Hoài Nguyễn
(VNTB) – Đầu năm 2022, cái tên Đặng Phước Dừa mới ‘tái xuất’ công luận với nghi án trục lợi đất công
Thời điểm ngân hàng Đông Á đang phải chống chọi với nhiều khó khăn và “bão của dư luận” về việc phát hành thất bại 100 triệu cổ phiếu và phải hủy bỏ kế hoạch tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng, thì ông Đặng Phước Dừa đã rời bỏ ngân hàng Đông Á.
Từng là ‘trùm’ nhà băng
Đó là câu chuyện của tháng 3-2014. Phải đến đầu năm 2022, cái tên Đặng Phước Dừa mới ‘tái xuất’ công luận với nghi án trục lợi đất công, một câu chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi ông Đặng Phước Dừa để nhượng lại 2,9ha đất công trình công cộng để xây bệnh viện ở khu Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức.
Trở lại câu chuyện tháng 3-2014. Dẫu biết việc sếp ngân hàng này đi qua ngân hàng khác làm là chuyện không phải hiếm thấy trong lịch sử ngành ngân hàng, thế nhưng cách ông Đặng Phước Dừa rút chân khỏi hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Đông Á ngay lúc ngân hàng đang khốn khó nhất để về với Eximbank (thời điểm Eximbank đang rất huy hoàng) đã khiến giới quan sát tài chính nghi ngại và tự hỏi về trách nhiệm của vị lãnh đạo này đến đâu?
Ông Đặng Phước Dừa tham gia vào hội đồng quản trị Eximbank từ ngày 28-4-2014 do 15 cá nhân đề cử với tổng số cổ phần là 130.617.211, chiếm tỷ lệ 10,57% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Sáu tháng sau ngày ông Dừa gia nhập vào hội đồng quản trị Eximbank thì ngân hàng này bất ngờ công bố lỗ khủng đến hơn 600 tỷ đồng trong quý 4-2014.
Dù vô tình hay hữu ý nhưng việc cả hai ngân hàng ông Đặng Phước Dừa nắm vai trò thành viên hội đồng quản trị đều có kết quả kinh doanh không khả quan, đã khiến cổ đông cũng như giới tài chính ngân hàng e ngại về khả năng điều hành ngân hàng của ông.
Trong kỳ Đại hội của Eximbank năm 2015, rất nhiều cổ đông đã lên tiếng chỉ trích gay gắt và buộc cả hội đồng quản trị Eximbank, trong đó có ông Đặng Phước Dừa phải từ chức vì trách nhiệm điều hành yếu kém. Và thật bất ngờ là mặc dù nắm giữ vị trí Phó Chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank, thế nhưng ông Đặng Phước Dừa chỉ nắm giữ 95.097 cổ phần, chiếm chỉ khoảng 0,01% vốn điều lệ Eximbank.
Theo lý lịch, ông Đặng Phước Dừa sinh ngày 12-4-1960 tại Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông khởi nghiệp trong màu áo Công an tỉnh An Giang. Từ tháng 12-1999 đến tháng 8-2007, ông là thành viên hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Đông Á.
Tháng 1-2004 đến tháng 3-2011, ông Dừa là thành viên hội đồng quản trị công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Từ tháng 8-2007 đến tháng 6-2010, ông Dừa là Phó chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Đông Á. Tháng 7-2010 đến tháng 2-2014, ông Dừa là thành viên hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Đông Á.
Khi đồng tiền luồn lách qua những cú áp phe
Giờ là câu chuyện hôm nay, đúng hơn là ‘xới lại’ một dự án kinh doanh bất động sản đã 15 năm qua của ông Đặng Phước Dừa dưới ít nhất 3 ‘màu áo’: Đặng Trần, Việt Tín, Ngọc Tâm.
Năm 2005, công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại Đặng Trần nộp hồ sơ đề nghị được xây dựng bệnh viện tại phần đất ở phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, nay là thành phố Thủ Đức. Năm 2006, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 1694/QĐ-UBND giao công ty Đặng Trần 32.396m2 để đầu tư xây dựng bệnh viện với thời gian 50 năm. Ngày 10-8-2007, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho công ty Đặng Trần với diện tích 29.070m2, tức giảm 3.000m2 do trừ lộ giới đường, và mục đích xây dựng bệnh viện, thời hạn sử dụng đất 50 năm…
Sau khi được cấp GCN, công ty Đặng Trần đổi tên thành công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại Việt Tín. Quá trình triển khai dự án, công ty Việt Tín góp vốn bằng quyền sử dụng đất và sau đó là chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm.
GCN cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cập nhật biến động người sử dụng là công ty Việt Tín, đến ngày 03-2-2009 UBND TP.HCM cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Việt Tín để đầu tư bệnh viện đa khoa Ngọc Tâm, tiến độ thực hiện dự án được ấn định chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 10-2010.
Tháng 4-2009, công ty Việt Tín lập hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm giá trị 105 tỷ đồng, đã được cập nhật biến động sử dụng đất…
Đến tháng 7-2012, công ty Việt Tín chuyển nhượng dự án bệnh viện Ngọc Tâm cho công ty Ngọc Tâm với giá 0 đồng. Tháng 12-2012, UBND TP.HCM ký cấp giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần 1, chứng nhận dự án thay đổi nhà đầu tư do chuyển nhượng dự án và tiến độ dự án được gia hạn làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đến tháng 6-2014. Trong giấy chứng nhận quy định trường hợp dự án triển khai chậm tiến độ 12 tháng, cơ quan thẩm quyền sẽ chấm dứt dự án.
Đến tháng 3-2013 công ty Việt Tín chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất trên cho công ty Ngọc Tâm với số tiền 65 tỷ đồng, đã được cập nhật biến động trên giấy chứng nhận.
Có được dự án trong tay, ngày 10-4-2014, công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm đã mang khu đất thế chấp cho ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Bình Thạnh với số tiền 150 tỉ đồng. Khoảng 7 tháng sau công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm tiếp tục mang khu đất thế chấp cho ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Bình Thạnh với số tiền 55 tỉ đồng.
Ngày 9-5-2016, công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm lại tiếp tục mang khu đất thế chấp lần 3 cho ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín – chi nhánh Bình Thạnh với số tiền 68 tỉ đồng.
Tháng 4-2016, tại buổi làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm xác nhận sau khi thực hiện xong công tác ép cọc với số tiền hơn 30 tỷ đồng, họ không triển khai bất kỳ công việc nào, với lý do dự án đăng ký vốn 500 tỷ đồng, nhưng dự kiến phát sinh 1.500 tỷ đồng rất khó để thu hồi vốn, nên công ty tạm ngưng triển khai dự án để tìm đối tác.
Ngày 28-4-2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM có Thông báo 3317/TB-SKHĐT gửi công ty cổ phần bệnh viện Ngọc Tâm thông báo sẽ thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, đến ngày 9-5-2016, công ty tiếp tục thế chấp quyền sử dụng đất với số tiền 68 tỷ đồng và đã được cập nhật biến động như nêu ở phần trên.
Với những sai phạm và không triển khai dự án như cam kết, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi toàn bộ khu đất đã cấp cho công ty Đặng Trần (đã cập nhật sang tên cho công ty Ngọc Tâm); thông báo đến ngân hàng nhận thế chấp về việc thu hồi khu đất trên.
Đường ‘binh’ nào cho ông Đặng Phước Dừa?
Liệu ông Đặng Phước Dừa sẽ tính đường ‘thoát’ ra sao trong vụ lùm xùm đất đai ở trên trong Nhâm Dần tới đây?
Một luật sư đưa ra lập luận về khả năng ‘lách’ của ông Dừa: doanh nghiệp được giao đất vào thời điểm 2006, tức việc giao đất áp dụng theo quy định Luật Đất đai 2003. Theo đó, tùy thuộc vào “mục đích kinh doanh hay không kinh doanh” Nhà nước sẽ áp dụng việc giao đất có thu tiền sử dụng hay không thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất.
Đến năm 2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 05/2007 hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về sử dụng đất. Theo đó nếu xây bệnh viện công lập hoặc ngoài công lập theo mục 1.2 được xem là không nhằm mục đích kinh doanh và được hưởng ưu đãi. Tại Khoản 2 Điều 109 Luật Đất đai, tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, thế chấp, bảo lãnh. Họ chỉ được thế chấp, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền trên đất (theo Khoản 3 Điều 109).
Như vậy, để xác định đúng việc ông Đặng Phước Dừa sai phạm ra sao, điều mấu chốt ở đây phải xác định, tại thời điểm giao đất, tổ chức đã được nhà nước giao đất với hình thức gì, từ đó xác định được việc chuyển nhượng dự án đúng hay sai.
Và cũng cần xác định là việc vay tiền từ tài sản nhà nước có được sử dụng đúng mục đích hay không và dự án có được triển khai hay không?