LM Trần Xuân Tâm
(VNTB) – “Các chủng sinh của sáu chủng viện (hiện được mở cửa ở Việt Nam-2011) phải làm việc với công an
B. – Chiến lược thứ hai
Để làm hết sức trong nỗ lực và kế hoạch mình nhằm có được sự phục tùng và cộng tác từ hàng giáo sĩ Công Giáo ở Việt Nam, ĐCSVN kết hợp những hạn chế và cấm đoán thuộc loại chiến lược thứ nhất với những thủ đoạn tình báo được che giấu. Sau khi mất hơn 12 năm (1978-1991) điều tra và phỏng vấn thuyền nhân tị nạn Việt Nam với gốc gác khác nhau (kể cả những cán bộ của Đảng) đặc biệt từ miền Bấc và miền Trung Việt Nam, một nhân viên khảo cứu và phân tích của chính phủ Mỹ đã tóm tắt những thủ đoạn tình báo đáng khinh bỉ, xấu xa, và thâm độc của chiến lược thứ hai như sau: “Việc điều khiển Giáo Hội Công Giáo và những thay đổi và phát triển bên trong Giáo Hội là một phận vụ hết sức quan trọng đối với ngành an ninh (của ĐCSVN). Từ bộ Nội vụ và Phân bộ A-16 của nó cho đến các Cơ quan Công an tỉnh và thành phố và các văn phòng PA-16 của chúng, nỗ lực lớn nhất được tập trung vào thành phần căn bản của Giáo Hội, tức là hàng giáo sĩ.
Các thủ đoạn đó là khai thác bất kỳ vai trò tiêu cực nào của Giáo Hội về phương diện lịch sử; khai thác những lỗi lầm và sai trái trong quá khứ và hiện-nay, và cá tánh của nhiều cá nhân trong hàng giáo sĩ; và bới rộng ra những mâu thuẫn nội bộ của Giáo Hội. Trong việc thực hiện những thủ đoạn này, các cán bộ của bộ Nội vụ dò xét để tìm kiếm những cộng sự viên đặc biệt tiềm tàng ở nơi các giám mục và các linh mục. Rồi thì những phương pháp thích hợp được bày ra cho từng cá nhân một để mà nắm bắt họ. Nói vắn tắt, cả một mạng lưới nhân viên đặc biệt bên trong Giáo Hội Công Giáo thường được xây dựng và nới rộng bắt đầu từ những nhân tố thấp thôi, những người sẽ được nâng lên vị trí hay tình trạng cao hơn. Mục đích là để biết tất cả những kế hoạch của Giáo Hội, và để nghiền nát chúng ngay khi còn trong giai đoạn trứng nước. Mục đích sau cùng là biến Giáo Hội thành ra một thứ tổ chức bù nhìn” . [24]
Nên lưu ý rằng nếu ĐCSVN không thể tìm thấy được bất kỳ lỗi lầm luân lý nào để mà khai thác ở nơi một ứng sinh chủng viên, một chủng sinh, một linh mục, một giám mục, thì Đảng sẽ chỉ dùng chính những mục tiêu hay mục đích tôn giáo như vào chủng viện, chịu chức linh mục, tu học ở nước ngoài, giảng dạy trong chủng viện, được làm giám mục, trở thành hồng y v.v… đê mà làm mồi nhử họ. Khai thác ở nơi họ những khao khát muốn đạt được những mục tiêu này, Đảng cố gắng ép họ có sự cộng tác nào đó với Đảng.
Một điều cũng quan trọng để biết đó là để tránh bất kỳ sự đối lập nào trong tương lai chống lại việc Đảng đàn áp sự độc lập và tự trị của Giáo Hội, Đảng thấy rằng dễ dàng hơn và hiệu quả hơn là nên khám phá, đe dọa, và loại trừ bất kỳ tiềm năng đối lập nào ngay trong giai đoạn trứng nước, nghĩa là, ở nơi ứng sinh chủng viện cũng như ở nơi chủng sinh, và bằng những phương tiện khác nhau, áp lực cho có được bất kỳ sự cộng tác nào khả dĩ ngay từ giai đoạn sớm sủa này. Nói chính xác hơn, “sau khi được trình tên tuổi lên chính quyền tỉnh, các ứng viên chủng sinh bị công an tôn giáo thẩm tra nhiều lần và hầu như tất cả đều được ‘đề nghị’ nhận công tác làm mật báo viên trong đại chủng viện” . [25] .
Điều đó muốn nói rằng: “các chủng sinh của sáu chủng viện (hiện được mở cửa ở Việt Nam-2011) phải làm việc với công an và nhiều nơi công an yêu cầu làm ‘báo cáo’ cho họ về chủng viện nếu họ được phép vào chủng viện” . [26]
Theo bản chất của nó, dĩ nhiên, bằng chứng của chiến lược này không dễ có được và càng khó được chứng minh tính xác thực. Tuy nhiên, chính tôi đã từng nghe từ những “nhân chứng” trực tiếp những câu chuyện liên quan đến việc ĐCSVN bí mật xâm nhập vào bên trong các chủng viện và điều khiển ở trong đó những mạng lưới “tình báo” và việc Đảng dùng những mục tiêu hay mục đích tôn giáo để làm mồi nhử các ửng sinh chủng viện, các chủng sinh, và các linh mục cộng tác với Đảng. Sau đây là một vài ví dụ điển hình.
Trong thời gian về thăm Việt Nam vào mùa hè năm 2000, tôi đã gặp một chủng sinh của giáo phận Đà Nẵng đang học tại Đại chủng viện Huế. [27]
Thầy ấy kể, khi về thăm nhà trong mỗi kỳ hè, thầy được “mời” đi ra ngoài với một viên công an nhất định của thành phố Đà Nẵng. Trong cuộc nói chuyện, người công an này chứng tỏ anh ta biết nhiều chuyện, kể cả chi tiết về những hoạt động của Đại Chủng viện Huế lẫn của cá nhân các chủng sinh trong năm học vừa qua như thể chính anh ta là một chủng sinh ở đó. Đáng ngạc nhiên và đáng sợ hơn, viên công an này còn “tiên đoán” cả tương lai, nói cho thầy ấy biết là một chủng sinh cụ thể tên X sẽ bỏ chủng viện trong một năm nữa. Sự việc xảy ra y như anh ta đã nói trước (người ta đồn rằng khi còn là chủng sinh, X đã mắc vào chuyện tình cảm với phụ nữ). Bài học mà viên công an muốn truyền đạt đã rõ ràng: “Chúng tôi (Đảng) biết hết mọi sự. Anh đừng nên hay ngay cả có ý định làm bất cứ điều gì mất lòng chúng tôi nếu anh muốn tiếp tục chương trình đào tạo chủng viện và muốn cuối cùng được chịu chức linh mục”.
Sự hiện hữu của mạng lưới “tình báo”, trong Đại Chủng viện Huế được chính Linh mục Nguyễn Bình Tĩnh (xem ở trên), giám đốc chủng viện, gián tiếp thừa nhận, khi ông nói trước mặt các chủng sinh là các thầy cứ việc báo cáo [hiểu ngầm là báo cáo cho Đảng] , nhưng phải báo cáo thật. Nói cách khác, bản thân ông là người phục tùng và cộng tác với Đảng. Linh Mục Tĩnh thấy không có ngăn trở luân lý gì đối với chính sự hiện hữu của cái thủ đoạn thâm độc và đáng khinh bỉ này ở nơi các chủng sinh của ông. Bổn phận luân lý duy nhất mà ông yêu cầu từ các chủng sinh là những ai theo dõi người khác thì phải báo cáo cho Đảng chỉ những gì thực sự xảy ra thôi, chớ đừng có vu cáo [28] và như thế, xét cho cùng, đã quá đủ đối với Đảng.
Một linh mục thuộc một giáo phận ở miền Bắc kể cho tôi nghe câu chuyện cha nạp đơn vào Đại Chủng viện. Mặc dầu cha lớn lên ở miền Bắc từ lúc sinh ra (trước 1975) và đã từng phục vụ trong Quân đội của Đảng, gốc gác chính trị trên mức trung bình này vẫn không đủ để cha được chấp nhận là chủng sinh. Sau khi nạp đơn, cha phải làm việc với chính quyền Đảng ở cả hai cấp địa phương huyện và tỉnh chừng 25 lần để xin được chấp thuận. Trong những lần đó, họ vừa thuyết phục cha cộng tác với họ mà theo dõi những người khác ở trong chủng viện, vừa gián tiếp đe dọa rằng sự cộng tác này là điều kiện cần thiết để cha được chấp nhận. Vâng theo lời khuyên của một linh mục đạo đức và có tinh thần kiên quyết, cha từ chối hành động tội lỗi đó, và tín thác số phận của mình vào tay Thiên Chúa. May mắn, cuối cùng cha được nhận làm chủng sinh vào năm 1993 mà không phải thỏa hiệp tính chân thật của một người Công Giáo nhờ vào sự can thiệp của viên Thư ký Tỉnh ủy. ông ta, tuy là là đảng viên, nhưng có những suy nghĩ tốt đẹp về Giáo Hội Công Giáo. Do một sự tình cờ biết được hoàn cảnh khó khăn của cha, ông đã quyết định giúp đỡ mà không cho cha biết. Dầu sau này khám phá ra được sự giúp đỡ đó đến từ ai, cha trên hết mọi sự vẫn xem điều này là sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Một linh mục thuộc một giáo phận ở miền Trung kể cho tôi điều đã xảy ra cho cha khi cha xin phép ĐCSVN được đi tu học tại Học viện Công Giáo Paris, Pháp. Một cách riêng tư, Đảng đã yêu cầu cha cộng tác với Đảng bằng cách theo dõi, chẳng hạn những linh mục sinh viên Việt Nam khác ở Paris, và báo cáo cho Tòa Đại sứ Việt Nam ở đó. Đảng cố gắng tạo cho cha có cảm tưởng rằng việc cha chấp nhận đòi hỏi này là điều kiện cần thiết để Đảng cho phép cha. Cha từ chối hành vi bỉ ổi đó. Cuối cùng, Đảng cũng phải nhượng bộ và tiến hành trường hợp của cha một cách thông thường theo như luật pháp của Đảng đã quy định. Tuy vậy, vị linh mục này tỏ ý nghi ngờ rằng một vài linh mục cùng tu học như cha hoặc vì thiếu cứng rắn để kiên trì từ chối hoặc vì quá tham vọng về những viễn tượng của việc họ đi tu học có thể đã nhượng bộ đối với yêu cầu của Đảng về chuyện cộng tác.
(tiếp kỳ sau) C.- Chiến lược thứ ba, chiến lược thâm độc nhất và xấu xa nhất
______________
Ghi chú:
[24] Trần-an-bình với Gilbert B. Lay ton. The Secrets of King Midas (Những Bí Mật của Vua Midas).Gaithersburg, MD: VN Education Fund, 1995: 29. (Cuốn sách có lời mở đầu của William E. Colby, cựu Giám đốc CIA). (Nhấn mạnh là của tôi).
[25] Bản Tường trình của Linh mục Phan Văn Lợi và Linh mục Nguyễn Hữu Giải về việc Cộng sản Việt Nam bách hại tôn giáo (được hoàn thành vào ngày 19 tháng Sáu năm 2002). Đề nghị” là ngôn ngữ ‘lịch sự’ mà công an của Đảng dùng hôm nay, nhưng trong thực tế thường mang ý nghĩa của một đòi hỏi có tính hăm dọa cưỡng chế.
[26] Nhận Định của linh mục Chân Tín “Về việc giải độc của các chức sắc tôn giáo Việt Nam ở Mỹ” (viết ngày 12 tháng Sáu năm 2002 và được phổ biến trên mạng thông tin quốc tế sớm sau đó).
[27] .- Vì lý do an toàn của các nhân chứng cũng như một vài lý do khác, tôi không thể cho biết tên của họ và một số chi tiết liên can khác ở trong những ví dụ này.
[28] Xem: Linh mục Phan Văn Lợi. Tin ngày 9 tháng Một năm 2002 về cuộc tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Tổng Giáo phận Huế.