Ngọc Lan
(VNTB) – Đang có tình trạng đứt gãy chuỗi phân phối hàng hóa vì mỗi địa phương ban hành những quy định khác nhau về yêu cầu phòng tránh dịch Covid.
Chiều 16-7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp trao đổi giữa lãnh đạo TP.HCM với báo chí về tình hình dịch Covid-19.
Về tình hình cung cấp hàng hóa, ông Mãi cho biết TP.HCM có trên 10 triệu dân, khi thực hiện Chỉ thị 16 thì việc cung ứng hàng hóa rất khó khăn, nên việc thu mua thực phẩm gặp trở ngại, giá cả tăng lên hơn mức bình thường. Theo ông Mãi, khi các tỉnh xung quanh cũng thực hiện chỉ thị 16 thì điều này “có thể không tránh khỏi” nhưng cơ quan chức năng sẽ “cố gắng không để tình trạng này kéo dài, hoặc dẫn đến khủng hoảng”.
Suốt thời gian qua không khó để nhận ra là chính quyền TP.HCM vẫn chạy theo từng giải pháp tình thế, mặc dù có đến hai phó thủ tướng được ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong việc trực tiếp cùng chính quyền TP.HCM điều phối tình hình chung cho yêu cầu phòng tránh dịch Covid đang lan rộng khắp miền Nam.
Trước đó, vào tối 6-7, với việc các chợ đầu mối lớn của TP.HCM lần lượt đóng cửa, kể cả chợ đầu mối Thủ Đức vì dịch Covid-19, hàng hóa từ các tỉnh về thành phố được chính quyền thông báo là sẽ không tập kết trung chuyển ở chợ đầu mối nữa, mà sẽ được đưa trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Sở Công thương TP.HCM giải thích rằng từ trước đến nay, tiểu thương ở các chợ lẻ sẽ tự lên chợ đầu mối lấy hàng sớm, một số người buôn bán lâu năm thì được giao sỉ tận chợ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sở khuyến khích các thương nhân chuyển sang các hình thức giao dịch khác như tổ chức bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng… và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động mua bán hàng hóa.
Thời điểm đó đã có ý kiến ngần ngại về tính khả thi vì tiểu thương ở chợ nhỏ vốn liếng ít, bình thường họ chỉ bán khối lượng hàng hóa vài chục, đến trăm ký là cao. Họ kinh doanh trong phạm vi nhỏ nên liệu có dám mua một xe vài chục tấn không? Hơn nữa thành phố đang có dịch mà để xe chạy lung tung thì càng khó kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm phát tán dịch càng cao.
Tuần lễ sau đó, bất ngờ chính quyền TP.HCM ban hành văn bản gọi là Chỉ thị 10. Theo đó, chỉ thị này yêu cầu mọi người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác theo hướng dẫn của ngành y tế như để lấy xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine phòng Covid-19…
Các chợ tự phát phải tạm đóng cửa từ 0g ngày 20-6; những chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch cũng phải dừng hoạt động.
Hàng hóa bắt đầu ‘nghẽn’ các kênh phân phối.
Đến đầu giờ trưa ngày 7-7-2021, chính quyền thông báo TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố từ 0g ngày 9-7, thời gian áp dụng 15 ngày. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khi đó tuyên bố, “nguồn lực của thành phố vẫn đảm bảo, vì vậy thành phố đề nghị người dân không cần tích trữ hàng hóa”.
Thực tế thì hàng hóa từ các tỉnh rất khó khăn khi vận chuyển về thành phố, vì các yêu cầu của thủ tục giấy xét nghiệm tầm soát Covid phải âm tính mà Bộ Y tế đặt ra đối với việc người tham gia vận tải liên tỉnh.
Càng lúng túng hơn khi nhiều tỉnh, thành bắt đầu tiến hành giãn cách để phòng dịch theo nội dung của Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Vậy là, “Sáng nay tôi và giám đốc Sở Công thương đi khảo sát chợ để xem xét có thể khôi phục chợ đầu mối thành nơi tiếp nhận hàng hóa an toàn, mở lại chợ an toàn, việc tiếp nhận hàng hóa, mua bán đảm bảo giãn cách” – Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết như vậy ở buổi họp báo chiều ngày 16-7.
Liệu sắp tới chợ đầu mối và chợ truyền thống lẫn chợ hè phố sẽ được mở lại?