Cát Tường
(VNTB) – Tin chắc rằng việc chọn ngân hàng làm lãnh vực đầu tư của bà Nguyễn Thanh Phượng, đã được hưởng lợi từ chức danh là người đứng đầu chính phủ…
Nếu Việt Nam được công nhận có nền kinh tế thị trường theo cách hiểu của người Mỹ, vậy thì những hành vi tương tự trong làm ăn của “con ông cháu cha” có bị xử trí?
Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định.
Giả dụ khi Hoa Kỳ công nhận, vậy thì luật pháp của Việt Nam có tu chỉnh để có thể thích hợp với cách mà Hoa Kỳ – tạm gọi là “đốt lò” cho chuyện chống tham nhũng trong các nhóm lợi ích về chính sách?
Có thể dẫn chứng trường hợp của ông Biden, Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, người vừa rời Hà Nội hôm 11-9-2023.
Ngày 12-9 (giờ địa phương), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tuyên bố bắt đầu quá trình luận tội ông Biden với việc mở cuộc điều tra. Theo đó, Tổng thống Mỹ đối mặt cáo buộc đã hưởng lợi từ công việc kinh doanh ở nước ngoài của con trai mình, ông Hunter Biden, trong giai đoạn làm phó tổng thống từ năm 2009 đến năm 2017.
Ông McCarthy cho biết: “Chúng tôi sẽ đi đến nơi mà các bằng chứng chỉ đến”.
Phản hồi quyết định trên, người phát ngôn Nhà Trắng Ian Sams tuyên bố trên mạng xã hội: “Chính trị cực đoan ở mức tồi tệ nhất”.
Trong đời sống chính trị ở Mỹ thì tin tức trên là bình thường, không cực đoan – tồi tệ như nhận xét cảm tính của Ian Sams. Bởi rất đơn giản Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền cho Quốc hội luận tội các quan chức liên bang, bao gồm cả tổng thống về tội phản quốc, hối lộ và “các tội trọng và tội nhẹ khác”.
Một tổng thống có thể bị cách chức nếu Hạ viện thông qua các điều khoản luận tội theo đa số đơn giản và Thượng viện bỏ phiếu với đa số 2/3 để kết án sau một phiên xét xử.
Đảng Cộng hòa cáo buộc rằng con trai của ông Biden là Hunter Biden đã thu lợi từ các giao dịch kinh doanh với các thực thể nước ngoài bằng cách sắp xếp quyền tiếp cận Phó Tổng thống Biden khi đó. Họ cũng cáo buộc rằng bản thân ông Biden đã được hưởng lợi. Ngoài ra, họ cũng nói rằng Bộ Tư pháp đã can thiệp vào các cuộc điều tra về thuế của ông Hunter Biden.
Mang chuyện xứ Cờ Hoa đặt vào xứ Việt Nam với thắc mắc dễ bị chụp mũ 331: Lúc còn đương chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có hưởng lợi từ ngân hàng Bản Việt của con gái ông là bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ hay không?
Lý lịch trích ngang về nghề nghiệp cho biết: bà Nguyễn Thanh Phượng là Chủ tịch Hội đồng Quản Trị, Sáng lập viên Bản Việt (Viet Capital).
Nữ doanh nhân này cũng là thành viên sáng lập của Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities – VCSC) và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital Asset Management – VCAM). Bà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VCSC và VCAM kể từ thời điểm thành lập năm 2007. Bà Phượng cũng là Thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt.
Trong vai trò Chủ tịch, Bà Phượng chịu trách nhiệm về định hướng tầm nhìn, quản trị chiến lược, hỗ trợ Ban Điều hành với mục tiêu đưa Viet Capital trở thành những đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu trên thị trường.
Bà từng giữ chức vụ Phó Giám đốc Tài chính Công ty Liên doanh Holcim Việt Nam – thuộc Tập đoàn đa quốc gia Thụy Sĩ, một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Bà cũng từng giữ vai trò Giám đốc đầu tư của Công ty Vietnam Holding Asset Management.
Bà Nguyễn Thanh Phượng là con gái duy nhất của ông Nguyễn Tấn Dũng, nguyên là Thủ tướng thứ sáu của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 2006 đến năm 2016.
Từ năm 1997 đến năm 2016, thân phụ của bà Nguyễn Thanh Phương cũng đồng thời là Đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa X, XI, XII, XIII thuộc đơn vị bầu cử khu vực 3 thành phố Hải Phòng (huyện Tiên Lãng), Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VIII, IX, X, XI, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án EPCO – Minh Phụng từ năm 2002.
Ông Nguyễn Tấn Dũng từng giữ chức Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), ban này chuyển sang cho Bộ Chính trị quản lý, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ ngày 6 tháng 4 năm 2016 ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ hưu theo chế độ. Ông làm Thủ tướng vào cuối khóa X sau khi ông Khải từ chức rồi làm Thủ tướng qua 2 khóa XI và XII nên ông có 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng có hàm công an là Thiếu tướng. Tháng 5 năm 1998, Quốc hội thông qua cử ông Nguyễn Tấn Dũng kiêm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Chức vụ này ông giữ đến ngày 11 tháng 12 năm 1999 thì bàn giao lại cho ông Lê Đức Thúy, một trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.
…Tin chắc rằng việc chọn ngân hàng làm lãnh vực đầu tư của bà Nguyễn Thanh Phương, đã được hưởng lợi từ chức danh là người đứng đầu chính phủ, và cũng từng đứng đầu hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, là thân phụ của bà.
Tham nhũng chính sách là một nghi vấn cho trường hợp cụ thể ở trên, và điều này nếu Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường dành cho Việt Nam, thì “người đốt lò vĩ đại” có lẽ cũng phải “tu chỉnh” hoặc “xây mới” cho phù hợp hơn về “lò đốt” này (!?).