Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng còn lạm dụng độc quyền hơn cả nhà xuất bản Giáo dục…

Định Tường

 

(VNTB) – Nếu thực sự đúng là “dân biết – dân bàn – dân kiểm tra”, thì việc có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền đã được xử trí ngay từ khi manh nha

 

Ngày 13-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Thái, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam. Ông Thái bị điều tra về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Kết quả điều tra xác định ông Nguyễn Đức Thái đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng với ba bị can còn lại là Nguyễn Thị Thanh Thủy, Đinh Quốc Khánh và Tô Mỹ Ngọc vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trước đó, theo kết quả thanh tra, giai đoạn 2014 – 2018, trong quá trình xây dựng giá gói thầu in sách giáo khoa, nhà xuất bản Giáo dục hạch toán sai sót dẫn đến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa bằng giá nhà xuất bản này đã đăng ký giá từ năm 2011, cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá, với số tiền hơn 85 tỷ đồng.

Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh sách giáo khoa còn một số vi phạm, dẫn đến giá sách giáo khoa đã được nhà xuất bản đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý.

Phía Thanh tra Chính phủ còn cho rằng nhà xuất bản cũng chưa thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh, tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa cao, chưa thực hiện tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành sách giáo khoa…

Thanh tra Chính phủ đánh giá nhà xuất bản có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng độc quyền bị cấm theo quy định của luật cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá sách giáo khoa…

Khi biên tập và thiết kế sách giáo khoa, nhà xuất bản chưa tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thiết kế, biên tập sách giáo khoa để hạn chế việc học sinh viết vào sách giáo khoa.

Thanh tra Chính phủ xác định, từ năm 2014 đến hết tháng 8-2019, có 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào sách giáo khoa đã được in, phát hành và bán, với tổng số hơn 303 triệu bản.

Nếu tính 65% sách giáo khoa có các trang sách học sinh có thể viết vào không dùng lại được, giá trị lãng phí tạm tính cho gia đình học sinh và xã hội lên tới gần 2.400 tỷ đồng. Ngoài ra, việc phát hành sách giáo khoa qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian nên chưa tiết kiệm được chi phí. Tỷ lệ chiết khấu của sách giáo khoa là 25%, còn cao và chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác phải kê khai giá…

Những cáo buộc ở trên từ phía Thanh tra Chính phủ đã đưa đến vụ án được khởi tố và các bắt bớ được bắt đầu như đã nêu ở phần đầu bài viết này. Tuy nhiên có một vấn đề lớn hơn đã được cả Thanh tra Chính phủ cho đến cơ quan tố tụng lãng tránh đề cập, đó là các việc “viết vào sách giáo khoa – độc quyền phát hành” của nhà xuất bản Giáo dục đã được công luận lên tiếng từ rất sớm.

Nghĩa là nếu thực sự đúng như đảng tuyên truyền “dân biết – dân bàn – dân kiểm tra”, thì việc có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền đã được xử trí ngay từ khi manh nha, chứ không phải kéo dài đến tận hôm nay.

Mặt khác nếu nhìn căn cơ hơn, cần thiết xem xét liệu có phải nguyên do đến từ việc đảng cộng sản Việt Nam lâu nay cũng lạm dụng vị thế là độc quyền toàn trị, khiến xảy ra hàng loạt vụ việc tham nhũng dắt dây kéo dài?

******

[ads_color_box color_background=”#f0e9e9″ color_text=”#444″]

Ngày 13/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định Khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can có liên quan.

Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam.

Kết quả điều tra xác định: Ông Nguyễn Đức Thái, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao trong việc mua sắm giấy in phục vụ in ấn sách giáo dục, cùng bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng Ban Kế hoạch Marketing và ông Đinh Quốc Khánh, nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing đã thông đồng với bà Tô Mỹ Ngọc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu cung cấp giấy in, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Sau khi trúng thầu, ông Nguyễn Đức Thái, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy được nhận lợi ích vật chất từ bà Tô Mỹ Ngọc.

Ngày 13/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định tố tụng:

  1. Khởi tố vụ án: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan.
  2. Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với:

+ Nguyễn Đức Thái (SN: 1962; trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam;

+ Nguyễn Thị Thanh Thủy (SN: 1967; trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam

Về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015;

  1. Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với:

+ Đinh Quốc Khánh (SN: 1970; trú tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội), nguyên Phó Trưởng Ban Kế hoạch Marketing, Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam

+ Tô Mỹ Ngọc (SN: 1980; trú tại phường Phú Mỹ Hưng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cổ phần Giấy Phùng Vĩnh Hưng.

Cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với các bị can theo đúng quy định pháp luật.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng vụ án, thu hồi triệt để tài sản Nhà nước.

 

[/ads_color_box]


Tin bài liên quan:

VNTB – Tham nhũng ngay từ… lập pháp

Do Van Tien

VNTB – Luật nồng độ cồn: cần thiết hay phiền hà cho dân?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Điều 4, Hiến pháp 2013: đảng tự lấy đá ghè chân mình?

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo