Nguyễn Huyền
(VNTB) – Một ‘thần tượng lãnh đạo’ mới đã được Đảng chính thức ra mắt với quốc dân vào đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhận xét này được căn cứ từ nội dung của cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của tác giả Nguyễn Phú Trọng.
Khi tham những là “đặc quyền” của Đảng viên
Khi nhìn dưới góc độ “nhân – quả” thì cuốn sách kể trên cho thấy một điều rất không hay đối với người đứng đầu Đảng, đó là khi tội phạm tham nhũng vốn là “đặc quyền” của cán bộ, lãnh đạo; mà thành phần này lại là đảng viên thì Đảng sẽ kiểm thảo như thế nào trong ngày sinh nhật lần thứ 93 của mình?
Tác giả cuốn sách trên dường như đã bỏ sót một điều rất quan trọng, đó là một khi Đảng tự trao cho mình quyền “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” ghi rõ ở Điều 4.1, Hiến pháp 2013, thì có nghĩa Đảng sẽ không chỉ đơn thuần nhận trách nhiệm về bồi dưỡng, giáo dục, kiểm tra; mà phải nhìn lại thực chất cơ chế cơ cấu, phân phối và kiểm soát quyền lực trong Đảng – với các thành phần xã hội còn lại ngoài Đảng như thế nào để cân bằng cán cân quyền lực – kiểm soát quyền lực và công bằng xã hội?
Khi mà cả pháp lý – không khiến người ta biết sợ và kiểm soát hành vi của mình và đạo lý – giữ gìn và điều chỉnh hành vi, lối sống để hệ quả là nhung nhúc cán bộ, lãnh đạo kéo nhau ra tòa, vô tù vì tham ô, tham nhũng; thì Đảng sẽ phải tự hoài nghi mục tiêu vốn mang tính chân lý của mình ra sao?
Với những câu hỏi dạng “bình dân học vụ” về chính trị như trên, cho thấy dường như cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của tác giả Nguyễn Phú Trọng không phải dành để trả lời, mà đây là một tác phẩm ngợi ca trong xây dựng hình tượng “thần tượng mới” trong Đảng, sau những lãnh tụ “đóng đinh” trong lịch sử như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn; và ở thế kỷ này là Nguyễn Phú Trọng.
Tôn vinh – Sùng Bái hay ma mị “ru ngủ” nhau?
Để tránh bị chụp mũ điều luật hình sự 117, xin được dẫn chứng qua lời giới thiệu của ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban nội chính tại hôm phát hành cuốn sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng – trích:
“Cuốn sách cung cấp rất nhiều tài liệu, tư liệu, hình ảnh có giá trị, không chỉ về hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 10 năm qua, mà còn có những hình ảnh về hoạt động của Tổng bí thư từ thời sinh viên, như bức ảnh năm 1965 được đưa vào bài viết “Tình đồng chí” và thể hiện rõ tình cảm bạn bè, đồng chí anh em của Tổng bí thư luôn trước sau son sắt.
Có những bài viết cách đây tròn nửa thế kỷ khi Tổng bí thư là biên tập viên 29 tuổi của Tạp chí Cộng Sản, như bài “Bệnh sợ trách nhiệm” đăng trên Tạp chí Cộng Sản năm 1973, hay bài “Móc ngoặc”, “Làm xiếc”, “Của công, của riêng”… Người cán bộ trẻ lúc này đã thể hiện sự trăn trở, suy nghĩ và tỏ rõ thái độ lên án, phê phán những thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên”.
Liệu có phải ông Nguyễn Thái Học đang có biểu hiện của hiện tượng sùng bái thần tượng (Idolatry) ở các phát biểu trên, hay tất cả là nằm trong kịch bản soạn để xây dựng một thần tượng mới của Đảng?
Xin được nhắc lại về lý thuyết triết học mà đảng viên nào cũng từng được học rất kỹ lưỡng đến mức gần như giáo điều, đó là các nhà kinh điển Mác – Lênin luôn coi tệ sùng bái cá nhân là một hiện tượng hoàn toàn xa lạ với bản chất, mục đích, lý tưởng của giai cấp vô sản; đi ngược lại với lợi ích của tập thể và nhân dân lao động. Hệ lụy của nó là tư tưởng “cuồng tín”, quan liêu mệnh lệnh, “vô hiệu hóa” dân chủ…
Đảng có chấp nhận bị phê phán?
Trong môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, có một giáo trình viết: “Trong Lời bế mạc Hội nghị lần thứ chín (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 4/1956) khi nói về Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại hội đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc Mác – Lênin về việc thực hiện lãnh đạo tập thể và phản đối sùng bái cá nhân… Về vấn đề chống sùng bái cá nhân, chúng ta cần có sự nhận định toàn diện đối với đồng chí Xtalin. Đồng chí Xtalin có công lao to lớn với cách mạng, nhưng cũng có sai lầm nghiêm trọng. Đại hội đã dạy cho chúng ta một bài học phê bình và tự phê bình rất dũng cảm...”.
… Như vậy xem ra sắp tới đây nếu lại lấy lá phiếu tín nhiệm trong Đảng, với những gì mà ông Phó Trưởng Ban nội chính đã tôn vinh tác giả cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, thì ai sẽ dám “phê bình” đồng chí Nguyễn Phú Trọng như di huấn nêu trong nội dung Lời bế mạc Hội nghị lần thứ chín (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (tháng 4/1956) của lãnh tụ Hồ Chí Minh?