VNTB – Đại biểu Quốc hội đang… vi Hiến

VNTB – Đại biểu Quốc hội đang… vi Hiến

Trường Sơn

 

(VNTB) – Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng Ngọc Trinh đã coi thường pháp luật

 

Liên quan đến vụ khởi tố bị can với Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh, 34 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) về tội “gây rối trật tự công cộng” (quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Trương Xuân Cừ – Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội – cho biết, việc khởi tố, bắt tạm giam với người mẫu Ngọc Trinh là hoàn toàn cần thiết. “Đây là hồi chuông cảnh tỉnh, có tính răn đe và giáo dục cao đối với những người có ý thức chấp hành pháp luật thấp”, ông nói.

Theo đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, việc người mẫu Ngọc Trinh điều khiển chiếc mô-tô trong tư thế tạo dáng nguy hiểm như quỳ, nằm trên yên; đứng một bên xe, buông hai tay… thể hiện sự coi thường pháp luật. “Trường hợp này rõ ràng thấy rằng, người mẫu Ngọc Trinh vì thương mại hóa hình ảnh cá nhân, vì lợi ích của bản thân đã có những hành xử không đúng quy định của pháp luật. Không một ai có quyền coi thường pháp luật, thích làm gì thì làm, nhất là đối với những người nổi tiếng, có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội”, ông nói.

Lý lịch khoa học của đại biểu Trương Xuân Cừ, thấy ghi vầy: Trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Giáo dục học, Cử nhân Sư phạm Toán. Chức vụ: Bí thư Đảng ủy cơ quan Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV. Đại biểu Quốc hội: Khóa XV.

Tuyên bố mang tính khẳng định của ông Trương Xuân Cừ là hành vi vi Hiến. Bởi ở Điều 31.1, Hiến pháp 2013 ghi rõ rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã cụ thể hoá quy định của Hiến pháp 2013 tại Điều 13 như sau:

“Điều 13. Suy đoán vô tội

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

Như vậy, chủ thể có quyền được suy đoán vô tội là người bị buộc tội, bao gồm người bị người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (điểm đ, khoản 1, Điều 4, Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

Ngoài Điều 13, nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội còn được quy định tại các điều luật khác của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể:

Một là, ghi nhận Toà án là cơ quan duy nhất có quyền tuyên một người là phạm tội. Khoản 1, Điều 326 quy định “Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị án”.

Hai là, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết (Điều 8).

Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải quan tâm, tạo điều kiện cho người bị buộc tội trong việc đưa ra chứng cứ, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án để chứng minh họ không có tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bộ luật tố tụng hình sự 2015 còn quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (Điều 15).

Đặc biệt, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 đã ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội. Theo đó, người bị buộc tội có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội (các Điều 58 – Điều 61). Lời nhận tội của người bị buộc tội chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của người bị buộc tội làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội (Điều 98).

…Với những trích lược vắn tắt như trên ở mức “bình dân học vụ” về kiến thức luật pháp, thật khó thể tin được một chức sắc có học hàm, học vị như đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, lại ngờ nghệch trong sẵn sàng buộc tội cử tri đến như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    Với trình độ về PL ở mức quá kém NV. Tại sao ông nghị TX Cừ lại được ngồi chồm chỗm trong Cuốc Hội được vậy, Zan ta còn khốn khổ dài dài.