Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đảng kêu gọi tự chỉ trích, sao lại nổi đóa khi bị người dân ý kiến?

Thới Bình

 

(VNTB) – Trên thực tế là gần như bất kỳ tiếng nói phản biện mang tính bất đồng chính kiến nào, sớm hay muộn cũng sẽ bị Đảng bắt bỏ tù theo những điều luật hình sự của nhóm tội danh về an ninh quốc gia.

 

“Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”.

(Trích Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 4, nhà xuất bản Sự Thật, 1984, trang 452).

Diễn giải ý trên ở những khóa bồi dưỡng chính trị định kỳ, thường các báo cáo viên thao thao bất tuyệt đại khái rằng, theo tư tưởng của Người, muốn thành cán bộ tốt, thì phải có tinh thần tự chỉ trích. Tức là phải thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa, để tiến bộ hơn trong công việc.

Giảng viên nào hàn lâm hơn thì đi vào chi tiết trong chuyện đề cập đến bài viết “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc, số 51, ngày 26 tháng 9 năm 1945, ký bút danh Chiến Thắng. Theo đó, Người nhấn mạnh: “Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Thật ra thì yêu cầu về “tự chỉ trích” được nhắc đến trong các giáo trình về lịch sử Đảng là nói về cuốn sách “Tự chỉ trích” do Nguyễn Văn Cừ biên soạn sau cuộc tổng tuyển cử Hội đồng quản hạt ở Nam Kỳ, năm 1939. Khi đó, ông Nguyễn Văn Cừ là Tổng bí thư Đảng.

“Tự chỉ trích” của Nguyễn Văn Cừ gồm các phần: Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Tác giả Nguyễn Văn Cừ cho rằng vấn đề được đặt ra trước hết là “phải nhận thế nào là tự chỉ trích bôn-sê-vích”: “là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào tiến lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng…”.

Khi đề cập đến “một vài bài học nữa về cuộc tuyển cử”, tác giả đặc biệt nhắc nhở: “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chúng ta gây ra, chính chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm…”.

Nguyễn Văn Cừ lưu ý: “chớ vì thấy ảnh hưởng của Đảng và chính sách Mặt trận dân chủ đang phát triển… mà mộng tưởng tự mãn cho rằng Đảng đã có cơ sở vững chãi trong quảng đại quần chúng”.

Về cách tuyên truyền và ứng dụng chính sách Đảng – vẫn theo Nguyễn Văn Cừ, phải thấy: “Mỗi một cuộc thất bại là một dịp cho ta kinh nghiệm, coi những khẩu hiệu ta đề ra có được quảng đại quần chúng hiểu, công nhận và thực hành không?… Kêu gọi quần chúng chống sinh hoạt đắt đỏ, chống tăng thuế, tăng tiền mướn phố, mà không chú ý mở những cuộc điều tra xác thực để gần gũi quần chúng để hiểu rõ nguyện vọng thiết tha của họ hơn… Sự tuyên truyền chống phát xít Nhật lại sai lầm… không hề đả động đến cuộc đấu tranh chống phản động thuộc địa, đòi tự do và cải thiện sinh hoạt cho dân chúng”.

Đối với nạn Trotsky (*), Nguyễn Văn Cừ yêu cầu “ta phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”, “sự thật có một số người vì tình cảm cá nhân mà bỏ thăm cho bọn Thâu, nhưng một số đông vì bất bình chính sách phản động thuộc địa và vì lầm tưởng Trotsky là cách mệnh cho nên mới bầu cho chúng”, cho nên “đừng kinh thường nạn Trotsky”.

Thường thì trong tiết học liên quan cuốn sách kể trên của Nguyễn Văn Cừ, các bài viết thu hoạch sau đó của học viên hay chọn cái kết chung chung vầy: “Mục đích, phương pháp luận, tính đảng, tính chiến đấu của phê bình và tự phê bình trong Tự chỉ trích của đồng chí Nguyễn Văn Cừ là những bài học quý giá, không chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn mang tính thời sự ngày nay, cần được học tập và vận dụng trực tiếp vào đổi mới, chỉnh đốn Đảng”.

Mang so với những gì nêu ra trong huấn thị về “tự chỉ trích” của Nguyễn Văn Cừ cho đến Hồ Chí Minh, sẽ nhận ra ngay đó chỉ là lý thuyết đẹp đẽ về dân chủ, vì trên thực tế là gần như bất kỳ tiếng nói phản biện mang tính bất đồng chính kiến nào, sớm hay muộn cũng sẽ bị Đảng bắt bỏ tù theo những điều luật hình sự của nhóm tội danh về an ninh quốc gia.

____________

Chú thích:

(*) Chủ nghĩa Trotsky là lý thuyết cực tả được Leon Trotsky – một nhà bất đồng chính kiến với chủ nghĩa Stalin – phát triển kế thừa từ chủ nghĩa Marx và Lenin. Trotsky ủng hộ việc thành lập một đảng tiên phong của giai cấp lao động, quốc tế vô sản, và chuyên chính vô sản dựa trên sự tự giải phóng và dân chủ quần chúng của tầng lớp lao động.

Chủ nghĩa Trotsky phê phán chủ nghĩa Stalin, do họ phản đối tư tưởng có thể xây dựng xã hội chủ nghĩa thành công trong một quốc gia duy nhất. Chủ nghĩa Trotsky cũng phê phán tính quan liêu đã phát triển ở Liên Xô dưới thời Stalin.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng CSVN: những nguy cơ nội tại ( Bài 2)*

Phan Thanh Hung

VNTB- Nhân quyền với Hà Nội: mọi chuyện vẫn còn bỏ ngỏ?

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam đã cải thiện về tự do báo chí?

Bùi Ngọc Dân

1 comment

Nguyễn Tuấn Anh 23.05.2022 8:30 at 08:30

“vấn đề được đặt ra trước hết là “phải nhận thế nào là tự chỉ trích bôn-sê-vích

vs “trên thực tế là gần như bất kỳ tiếng nói phản biện mang tính bất đồng chính kiến nào, sớm hay muộn cũng sẽ bị Đảng bắt bỏ tù theo những điều luật hình sự của nhóm tội danh về an ninh quốc gia”

Phản biện mang tính “bất đồng chính kiến”, nếu hổng lầm, phi bolshevik. Nước mình có nền dân chủ Bolshevik, tư tưởng của Nguyễn Văn Cừ & Hồ Chí Minh là nền tảng khoa học & khách quan . Cũng giống như sách của Lữ Phương là nền tảng khoa học & khách quan cho phong trào bài trừ văn hóa phản động sau ngày giải phóng í muh

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo