Triệu Tử Long
(VNTB) – Nếu nói cả hệ thống chính trị ở Việt Nam đang vào cuộc chống dịch virus Corona/ Vũ Hán, thì có ai từng đọc ở đâu đó trên báo chí về phát ngôn liên quan chuyện này ở người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam?
Có ai trích dẫn được phát ngôn nào liên quan đến dịch Corona từ ‘miệng’ của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng?
Dường như cụm từ “Ban bí thư” xuất hiện trong các văn bản liên quan về phòng, chống dịch virus Corona/ Vũ Hán tại Việt Nam, chỉ xuất hiện hôm 29-1-2020, và đến nay dường như rất khó tìm thấy văn bản liên quan nào đến phòng, chống dịch virus Corona/ Vũ Hán được phát hành từ Bộ Chính trị, từ Ban Bí thư. Đây là điều rất lạ lùng vì một khi đã tuyên bố cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch, thì Bộ Chính trị và Ban Bí thư luôn ‘đóng vai chính’ chứ không phải ‘mất tăm’ như hiện tại.
Ngày 29-1, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Công văn số 79-CV/TW gửi: Các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.
Trước đó, ngày 28-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Đấu tranh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đưa các thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân” – Trích yêu cầu đánh số thứ tự 4 của Ban bí thư ở Công văn số 79-CV/TW mà ông Trần Quốc Vượng ký ban hành nói trên.
Hàm ý đe dọa để tránh những phiên bản Li Wenliang tại Việt Nam?
Cụm từ “đấu tranh và xử lý nghiêm” ở đây đối với hành vi “đưa các thông tin không chính xác”, dễ khiến người dân Việt Nam liên tưởng đến tình cảnh thảm thương của bác sĩ Li Wenliang (Lý Văn Lượng) của Trung Quốc.
Khi Hồ Bắc ghi nhận ca nhiễm virus Corona đầu tiên hồi đầu tháng 12-2019 cho đến giữa tháng 1-2020, dấu hiệu lây nhiễm từ người sang người đã rất rõ, nhưng chính quyền đã cố ngăn chặn thông tin này lọt ra ngoài.
Bác sĩ Lý Văn Lượng và 7 người khác bị cảnh sát bắt cũng vì họ đã cố cảnh báo công chúng. Tuy đã được minh oan nhưng với bác sĩ Lý, mọi thứ đã muộn. Bác sĩ đã bị nhiễm virus từ một bệnh nhân không ý thức được mình đang mắc bệnh.
Nhà báo Phạm Hồng Phước, cựu phó tổng biên tập tạp chí E-chip, chua chát nhận xét: “Người thổi còi cảnh báo sớm về dịch Wuhan coronavirus để rồi bị chính quyền và công an Wuhan truy bức và bịt miệng này đã chết lúc 21g30 ngày 6-2-2020 giờ Trung Quốc, tức 20g30, giờ Việt Nam, khi tim ông ngừng đập vì nhiễm virus 2019-nCoV như nhật báo Global Times của đảng cộng sản Trung Quốc đưa tin lần thứ nhất hồi 2g58 phút ngày 7-2-2020 (1g58 phút, giờ Việt Nam) như Bệnh viện Trung tâm thành phố Wuhan – nơi ông là bác sĩ nhãn khoa và cũng là nơi chữa trị ông – loan báo trên mạng xã hội Weibo và sau đó lúc 4g thì cả báo con Global Times lẫn báo mẹ Nhân dân Nhật báo cùng đưa tin lại?
Đó là câu chuyện của thuộc tính thiếu minh bạch và đầy âm mưu của hệ thống truyền thông ở nước đông dân nhất hành tinh và hiện là ổ bùng phát đại dịch toàn cầu Wuhan coronavirus. Do không thể có dữ liệu nên ta đừng mất công sa vào tranh cãi. Chỉ cần biết một sự thật: người anh hùng Wuhan coronavirus đã hy sinh – và chết vì chính dịch bệnh mà mình bị bịt miệng.
Số lượng người nhiễm và tử vong vì Wuhan coronavirus đang tăng vùn vụt càng làm cho cái chết của người thổi còi Li Wenliang thành tai họa nghiêm trọng hơn cho nhà chức trách Trung Quốc, từ Vũ Hán tới Bắc Kinh.
Bác sĩ Li Wenliang 34 tuổi đã phải trả giá bằng cả mạng sống mình. Người vợ đang mang thai và cha mẹ của ông phải trả giá vì đều bị nhiễm Wuhan coronavirus. Ai sẽ phải trả giá cho những cái giá máu này? Cộng đồng mạng quốc tế đang cật vấn như vậy. Vì Wuhan coronavirus giờ đây không còn là chuyện nội bộ của toàn bộ các tỉnh thành đại lục Trung Quốc mà còn là ác mộng của toàn cầu – đến nay đã lây lan tới 28 nước và vùng lãnh thổ bên ngoài đại lục Trung Quốc”.
Nhà báo Thủy Cúc, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, không dằn được cảm xúc: “Sáng nay, app BBC báo Breaking News: ‘Bác sĩ Li Wenliang qua đời’, mình đã bàng hoàng. Cứ mong đây là tin giả, nhưng không phải rồi! Sự bàng hoàng này cũng giống như sự bàng hoàng hôm 10 tháng 1, khi đọc tin người bị giết trong vụ Đồng Tâm là cụ Lê Đình Kình vậy.
Sau những cảm xúc ban đầu, trong đầu mình lớn dần một dấu hỏi. Sao bác sĩ Li lại chết được, khi anh là một người trẻ, khỏe, là bác sĩ của chính bệnh viện Vũ Hán, được phát hiện sớm và theo dõi suốt trong bệnh viện ngay từ ban đầu?
Không dám nghĩ là anh bị giết, nhưng cảm giác hồ nghi, đau đớn cứ ở trong lòng. Nhất là khi đọc những câu bình luận sau bài đăng của anh trên Weibo: “Bác sĩ Li Wenliang là một anh hùng”, “Trong tương lai, các bác sĩ sẽ sợ đưa ra những báo động sớm khi họ tìm thấy dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm”, “Để môi trường y tế công cộng an toàn hơn, cần phải có hàng chục triệu người như Li Wenliang”…
Các bài viết khác nói rằng bác sĩ Li mất đi, để lại một người vợ đang mang thai và đứa con nhỏ bốn tuổi!
Từ sáng tới giờ, trên Facebook có nhiều bài viết và nhiều câu bình luận, trong đó có những câu “cầu mong anh an nghỉ”, và “cầu mong anh kiếp sau đầu thai đừng làm người Trung Hoa nữa!”.
Mình nghĩ rằng anh không thể an nghỉ được! Mà anh chỉ là một trong số 636 người chết vì dịch do virus Corona chủng mới (và còn nhiều hơn nữa). Mình không thể không thốt lên câu: Mong trời chu đất diệt đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Tạm kết: giờ thì chỉ còn ‘Nhà nước lo’
Khẩu ngữ “Đảng và Nhà nước lo” ở hiện tại trong ‘cuộc chiến tranh sinh học’ phòng chống lây lan dịch virus Corona/ Vũ Hán, có lẽ giờ ‘rút gọn’ và bổ sung, “Nhà nước và Nhân dân cùng lo”. Những người đứng đầu ‘tộc thứ 55’ ở Việt Nam tạm thời lùi ẩn sâu chốn hậu trường.
Mở ngoặc giải thích về ‘tộc thứ 55’. Số là bài báo trên tờ Đầu Tư, số phát hành Thứ Hai, ngày 3-2-2020, trang một đăng bài viết của tác giả Nhị Lê, cựu phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, có tựa: “Đảng tự mình ngày càng xứng đáng trở thành dân tộc”.
Theo Ủy ban Dân tộc, Việt Nam hiện nay có 54 dân tộc anh em. Như vậy, ‘tộc thứ 55’ như lời của nhà báo Nhị Lê – không ai khác chính là 4 triệu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Dĩ nhiên ai cũng biết tất cả quan chức Việt Nam đều là đảng viên. Nhưng vào cuộc chống lây lan dịch virus Corona/ Vũ Hán, sự ‘hậu thuẫn’ của ‘tộc trưởng’ gần như chưa thấy được chút nào…