tình cũng biết. Một cơ cấu hành chính rối rắm, quanh co và phản tiến hóa như thế bao năm qua đẩy tất cả mọi người- từ dân thường đến cán bộ- hết thảy đều đi vào con đường bất lương lúc nào không hay. Đáng lẽ ra chính quyền cần phải chọn một cách giải quyết hợp lý- hợp tình hơn, và hành động minh bạch hơn như tổ chức họp báo, ban hành những giấy tờ có trách nhiệm và mở quỹ hỗ trợ chỗ ở mới cho những hộ quá nghèo như vậy. Thay vào đó người ta lại đưa bạo lực và bạo quyền để nói chuyện với những dân thấp cổ bé họng.
Ngày mai, mái nhà tôn nghèo đó sẽ bị dỡ đổ. Hơn một chục con người nhỏ bé đáng thương đang khắc khoải chờ đợi xã hội đến cứu. Hôm nay bị đẩy vào bước đường cùng, ngày mai họ sẽ đi về đâu?
Chim báo bão.