Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đắk Nông: Ông Trần Minh Lợi bị bắt vì “môi giới hối lộ” hay đòn “dưới thắt lưng” do tố cáo tham nhũng?

Nguyễn Phúc

Ông Trần Minh Lợi đang đưa ra tài liệu tố cáo một vụ tiêu cực - Ảnh: Trung Chuyên
Ông Trần Minh Lợi đang đưa ra tài liệu tố cáo một vụ tiêu cực – Ảnh: Trung Chuyên

(VNTB) – Ông Trần Minh Lợi là một người nổi tiếng chống tham nhũng tại Đắk Lắk khi lập Facebook Trần Minh Lợi “chống giặc nội xâm”. Ông Lợi mua sắm thiết bị, đứng ra thu thập chứng cứ tố cáo nhiều vụ việc tham nhũng liên quan đến các cán bộ nhà nước trên địa bàn các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông…

Trong nhiều vụ việc, ngoài làm đơn tố cáo, cung cấp chứng cứ cho cơ quan chức năng, ông Trần Minh Lợi còn viết bài đăng tải trên trang Facebook Trần Minh Lợi “chống giặc nội xâm” , đăng tải các hình ảnh, chứng cứ liên quan.
Chiều 22-3, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thực hiện lệnh khám xét, thi hành lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi (SN 1968, trú xã Ea B’hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tại nhà riêng (ảnh dấu X) để điều tra về hành vi môi giới hối lộ.

Bắt hối lộ qua tố cáo đích danh
Theo điều tra ban đầu, ngày 15-1, Công an huyện Đắk Mil bắt được sáu người đang đánh bài ăn tiền tại xã Thuận An (Đắk Mil). Cũng theo điều tra ban đầu của công an, lúc này trung úy Lãnh Thanh Bình (cán bộ trinh sát) gợi ý người nhà chung tiền thì sẽ cho các nghi can được tại ngoại. Sự việc này được người nhà một nghi can thông tin đến ông Trần Minh Lợi và nhờ ông này “giúp đỡ”. Ông Lợi đã dùng các thiết bị điện tử để ghi âm, ghi hình quá trình chung chi – nhận tiền này. Khi có bằng chứng, ông Lợi viết đơn tố cáo ông Bình và thiếu tá Y Nam (đội phó đội điều tra) và trung úy Trần Thanh Hải (cán bộ điều tra) cũng thuộc Công an huyện Đắk Mil đến cơ quan chức năng.
Ngày 17-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam trung úy Lãnh Thanh Bình (công tác tại Công an huyện Đắk Mil) để điều tra về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Cơ quan CSĐT Đắk Nông cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Cao Trí (SN 1978) và Nguyễn Xuân An (SN 1985), cùng trú xã Thuận An, huyện Đắk Mil về hành vi đưa hối lộ vì liên quan đến vụ việc. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trương Thị Lan (SN 1971) và Nguyễn Thị Tí (SN 1960, cùng trú ở xã Thuận An) cũng về hành vi nói trên.
Có một tình tiết đáng chú ý mà ông Trần Minh Lợi cung cấp cho báo chí trước hôm bị bắt, là trung úy Bình đã tới nhà ông Lợi đưa cho ông 200 triệu đồng để mua “im lặng”. Ông Lợi đã ghi hình và có nêu trong đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Đắk Nông, nhưng khi báo chí đề cập vấn đề này với Công an tỉnh Đắk Nông thì được trả lời là: “chưa xác định được”.

Công hay tội?
Vụ việc nói trên, thử nhìn qua lăng kính tố tụng, thì có thể thấy rằng vụ việc khởi tố và bắt khẩn cấp ông Trần Minh Lợi khiến người dân cho rằng đây là đòn đánh “dưới thắt lưng”, nhằm “hù dọa” để ông Lợi không dám tố cáo tiếp những vụ việc khác – như vụ trung úy Bình mua sự im lặng của ông Lợi với giá 200 triệu đồng.
Bộ Luật Hình sự nói rằng người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Ở đây, ông Lợi không dàn cảnh chung – chi, mà thực tế vụ việc “diễn ra khách quan” và đã được người dân chủ động ghi nhận bằng hình ảnh, tiếng nói để làm bằng chứng tố cáo. Ngay cả khi ông Lợi giữ vai trò trung gian trong chung – chi, thì khoản 6 Điều 290 Bộ Luật hình sự, quy định đối với hành vi làm môi giới hối lộ, người phạm tội sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Diễn giải về điều luật này, chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp đã thực hiện hành vi làm môi giới hối lộ; việc đưa hoặc nhận hối lộ chưa thực hiện, hoặc đã thực hiện nhưng chưa bị phát giác (chưa ai biết gì), mà người làm môi giới hối lộ đã tự mình viết đơn, hoặc trực tiếp đến cơ quan, tổ chức khai báo toàn bộ sự việc phạm tội mà mình thực hiện, góp phần vào việc ngăn chặn, phát hiện hoặc điều tra tội phạm. Chủ động khai báo trước khi hành vi bị bị phát hiện được coi như là trường hợp tự thú, nên có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự.
Như vậy, có thể coi quy định tại khoản 6 Điều 290 Bộ luật hình sự là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm môi giới hối lộ, nên khi xác định trường hợp này phải đối chiếu với các quy định về miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 25 Bộ Luật hình sự. Và nếu căn cứ theo đúng các quy định “giấy trắng mực đen” này, rõ ràng việc khởi tố và bắt giam ông Trần Minh Lợi vào chiều ngày 22-3, có lẽ nhằm ngăn chặn việc ông Lợi tiếp tục tố cáo những vụ việc tham nhũng ở địa phương trong bối cảnh Quốc hội đang họp kỳ cuối cùng, và sắp tới đây là các ứng cử viên sẽ bước vào vòng “tranh cử”.

Giới luật sư ở Sài Gòn dự đoán kịch bản sắp tới, là CQĐT sẽ nói rằng ngoài việc giúp người dân tố cáo một số vụ án liên quan đến các cơ quan chức năng, ông Trần Minh Lợi còn lợi dụng điều này để trục lợi cá nhân, vay mượn tiền nhiều người sau đó không chịu trả… Ông Minh bị bắt vì những đơn tố cáo này của nhiều người…

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo