Lê Thanh Thảo (VNTB) Trung Quốc đã có những nỗ lực lớn để gây ảnh hưởng đến quốc gia khác bằng quyền lực mềm.
Trong năm 2007, chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói với Đảng Cộng sản Trung Quốc là cần gia tăng sức mạnh mềm quốc gia; Chủ tịch Tập Cận Bình lặp đi lặp lại cùng một thông điệp năm ngoái. Họ biết rằng, đối với một quốc gia như Trung Quốc, sức mạnh kinh tế và quân sự tăng lên, sẽ đi kèm những rủi ro nhất định, trong đó, các nước láng giềng sẽ hình thành các liên minh để tạo sự cân bằng. Chiến lược mềm sẽ làm giảm thiểu rủi ro đó. Nhưng tham vọng quyền lực mềm của Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại lớn, Joseph Nye Jr trong một bài viết trên Theaustralian cho biết [1].
Khi Trung Quốc khởi xướng Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, rải ra hàng tỷ đô la viện trợ trong các chuyến thăm nhà nước ở nước ngoài, một số nhà quan sát lo ngại rằng, Trung Quốc đang vượt mặt Mỹ trong cuộc chạy đua quyền lực mềm. Nhà nghiên cứu Trung Quốc David Shambaugh ước tính, Trung Quốc dành 10 tỷ USD trong “tuyên truyền đối ngoại.” Trong khi đó Mỹ đã chi 666 triệu USD ngoại giao công chúng vào năm ngoái.
Chủ nghĩa dân tộc là một trong hai yếu tố là suy yếu sức mạnh mềm Trung Quốc. Ảnh: Cagle |
Tuy nhiên, hàng tỷ đô la Trung Quốc được chi tiêu chỉ mang lợi những tác dụng hạn chế. Tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản trong cuộc khảo sát ý kiến đã cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc chủ yếu là tiêu cực. Trung Quốc được xem là tích cực hơn châu Phi, nơi nước này không có tranh chấp lãnh thổ và quyền con người thường không được chú trọng.
Kết hợp sức mạnh cứng và mềm thành một chiến lược thông minh không hề dễ dàng. Một quốc gia có nguồn gốc sức mạnh mềm chủ yếu xuất phát từ ba yếu tố: văn hóa; giá trị chính trị và đối sách ngoại giao. Trung Quốc luôn nhấn mạnh sức mạnh văn hóa và kinh tế của mình, nhưng ít chú ý đến khía cạnh chính trị, do đó, sức mạnh mềm của nước này có thể suy yếu.
Hai yếu tố chính hạn chế quyền lực mềm của Trung Quốc, được đo bằng các cuộc thăm dò quốc tế gần đây. Đầu tiên là chủ nghĩa dân tộc, đặc biệt với chính sách “Giấc mơ Trung Hoa” mà chủ tịch Tập Cận Bình đề ra đã khuyến khích xung đột ở Biển Đông với các nước láng giềng.
Ví dụ: ViệcTrung Quốc chèn ép Việt Nam trong vấn đề chủ quyền của các đảo tranh chấp Biển Đông khiến các cuộc biểu tình và tâm lý ghét Trung Quốc xuất hiện, mặc dù Bắc Kinh đẩy mạnh thành lập Viện Khổng Tử thành lập để dạy văn hóa Trung Quốc.
Thứ hai là sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong vận dụng lợi thế đầy đủ của xã hội dân sự (không bị kiểm soát), bởi giới lãnh đạo Bắc Kinh cho rằng, “quyền lực mềm” chủ yếu xuất phát từ việc chính phủ thúc đẩy tuyên truyền nền văn hóa đa dạng và lịch sử có chiều sâu của nước này.
Chưa kể, trong bối cảnh truyền thông, thông tin đa dạng như ngày nay, thì việc sử dụng Tân Hoa Xã hay Truyền hình Trung ương Trung Quốc làm công tác tuyên truyền đã không đem lại hiệu quả.
Mỹ thì ngược lại, sức mạnh mềm của nước này không xuất phát từ mỗi chính phủ, mà đến từ xã hội dân sự bao gồm trường Đại học, Hollywood, văn hóa Pop và thậm chí là các tổ chức phi chính phủ (NGOs, NGO). Bởi ngoài lợi ích thương mại và quảng bá hình ảnh đất nước ra nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ có thể “bù đắp” cho các chính sách không được lòng dân của chính phủ Mĩ như cuộc chiến xâm lược Irag, thông qua phản ứng chính sách. Trong khi đó, Trung Quốc lại tìm kiếm sử dụng bộ máy vào tuyên truyền và ủng hộ.
Cuộc đàn áp hoạt động nhân quyền trong nước đã làm giảm hiệu ứng quyền lực mềm của Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Và lợi ích của Thượng Hải Expo 2009 đã nhanh chóng suy yếu khi Bắc Kinh bỏ tù người đạt giải Nobel Hòa bình – Lưu Hiểu Ba và cả thế giới ấn tượng mạnh khi nhận ra chiếc ghế trống tại lễ Oslo. Các chuyên gia marketing gọi đây là một ” thông điệp riêng”, tất nhiên, nó khá tệ hại với Trung Quốc.
Các chương trình viện trợ của Trung Quốc thường thành công và mang tính xây dựng. Nền kinh tế của nước này tăng trưởng mạnh mẽ, văn hóa truyền thống nhận được nhiều sự ngưỡng mộ. Nhưng như đã đề cập trên, để xây dựng một sức mạnh mềm vững chắc, Bắc Kinh cần phải suy xét lại các chính sách đối ngoại và đối nội, trong đó bao gồm việc chấp nhận một xã hội dân sự… Ngược lại, nếu Trung Quốc vẫn duy trì chủ nghĩa dân tộc như một chính sách đối ngoại và tăng cường sự kiểm soát quyền lực của Đảng đối với xã hội thì quyền lực mềm của nước này sẽ luôn luôn hạn chế.
[1] Cựu thứ trưởng bộ quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, là Giáo sư Đại học tại Đại học Harvard và là thành viên của Hội đồng Chương trình nghị sự toàn cầu Diễn đàn Kinh tế Thế giới.