Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đại biểu Quốc hội có phải là Nghị sĩ?

Mai Lan

 

(VNTB) – Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bầu ra các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Các ứng cử viên trúng cử hình thành ban lãnh đạo của Đảng gọi là Đảng đoàn Quốc hội

 

Nghị sĩ ở các nhà nước tư sản thường là nghị sĩ chuyên nghiệp. Do áp dụng nguyên tắc phân chia quyền lực, phần lớn các quốc gia tư sản không cho phép chế độ kiêm nhiệm.

Nghị sĩ là thành viên của cơ quan đại diện cao nhất của một quốc gia thường được gọi là Nghị viện hay Quốc hội.

Thành viên của Thượng nghị viện được gọi là thượng nghị sĩ, của Hạ nghị viện được gọi là hạ nghị sĩ. Thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ khác nhau ở những điểm sau đây: hạ nghị sĩ do cử trì bầu, còn thượng nghị sĩ có thể được bầu gián tiếp hoặc bầu trực tiếp nhưng theo một trình tự khác, có nơi thượng nghị sĩ lại được chỉ định; nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ thường ngắn hơn nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ.

Để trở thành ứng cử viên hạ nghị sĩ thông thường chỉ cần đạt từ 21 đến 23 tuổi, còn để trở thành ứng cử viên thượng nghị sĩ phải đạt từ 30 đến 35 tuổi hoặc cao hơn; Hạ nghị viện có thể bị Tổng thống giải tán, còn Thượng nghị viện thường thì không.

Ở Việt Nam thì khác hẳn: Trên diễn đàn Quốc hội, vị bộ trưởng cũng là đại biểu Quốc hội, phải chịu sự chất vấn của đại biểu Quốc hội khác, như vậy liệu vị này có dám chất vấn lại chính mình, hay chất vấn lại Chính phủ, Thủ tướng?. Chắc chắn là không khi dẫu gì thì bộ trưởng cũng là cấp dưới của Chính phủ, của Thủ tướng.

Trong hoạt động giám sát cũng thế. Trong công tác xây dựng pháp luật, liệu vị bộ trưởng có không nghĩ tới cơ chế chính sách có lợi cho ngành của mình?.

Ở Việt Nam không chỉ khác, mà còn rối rắm hơn: Quốc hội là một thể chế chính trị, phải có chính khách ở đó tranh luận với nhau để ban hành chính sách. Bộ trưởng cũng là chính khách, như thế bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội. Thứ trưởng trở xuống mới không nhất thiết là đại biểu, vì anh không phải chính khách, chỉ là công chức. Quốc hội có chức năng quyết chính sách, còn bộ trưởng là người tham gia dẫn dắt chính sách.

Và Chủ tịch tỉnh có cần làm đại biểu Quốc hội không? Nếu quyền lực phân chia cho địa phương như ở các nước thì Chủ tịch tỉnh không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Một xã hội quyền lực đều tập trung ở trên cả mà Chủ tịch không ngồi ở Quốc hội nữa như vậy sẽ thiếu mất đại diện địa phương để cùng với đại diện các cấp, ngành “đóng dấu” để các quy định, yêu cầu của Đảng trở thành pháp luật. Vậy là theo chuẩn mô hình Xô Viết, không thể thiếu đại diện của địa phương ở Quốc hội.

Ở Quốc hội Việt Nam tuy không có thượng nghị sĩ, hạ nghĩ sĩ, nhưng lại có đại biểu chuyên trách, và đại biểu không chuyên trách. Điều đó cho thấy nếu chuyển sang mô hình nhà nước phân chia quyền lực, nhà nước hiện đại như các nước, lúc ấy, một Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp là cần thiết, thậm chí tất cả các đại biểu đều phải hoạt động chuyên nghiệp, chuyên trách – và rất có thể khi đó sẽ có thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ; hoặc có thể như mô hình đơn viện của Nghị viện Singapore.

Cơ quan lập pháp Singapore theo mô hình dân chủ Nghị viện của hệ thống Westminster, Anh. Theo đó, các nghị sĩ được bầu ra thông qua các cuộc tổng tuyển cử thường kỳ. Khi Nghị viện mới được triệu họp lần đầu tiên, Chủ tịch sẽ được bầu sau khi các nghị sĩ mới tuyên thệ.

Mặc dù theo mô hình Anh, nhưng Nghị viện Singapore chỉ có đơn viện. Nhiệm kỳ của nghị sĩ là 5 năm tính từ phiên họp đầu tiên sau Tổng tuyển cử và không có giới hạn về số lần trúng cử. Trong trường hợp Nghị viện bị giải tán, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 3 tháng.

Nghị viện thành lập 7 ủy ban thường trực có nhiệm kỳ tương ứng với nhiệm kỳ của Nghị viện để thực hiện một số nhiệm vụ thường xuyên gồm: Ủy ban Lựa chọn ủy viên, Ủy ban Tài khoản công, Ủy ban Dự toán ngân sách, Ủy ban Quy tắc, Ủy ban Dân nguyện, Ủy ban về điều kiện hoạt động của nghị sĩ, Ủy ban Kiểm soát đặc quyền của Nghị viện. Trong đó, Chủ tịch Nghị viện hoặc Ủy ban Lựa chọn ủy viên có quyền quyết định lựa chọn hoặc thay đổi thành viên của các ủy ban khác.

Bên cạnh các ủy ban thường trực nói trên, Nghị viện thành lập các Ủy ban hoạt động lâm thời theo kiến nghị của các nghị sĩ để thẩm tra một số dự án luật, hoặc xem xét về các vấn đề cụ thể theo sự phân công của Nghị viện (còn gọi là các Ủy ban đặc trách).

Các ủy ban này làm việc theo nguyên tắc tập thể; có quyền triệu tập nhân chứng, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp tài liệu, hồ sơ phục vụ cho hoạt động của mình.

Nghị viện Singapore có thể họp bất kỳ thời gian nào trong năm, do toàn thể Nghị viện quyết định khi kết thúc kỳ họp trước, nếu không thì do Chủ tịch Nghị viện triệu tập; mỗi tháng họp 1 lần (trừ tháng 6 và tháng 12) và một lần họp thường từ 1 ngày đến 1 tuần, tùy theo số lượng dự án luật được trình.

Thông báo về từng phiên họp được gửi trước cho nghị sĩ. Còn nghị sĩ gửi các câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, các điểm sửa đổi đối với các dự luật đã được trình, các vấn đề họ muốn thảo luận tại phiên họp.

Sở dĩ đề xuất Việt Nam có thể lựa chọn mô hình Nghị viện Singapore nếu như mai này chuyển sang mô hình nhà nước phân chia quyền lực, nhà nước hiện đại như các nước, vì Việt Nam có phân chia đại biểu Quốc hội chuyên trách, và đại biểu Quốc hội không chuyên trách.

Hệ thống văn bản luật pháp của Việt Nam vẫn đang liên tục điều chỉnh để đáp ứng với các yêu cầu thỏa thuận trong ký kết những FTA song phương và đa phương.

Để tránh mất thời gian chờ đợi kỳ họp định kỳ hàng năm của Quốc hội, thì việc ‘bắt chước’ Nghị viện Singapore có thể giúp yêu cầu lập pháp đáp ứng kịp thời với tính chuyên nghiệp cao nhất, song vẫn bảo đảm được nguyên tắc lãnh đạo thống nhất của Đảng.

Cụ thể luôn: Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ bầu ra các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Các ứng cử viên trúng cử hình thành ban lãnh đạo của Đảng gọi là Đảng đoàn Quốc hội. Như vậy ý Đảng và lòng dân đã được kết hợp với nhau làm một.

Đảng thảo luận, quyết định đường lối, chính sách trong Đảng đoàn Quốc hội. Khi ra Quốc hội, các vị đại biểu là đảng viên sẽ phải biểu quyết theo quyết định của Đảng đoàn Quốc hội. Dĩ nhiên chỉ có thể thực hiện được điều đó khi giải quyết song vướng mắc hiện nay là sự chồng chéo chức năng giữa các đảng viên trong Quốc hội, và trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Một vấn đề khác: Nếu thay đổi theo mô hình có các nghị sĩ chuyên nghiệp, thì những người có uy tín, có năng lực được cử tri tín nhiệm thì đều được bầu, và phần lớn nghị sĩ ở các nước tuổi cũng khá cao.

Điều này khi áp dụng ở Việt Nam, biết đâu chừng – giả dụ như lá phiếu tín nhiệm có thể dành cho nghị sĩ Nguyễn Phú Trọng khi ông rời ghế Tổng bí thư. Lúc đó với lá phiếu cử tri này sẽ chẳng ai còn xì xào rằng ông đang tham quyền cố vị trên chính trường nữa… 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sợ “cùn, lãng phí” bác sĩ trạm y tế xã

Do Van Tien

VNTB – Triết lý giáo dục ‘không’ định hướng xã hội chủ nghĩa

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà ở chung cư sẽ có “đát” sử dụng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo