Anh Khoa dịch
(VNTB) – Ở những công ty tư nhân, Đảng Cộng sản — đã từng gần như không tồn tại — lại một lần nữa bén rễ
23 tháng 6 năm 2021
Nếu từng là tòa nhà cao nhất Thượng Hải, thì trụ sở cao 40 mét của tờ North China Daily News đã không tồn tại lâu như vậy. Các tòa nhà chọc trời đã trở thành mốt trước khi những người Cộng sản tiếp quản vào năm 1949 và biến Trung Quốc trở thành một quốc gia dẫn đầu thế giới về nhà chọc trời. Vào năm 2015, tòa nhà cao nhất Trung Quốc (và cao thứ hai trên thế giới) đã khai trương tại Lujiazui, Phố Wall của Thượng Hải, bờ sông Hoàng Phố. Các quan chức Trung Quốc gọi tòa Tháp Thượng Hải cao 632 mét này là biểu tượng cho sức mạnh của thủ đô tài chính.
Cấu trúc hình xoắn 128 tầng do một công ty của Mỹ thiết kế liên tưởng hình xoắn của một con rồng. Đây là nơi có các công ty tài chính Trung Quốc và nước ngoài đặt cược vào sự trỗi dậy của Hoa Lục. JPMorgan, một ngân hàng của Mỹ, chiếm bốn tầng. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng ở đó. ĐCSTQ đã dành một không gian rộng rãi, thoáng mát trên cao để điều hành một hoạt động chính trị mà họ công khai tự hào. Trọng tâm là các công ty ở Tháp Thượng Hải và các tòa nhà chọc trời khác. Đối với các công ty tư nhân ở Trung Quốc, đó là sự gợi nhớ lại năm 1921, khi các nhà công nghiệp tự hỏi những người Bolshevik muốn gì. Một lần nữa, những người Cộng sản lại mong muốn có mặt tại nơi làm việc. Có những hệ lụy đáng lo ngại.
Trước khi thị sát Thượng Hải vào năm 2018, Tập Cận Bình đã đến thăm Tháp Thượng Hải. Trên đường đi lên bằng thang máy nhanh nhất thế giới tới đài quan sát, Tập đã dừng lại ở một trung tâm xây dựng ĐCSTQ ở trên tầng 22 (có một thang máy riêng đi thẳng tới đó). Một phòng trưng bày khẩu hiệu của Tập kêu gọi các đảng viên kiên định với những lý tưởng đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động cách đây một thế kỷ: “ Không quên nguyện ước ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh, phấn đấu cả đời”.
Những dòng chữ đó xuất hiện trên các biển quảng cáo trên khắp Trung Quốc. Cụm từ “sứ mệnh ban đầu” là từ một bài thơ thời Đường. Ông Tập nói rằng điều đó có nghĩa là làm việc vì hạnh phúc của mọi người và sự hồi sinh của Trung Quốc. Mục đích không phải là để kích động sự điên cuồng của chủ nghĩa Mao hay khuyến khích công nhân đứng lên. Mối đe dọa từ những người Bolshevik đình công khiến các nhà công nghiệp ở Thượng Hải lo lắng trong những năm 1920 giờ đây không còn nữa, vì đảng không thích tình trạng bất ổn lao động. “Ôn định là tối quan trọng” là câu thần chú của đảng. Ngày nay, nỗi lo đã khác: một đảng quyết đoán hơn sẽ xâm nhập vào các phòng họp của các lãnh đạo công ty và kiểm soát họ chặt chẽ hơn.
Từ lâu ở những nơi có ba đảng viên trở lên được yêu cầu thành lập chị bộ, và thành lập chi ủy ở nơi có 100 đảng viên trở lên. Nhưng một số doanh nghiệp không thích ý tưởng này và không phải lúc nào ĐCSTQ cũng kiên quyết với điều đó. Tập muốn tất cả phải tuân thủ mà không có lý do gì cho việc không thực hiện. “Các tổ chức đảng phải mở rộng bất cứ nơi nào đảng viên làm việc và sinh sống,” Tập nói ở tầng 22. Họ phải là “thành trì“. Hiện có 40 trung tâm xây dựng đảng cai quản hơn 280 tòa tháp trong khu tài chính. Vào năm ngoái bắt đầu thiết lập một lớp kiểm soát khác, với một ủy ban quản lý lãnh đạo đảng trong mỗi toà nhà thương mại. Những ủy ban này có bí thư đảng ủy của các công ty cho thuê nhà, cũng như cảnh sát. Truyền thông nhà nước gọi việc này là tiêm “gen đỏ” vào quản lý tài sản.
Trong các công ty tư nhân, nỗ lực để tạo dựng sự hiện diện của đảng đã được đẩy mạnh. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền, tỷ lệ doanh nghiệp có các tổ chức đảng tham gia đã tăng từ hơn 50% lên hơn 70%. Là một học viên tại Trường Đảng Trung ương, Cai Xia đã tiến hành nghiên cứu nỗ lực xây dựng đảng trong các công ty tư nhân. Bà nói, trước thời Tập Cận Bình, mục đích chủ yếu là mang lại cho các đảng viên phân tán cảm giác thân thuộc hơn và khuyến khích họ trở thành những người lao động kiểu mẫu. Giờ đây, bà Cai (người đã sống ở Mỹ từ năm 2019) cho biết, mục đích là giúp đảng duy trì sự ổn định xã hội và “giám sát và kiểm soát” các công ty của họ.
Một số công ty nước ngoài tỏ ra lo lắng. Những người hoạt động trong các lĩnh vực mà Trung Quốc coi là quan trọng đối với nền kinh tế như dịch vụ tài chính, thường phải liên doanh với các công ty nhà nước. Năm 2017, các sếp đảng viên ở một số doanh nghiệp nhà nước bắt đầu thúc ép các đối tác nước ngoài đồng ý sử dụng từ ngữ trong Điều lệ của doanh nghiệp để đảm bảo vai trò quản lý của đảng. Các công ty bắt buộc phải có điều lệ được phê duyệt chính thức. Nếu không tuân theo họ có thể bị coi là vi phạm.
Một bước lùi hiếm hoi
Đáng chú ý, trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài phản đối kịch liệt, quan chức đảng đã lùi bước. Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết ĐCSTQ không còn bắt buộc các công ty nước ngoài xác lập vai trò của đảng trong việc điều hành các liên doanh. Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, tổ chức này cho biết họ chưa nghe thấy ĐCSTQ có chức năng quản lý kinh doanh trong bất kỳ doanh nghiệp nào trong số đó. Thật vậy, trong số gần 585 công ty châu Âu được thăm dò ý kiến gần đây, gần 65% cho biết họ không biết gì về bất kỳ sự hiện diện đảng phái nào trong công ty họ. Trong số những những công ty có chi bộ đảng, chỉ hơn 1% cho biết đảng có thể phủ quyết các kế hoạch kinh doanh.
Các công ty nước ngoài luôn phải lưu tâm đến mong muốn của ĐCSTQ. Nhưng có thể đảng không coi việc tăng cường sự hiện diện của đảng trong các công ty nước ngoài là một ưu tiên chính trị. Ông Wuttke nói rằng trong các doanh nghiệp nước ngoài, các chi bộ đảng thường hoạt động “giống như Câu lạc bộ Rotary”. Nhưng ngay cả khi hầu hết không ra quyết định kinh doanh, họ có thể có hiệu ứng kiểm soát nhân viên. Người Trung Quốc thường nói rằng họ thích làm việc trong các công ty nước ngoài vì bầu không khí tự do hơn. Lester Ross, đại diện Bắc Kinh của công ty luật quốc tế WilmerHale, cho biết các ông chủ người nước ngoài hiếm khi rành tiếng Trung, có thể khó nhận ra những thay đổi trong tâm trạng của nhân viên địa phương.
Với các doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc cung cấp 80% việc làm ở thành thị, thì đây là một câu chuyện khác. Họ là những đại công ty trong ngành công nghiệp trực tuyến và công nghệ cao. Để đảm bảo quyền kiểm soát xã hội, ĐCSTQ muốn tăng cường ảnh hưởng trong các công ty như vậy cả ở cấp hội đồng quản trị và nhân viên bình thường. Đảng muốn chắc rằng những ông trùm có ảnh hưởng của Trung Quốc và nhân viên của họ sẽ tuân theo đường lối của đảng. Một chỉ thị năm 2017 kêu gọi các biện pháp nhằm “tăng cường lòng trung thành” của các doanh nhân và ban lãnh đạo đảng đối với đảng.
Một mô hình được quảng cáo rộng rãi là Tập đoàn Hodo, một công ty gia đình sản xuất hàng dệt may với 30.000 nhân viên ở tỉnh Giang Tô. Tập đã ca ngợi những nỗ lực xây dựng đảng của họ. Zhou Haijiang, giám đốc điều hành, cũng là bí thư đảng. Các nhà quản lý cấp cao khác giữ các vai trò tương ứng trong đảng ủy của công ty (giám sát hơn 100 chi bộ đảng của Hodo và khoảng 1.000 đảng viên). Trưởng phòng nhân sự phụ trách các vấn đề tổ chức đảng, người chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu là trưởng ban tuyên truyền của đảng và chủ tịch hội đồng giám sát của công ty là người đứng đầu ban kỷ luật đảng.
Năm 2018, đại biểu doanh nghiệp nước ngoài tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, cuộc họp thường niên với các đối tác Trung Quốc và lãnh đạo chính phủ, đã rất ngạc nhiên trước quyết định của chủ nhà nhằm phô trương vai trò của đảng trong các vấn đề kinh tế. Ông Zhou của tập đoàn Hodo nằm trong số những người được đưa ra để ủng hộ quan điểm này. Ông đã làm nức lòng khán giả với những chiến công xây dựng đảng và ca ngợi “hệ thống doanh nghiệp hiện đại với đặc điểm Trung Quốc” – nghĩa là một hệ thống có đảng tham gia ở mức độ cao.
Có thể dễ dàng thấy lý do tại sao đảng thích mô hình Hodo. Trong khoảng 50% doanh nghiệp tư nhân có chi bộ đảng, chủ công ty là một đảng viên. Với một người như vậy, việc đảm nhận thêm vai trò bí thư không khó. Các sếp thậm chí có thể chấp nhận ý kiến này là phương án ít tồi tệ nhất: tự quản lý các công tác đảng trong công ty tốt hơn là để người khác làm. Và có thể có lợi ích. Là một bí thư có thể mở ra cánh cửa với các quan chức. Doanh nhân coi trọng các mối quan hệ loại này. Ở chỗ riêng tư, một số doanh nhân Trung Quốc gọi những nỗ lực xây dựng đảng của họ như một việc làm lấy lệ. Đảng viên trong công ty của họ biết phải trung thành với ai để giữ công việc làm: công ty.
Tại toà Tháp Thượng Hải, truyền thông nhà nước nói rằng chuyến thăm của Tập là một lợi ích (cũng như có sự hỗ trợ từ công ty nhà nước sở hữu tòa nhà). Mỗi tháng, trung bình có một công ty đến thăm để nhờ giúp đỡ thành lập chi nhánh. Nhu cầu trở thành đảng viên gia tăng. Trung tâm dịch vụ đưa ra những điều hấp dẫn: nơi để thư giãn và ngắm cảnh. Cùng một tầng lầu có cả phòng tập thể dục.
Nhưng việc xây dựng đảng ở Lujiazui cũng là để kiểm soát đảng viên. Tầng 22 đang đi tiên phong về phương pháp mới để các đảng viên luôn hoạt động tích cực. Họ góp phần phát triển một ứng dụng cho biết đảng viên đã ghi được bao nhiêu điểm trong việc làm tình nguyện, tham gia học chính trị hoặc để gửi “báo cáo tư tưởng” (một công cụ được đảng rất yêu thích để đảm bảo kỷ luật, vì buộc đảng viên phải tự tiết lộ điểm yếu). Đạt dưới 60 điểm trong một năm thì có thể bị triệu tập để trò chuyện với cấp trên hoặc được gửi đi đào tạo lại tại một trường đảng.
Điều đó nghe có vẻ đáng sợ, nhưng những người Trung Quốc được giáo dục tốt vẫn đổ xô gia nhập đảng. Ngay cả trong trường đại học, nơi các quy định về tự do ngôn luận đã trở nên chặt chẽ hơn dưới thời Tập kể từ Thiên An Môn, nhiều sinh viên vẫn muốn vào đảng. Vì là đảng viên có thể được hưởng lợi suốt đời.
Nguồn: The Economist