Việt Nam Thời Báo

(VNTB)-Đại nạn cướp giật TP.HCM: Trị an kiểu gì?

Liên Sơn
tấm bảng do dân tự dựng lên để cảnh tỉnh người đi đường ở ngã tư Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ


(VNTB) – Nếu ai có điều kiện đi ngang qua ngã tư đường Hồng Bàng – Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5, Tp. Hồ Chí Minh), sẽ thấy ngay một tấm biển nền vàng, chữ đỏ với nội dung cảnh báo: “Cảnh giác, đoạn đường thường xảy ra dàn cảnh va quẹt xe để móc túi cướp giật”. Đó là tấm bảng mà dân khu vực đó dựng lên để cảnh tỉnh người đi đường, và địa điểm đó chính là nơi thường xảy ra các vụ dàn cảnh để cướp giật.

“Thành phố của cướp giật”

Tp. Hồ Chí Minh với 10 triệu dân (bình quân mỗi năm có khoảng 200.000 người nhập cư vào thành phố), nổi tiếng với nạn cướp giật. Mỗi phút trên thành phố hoa lệ này đều diễn ra nạn cướp giật với các thủ đoạn khác nhau, nạn nhân bao gồm nhiều thành phần xã hội với xu hướng ngày một “tàn bạo, táo tợn” hơn. Đến nỗi, cướp giật trở thành đặc sản riêng dành cho vùng đất này.

Trước tình hình đó, cuối năm 2012, trong khi làm việc với lãnh đạo bộ ngành Thành ủy, UBND Hồ Chí Minh, ông Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã tuyên bố: Bộ Công an sẵn sàng tăng cường 1-2 trung đoàn cảnh sát cơ động từ Hà Nội vào để cùng Công an TPHCM trấn áp tội phạm.
Kết quả, cuối tháng 01/2013, 600 CSCĐ được điều vào Hồ Chí Minh để phục vụ “công tác phòng chống tội phạm vào dịp cuối năm trên các tuyến đường trọng điểm” như lời khẳng định của ông Nguyễn Chí Thành (Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh).

Từ khi 600 CSCĐ mang theo mô hình 141 (Đội kiểm tra Liên ngành) cộng thêm tính chất ra quân dịp cao điểm đã khiến cho các vụ phạm pháp hình sự, án cướp giật giảm. Tình hình trật tự thành phố lúc đó được ghi nhận là có kiểm soát hơn.

Tuy nhiên, trấn áp tội phạm đúng như ông thứ trưởng Bộ Công an lúc đó đã cảnh báo: “Trấn áp tội phạm không chỉ giải quyết trước mắt, theo những đợt cao điểm mà phải làm lâu dài. Khi nào tội phạm đến Tp. Hồ Chí Minh phải khiếp sợ thì lực lượng của Bộ Công an mới rút quân”.
Đầu năm 2014, thứ trưởng Phạm Quý Ngọ “đột tử”.

141 và hình ảnh “thụt lùi sâu sắc”

Việc điều động 600 CSCĐ vào Hồ Chí Minh khi ấy đã chỉ ra sự yếu kém của Đội hình sự đặc nhiệm (lực lượng kế thừa SBC của thành phố trước đó) và cho thấy sự hiệu quả của mô hình 141 Hà Nội.
Sự hiệu quả đó dù được ghi nhận, nhưng ông Thiếu tướng Phan Anh Minh (Phó giám đốc Công an Tp.HCM) lại cho rằng: “Ở Hà Nội có quá nhiều đầu gấu sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ… TP HCM chưa đến mức đó nên chưa cần có lực lượng như 141” trong buổi chất vấn của UBND thành phố.

Câu trả lời đó đã khiến nhiều người…ngã ngửa. Ngoài cái tư tưởng mất bò mới lo làm chuồng thì nguy hiểm hơn, Công an Tp. Hồ Chí Minh phút chốc từ bảo vệ an ninh cho người dân – trật tự của TP đã chuyển sang…. bảo vệ cho người thi hành công vụ.

Rõ ràng, ông Minh lúc đó đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu là sự hỗn loạn của thành phố không nằm ở việc tội phạm chống trả với công an, mà nó nhằm vào những người cô thân thế yếu, sẵn sàng vung dao chém người dân khi bị phản kháng… Và người dân cần một lực lượng có hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm như 141, để nhìn thấy đồng thuế của mình dành cho trị an nó hữu dụng ra sao. Yêu cầu này lại càng cấp thiết, nhất là sau khi lực lượng của Bộ Công an rút đi sau đợt cao điểm thì vấn nạn cướp giật lại nổi lên trở lại.

Do đó, người dân có quyền nghi ngờ về sự thiếu quyết tâm, nếu không muốn nói thờ ơ trong trấn áp cướp giật từ những người lãnh đạo như ông Minh?

Đồng thuế trị an bỏ ra, đổi lại người dân phải tự… bảo vệ mình? (nguồn ảnh: Vnexpress)

Điều này không phải không có lý khi việc trấn áp tội phạm thay vì liên tục và lâu dài, thì Công an Tp. Hồ Chí Minh lại chỉ chú trọng tính chất cao điểm. Đồng thời, tính chất nhanh nhạy của lực lượng Công an thành phố chỉ xuất hiện ở những tin báo đánh bạc, đá gà, và trở nên chậm chạp ở vấn nạn cướp giật.

Chính yếu tố đó đã khống chế sự hiệu quả của Tổ công tác 612 (thành lập 06/2012) cũng như 34 tổ Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được gọi là “141 Hồ Chí Minh” được thành lập cuối năm 2012, với sự khẳng định là đã “kế thừa và phát huy mô hình lực lượng 141 của công an TP.Hà Nội”.

Vậy nên, hai năm sau (2014), cái câu “ra đường gặp cướp” vẫn là câu nói quen thuộc, nóng hổi và kinh hoàng. Trong khi đó, tư tưởng của ông phó Giám đốc Công an Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ nguyên trạng thông qua điệp khúc: “Thời gian tới các đơn vị nghiệp vụ, Công an các quận huyện sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn”. Rõ ràng, “điệp khúc” đó không giúp cho nạn cướp giật bớt manh động hơn, mà ngược lại chiều hướng cướp giật đang có mật độ ngày một dầy hơn, thủ đoạn hơn. Số vụ cướp giật theo băng nhóm và sử dụng hàng nóng có chiều hướng gia tăng, tấn công từ trong nội thành đến ngoại thành.

Thuế trị an để làm gì?

Đội hình sự đặc nhiệm, “141 Hồ Chí Minh” trở nên “yếu đuối”, nếu không nói là bất lực của lực lượng này trong phòng chống nạn cướp giật. Nhất là khi người dân phải tự học cách nhận dạng để tránh cướp, tự bảo vệ mình trên sự lo lắng, hoang mang khi ra đường.

Việc dựng biển cảnh báo cướp giật/ lừa đảo trên ngã tư đường ở quận 5 nói trên cũng xác nhận sự yếu kém của lực lượng Công an Tp. Hồ Chí Minh, vừa là sự mất niềm tin của người dân vào lực lượng trị an thành phố.

Mặc dù gần đây, chính quyền thành phố cho lắp camera giám sát an ninh tại quận 1, quận Gò Vấp.
Nhưng thế vẫn là chưa đủ, người dân cần một lực lượng phản ứng nhanh, kiểm tra nhanh như 141 Hà Nội (quyết tâm của lãnh đạo Công an thành phố) để cùng camera an ninh phát huy tính hiệu quả trong giám sát, ngăn chặn cướp giật cũng như hỗ trợ kiểm soát giao thông.

Và đó cũng là yêu cầu bức thiết, đòi hỏi chính đáng của 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Cũng là nơi đóng góp 29,38% tổng ngân sách cả nước.

Trên hết, yêu cầu đó phải được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở xác định rõ ràng trách nhiệm lẫn nghĩa vụ của lực lượng Công an thành phố – lực lượng vốn ăn thuế trị an của người dân để làm việc đó thay vì ủy thác trách nhiệm, nghĩa vụ khi liên tục đưa ra khuyến cáo người dân và du khách thật thận trọng trong việc giữ gìn tài sản cá nhân khi ra ngoài đường.

Liên Sơn

Tin bài liên quan:

(VNTB)-Câu chuyện Bồ Đề: Vì sao Phật giáo Việt Nam suy vi lẫn mạt pháp?

Phan Thanh Hung

VNTB-Trao đổi với tác giả Nguyễn An Dân

Phan Thanh Hung

15/11 – Phép thử xoa dịu và PR chính trị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo