Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đà Lạt: Cái cốt, cái nhân…

Hoàng Đạo Kính

 

(VNTB) – Giữa các đô thị bành trướng nhanh và sống quay cuồng, ta thèm muốn giữ lại những đô thị mà người dân đã không vội, ăn không nhanh, nói không to. Vẫn giữ được cái sự hiền từ

 

… Có những cái gì đó đang mất mát đi, đang tan vỡ đi trong cơ thể đô thị, có lẽ tinh tế nhất, trọn vẹn nhất trên đất nước mình, Đà Lạt, đô thị hầu như duy nhất ở nước ta có ngày sinh tháng đẻ chính xác, được tạo dựng nên lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng của nước nhà chỉ để làm nơi nghỉ dưỡng. Một đô thị xây dựng ngay từ đầu theo ý tưởng và quy hoạch nhất quán, bởi thế mà, chỉ qua vài ba thập kỷ, đã kịp định hình cho mình diện mạo riêng.

Đà Lạt, cũng có thể là duy nhất trong các đô thị ở nước ta, trong công cuộc hiện đại hóa tất yếu, có cơ may giữ lại và phát huy tính thống nhất giữa thiên nhiên và đô thị, tính hài hoà trong chuyển hóa không gian và kiến trúc.

Đà Lạt là một hiện tượng đô thị. Người châu Âu gọi là urban phenomenon. Cái hiện tượng, cái phe-nomenon ấy được tạo nên bởi sự hòa nhập kỳ diệu giữa thiên nhiên, trời phú cho, và đô thị, Người dựng nên. Hòa nhập một cách hữu cơ, một cách tự nhiên, đến mức tưởng như không thể nào tạo lập khung cảnh trời đất phù hợp hơn cho phong cảnh kiến trúc này.

Hơn thế nữa, Đà Lạt là một mẫu mực về sự ứng xử văn hóa đối với tạo hóa, khi con người kiến tạo những thiết chế sống của mình, – ngôi nhà và đô thị. Một sự thế nghiệm, khởi xướng cách đây ngót thế kỷ, của nền xây dựng đô thị thời hậu hiện đại, hướng vào thiên nhiên, – đô thị sinh thái.

Đà Lạt cho đến hôm nay vẫn đang sở hữu một hệ thống tài nguyên: Thiên nhiên, cảnh quan nhân văn hóa, quỹ đô thị, quỹ kiến trúc và văn hóa đô thị. Hễ một trong số tài nguyên này bị suy suyển, là cái tổng thể trọn vẹn bị xộc xệch. Hễ các tài nguyên cùng bị suy suyển, là cái tổng thể trọn vẹn, mệnh danh là Đà Lạt, tan vỡ.

Sự tan vỡ đã bắt đầu nhận ra rồi.

Nhìn từ máy bay, khi nó giảm độ cao để đáp xuống Liên Khương, ta có thể nhận thấy rõ và đầy đủ mức độ can thiệp nghiêm trọng như thế nào vào tòa thiên nhiên. Những mảnh rừng sót lại giống như những mảng vá. Đất đai bị cày xới, đào khoét… Một vùng đất trời vốn bát ngát, vốn xanh tươi và mát lành, co lại dần thành những ốc đảo. Vào cửa ngõ thành phố, thấy những cánh rừng thông. Tiến sát vào trung tâm, rừng thưa nhanh. Nhiều nơi thưa thớt vài cây, xa lạ ngay trên mảnh đất của chính mình. Đà Lạt vốn là thành phố của những cây thông.

Thiếu bóng dáng cây thông, thiếu rừng thông, Đà Lạt liệu còn có là nó nữa không? Nghe nói, gần đây đã trồng mới gần 40ha rừng thông. Có lẽ là ở ngoại ô. Còn ở khu trung tâm số còn lại có thể đếm được. Đã đến lúc phải kiểm kê rừng cây, nhất là những cây cao tuổi, để bảo vệ như là vốn liếng.

Quanh hồ Xuân Hương đã được tôn tạo, trồng nhiều loại cây: tùng, xá xị, long não, thông… Song thông, vì lý do nào đó, trồng ít. Trên đất Đà Lạt, thông đứng đâu cũng đẹp. Những khoảng trống vắng chỉ có thể lấp đầy bởi những cây thông mà thôi.

Hãy thử tạo nên một cái lệ mới: Hễ có người mới sinh ra, trồng một cây thông. Có người kết hôn, trồng hai cây thông. Có người ra đi, trồng một cây. Vĩnh cửu hóa những chặng đường của kiếp làm người bằng những cây thông, xem ra ta đã dựng những “tượng đài” xanh triết lý nhất cho mình.

Ở nước ta chỉ có hai đô thị mà trung tâm là hồ. Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội nối phần đô thị Việt với phần đô thị thời thực dân thành một thể thống nhất. Nơi phố xá chật hẹp, vẫn còn chỗ cho cảnh, cho cõi tâm linh. Hồ Xuân Hương ngay từ đầu đã được các nhà quy hoạch coi là trung tâm, nhưng không bằng việc xây cất quanh nó những công trình to tát, mà bằng cách né tránh, để nguyên vẹn, ngoại trừ con đường bao quanh. Từ khu trung tâm, nơi nhà thờ Con Gà và khách sạn Palace tọa lạc, cả một khung cảnh giang sơn tít tắp mở ra cho đến tận chân trời, án ngữ bởi dãy Langbiang mà thôi.

Các con đường được lồng ghép khéo léo vào thế núi đồi, tối thiểu hóa mọi sự can thiệp và bộc lộ rõ những ưu thế của từng vị trí đất. Công sở, dinh thự, biệt thự, bố cục phân tách trong không gian đồi thông và những con đường xen kẽ. Cùng với quy mô chừng mực của kiến trúc, lối quy hoạch này tạo nên cấu trúc không gian chuyển hóa mềm mại, hệ tỷ lệ xích tinh tế cho đô thị. Chính cái sự tinh tế này đang bị xâm hại một cách sở thị nhất. Ở nhiều nơi sườn núi bị san ủi để chia lô xây nhà mặt phố. Lối quy hoạch nhà liền kề nhan nhản khắp các đô thị nước ta, ở đâu chứ ở Đà Lạt thì quả là dị thể. Không gian giữa những tòa nhà, vốn để không mà không trống, bị xen cấy vào những công trình mới, to quá cỡ, bởi kiểu cách và màu sắc thách thức. Vài con đường mở rộng quá khổ, ở giữa khu trung tâm cũ đã định hình. Thế là, cơ thể đô thị nhuần nhị tan vỡ, sự thống nhất trọn vẹn suy suyển. Có lẽ là mãi mãi.

Quỹ kiến trúc Đà Lạt đặc trưng bởi bộ sưu tập các loại hình và phong cách kiến trúc Pháp thời kỳ chuyển tiếp từ chủ nghĩa cổ điển sang kiến trúc hiện đại. Tuy tiền mẫu của các công trình kiến trúc này dễ dàng tìm thấy ở các địa phương của nước Pháp, song không thể phủ nhận rằng chúng hoàn toàn phù hợp với các điều kiện thiên nhiên và khí hậu Đà Lạt, phù hợp trên mức có thể với cảnh quan trời đất ở đây.

Sở dĩ cái vốn kiến trúc đó đã trở thành hữu cơ và trở thành khuôn mặt riêng tư của Đà Lạt, bởi từng ngôi nhà đã được chọn đúng kiểu dáng và đặt đúng chỗ, từng ngôi nhà đều có sự chuyển tiếp tự nhiên từ đất lên và ăn nhập với chính chỗ nó đứng. Từng ngôi nhà được lồng cấy vào khung cảnh, không ngự trị, càng không chiếm lĩnh. Véranda, hiện diện ở từng ngôi nhà, tạo nên sự chuyển tiếp từ những căn phòng ngăn kín sang thiên nhiên. Nó như con mắt của biệt thự, hướng nhìn vào cảnh trí. Khi biệt thự biến thành chung cư, Véranda biến thành chỗ ở, con mắt ấy đã nhắm lại.

Không rõ, trong số hơn hai nghìn biệt thự, bao nhiêu cái còn được sử dụng với chức năng cũ, bao nhiêu cái dùng làm chung cư hoặc bị bỏ hoang. Dinh thự, biệt thự ở Đà Lạt là một quỹ kiến trúc vô giá về mặt tài sản vật chất, sử dụng, kiến trúc, cảnh quan và thẩm mỹ. Một ngày nào đó, quỹ kiến trúc này sẽ được công nhận là di sản văn hóa. Tuy nhiên, nếu nó còn.

Đà Lạt là tác phẩm của nền kiến trúc phong cảnh. Song cái tính chất kiến trúc phong cảnh đó không được tạo nên bởi hệ thống những vườn hoa và những công viên như thông thường, mà bởi chính cái nền cảnh thiên nhiên, trong đó kiến trúc chỉ là sự bổ sung vào, do đó, làm các vườn hoa, các công viên phong cảnh hoặc những tiểu cảnh trong các khuôn viên là chưa đủ, chưa hẳn là cách ứng xử đặc thù cho riêng Đà Lạt, mà phải chăm sóc và khôi phục cái vườn hoa vĩ đại Trời cho, – Cảnh quan thiên nhiên. Vâng, đã đến lúc phải đặt vấn đề khôi phục cảnh quan, như một tài nguyên, như một di sản. Nó là cái nôi của thành phố này.

Nói về văn hóa sống của một chốn đô thị, vốn là nơi nghỉ dưỡng mới hơn trăm tuổi, có vẻ vội vàng chăng? Song, không thể không nhận ra những nét riêng trong cốt cách, trong cách sống của người Đà Lạt. Thành phố này đã thu hút người tứ xứ đến nghỉ, đến định cư lâu dài. Nông dân xứ Bắc, quen thâm canh ruộng, đến đây thâm canh nghề vườn. Những làng – vườn, góp phần tạo nên bản sắc và cảnh sắc cho thành phố, giống như các đô thị truyền thống ở ta, vừa có thị lại vừa có thôn. Người từ các tỉnh về đây làm việc phục dịch cho người Tây và người Ta nghỉ mát.

Ấy là chưa nói đến những gia đình trí thức tiểu tư sản từ Bắc Kỳ kéo nhau vào để tìm nơi chốn yên ắng. Hình như bây giờ lác đác cũng có những người nghĩ theo cách đó. Người Pháp đến đây không chỉ để tránh cái nóng dưới đồng bằng. Năm 1948, trong số một vạn rưỡi dân, đã có hơn hai ngàn người Pháp. Lối sống, lối nghĩ của các cộng đồng dân cư dần dà đã hòa trộn, quện xoắn vào nhau, tạo nên sắc thái riêng trong văn hóa đô thị Đà Lạt.

Thiên nhiên, cảnh quan, đô thị, kiến trúc, hình thái hoạt động xã hội, cùng với sự cộng sinh văn hóa của các miền và các xứ, đã nhào luyện nên bản sắc trong văn hóa sống của người Đà Lạt. Nó là thành phần hữu cơ của cơ thể đô thị Đà Lạt thống nhất nhuần nhuyễn. Về phương diện này, cũng đang diễn ra sự xộc xệch nào đó. Giữa các đô thị bành trướng nhanh và sống quay cuồng, ta thèm muốn giữ lại những đô thị mà người dân đã không vội, ăn không nhanh, nói không to. Vẫn giữ được cái sự hiền từ. Đạt Lạt có cơ may là thành thị như thế.

Thả bộ giữa Đà Lạt, nhận thêm ra những dấu hiệu làm ta e ngại về sự tan vỡ trong phát triển. Hình bóng nhà thờ Con Gà như một tín hiệu của Đà Lạt đã bị những khối nhà che lấp hẳn. Ở các làng hoa, nhà cửa trở nên hỗn độn. Con suối Cam Ly cuốn theo khí nặng của nền văn minh hiện đại. Năm chiếc cầu bê tông vươn ra mặt hồ Xuân Hương làm theo kỹ thuật nhân bản vô tính. Nghe nói, khách sạn Ngọc Lan, đứng trên đồi, sắp lên chín tầng, thách đố núi đồi chăng?

Đà Lạt phát triển nhanh quá: to và rộng ra, đông lên, đường thênh thang, nhà mới nhiều, đời sống khấm khá lên. Hiện đại hóa và đô thị hóa là con đường chung. Phát triển không kém ai, nhưng vẫn phải là “mình”. “Mình” ở đây là hệ thống “gien” của Đà Lạt, nếu được duy trì và phát huy. Chúng tiềm ẩn trong thiên nhiên, trong đô thị, trong kiến trúc, trong nếp sống…

Đà Lạt đã có cái cốt, cái nhân…

July 14, 2023


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đà Lạt: Chính phủ thua trọc phú?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tập Cận Bình đăng đàn được ở Hội trường Diên Hồng, thì sá gì một Vạn Lý Trường Thành ở Đà Lạt

Phan Thanh Hung

VNTB – Mái che vỉa hè Lê Lợi: năm người, mười ý

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo