Hà Nguyên
(VNTB) – Với những gì đang diễn ra ở phiên tòa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), cho thấy đất đai là thứ tài sản có thể bán buôn lẫn bán lẻ.
Bị cáo đầu vụ, ông Nguyễn Thái Luyện cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo là oan sai, bị cáo không lừa ai cả, mọi việc đều công khai.
Bị cáo Luyện khai trước khi mở Công ty Alibaba vào năm 2016, ông Luyện đã có thời gian dài làm trưởng phòng kinh doanh trong một công ty kinh doanh về bất động sản. Ông Luyện cũng đã học chuyên ngành kinh tế luật, nên bị cáo có kinh nghiệm về việc kinh doanh bất động sản, cũng như pháp lý về kinh doanh bất động sản.
Khi thành lập doanh nghiệp thì bị cáo Luyện đã có kinh nghiệm cả về phát triển kinh tế lẫn pháp lý bất động sản.
Một điểm nữa của cáo trạng mà bị cáo Luyện khẳng định không đúng, đó là cáo trạng quy kết Luyện chỉ có một số tiền nhỏ mua đất, còn lại là tiền chiếm đoạt. Nguyễn Thái Luyện khẳng định các thửa đất Luyện làm đều được mua từ trước, sau đó mới được làm dự án bán cho khách hàng nên không thể kết luận tiền mua đất là chiếm đoạt của khách hàng.
Do đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện khẳng định mình không lừa đảo, tất cả mọi thứ đều làm công khai. Đối với việc làm hợp đồng bán đất dự án của Alibaba cho khách hàng đều là hợp đồng chọn quyền. Việc tách thửa làm dự án để bán cho khách hàng cũng không sai.
Nguyễn Thái Luyện cũng khai số tiền mua đất ban đầu vốn là tiền Luyện kinh doanh bất động sản và dành dụm trong nhiều năm. Sau khi mở công ty thì có hùn tiền của bạn bè, gia đình để lập công ty và tuyển dụng nhân sự.
Khẳng định mình bán bất động sản uy tín và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng nên có hàng trăm ngàn khách hàng đã mua đất dự án của Alibaba, bị cáo Luyện nói từ năm 2016 đến 2017, Công ty Alibaba bắt đầu bán hàng và mỗi tháng bán đến 2.000 sản phẩm.
“Như vậy, khách hàng không phải là 4.500 người như cáo trạng truy tố, mà hàng trăm ngàn, nhưng có thể họ bảo vệ công ty nên không lên cơ quan điều tra để tố cáo” – ông Luyện nhận định.
Trên thực tế đúng là trong số những khách hàng ký hợp đồng mua đất nền của Alibaba, có nhiều khách là nhân viên của Alibaba, thậm chí là chính các bị cáo trong vụ án.
Với những diễn biến như trên đưa đến một thắc mắc cần phải được giải đáp thỏa đáng: đất đai có phải là hàng hóa để mua bán trên thị trường như trong vụ án đang xét xử? Đất đai hay quyền sử dụng đất mới là hàng hoá?
Câu trả lời ở đây: Đất đai và quyền sử dụng đất đều không phải là hàng hóa. Bất động sản mới là hàng hóa, nhưng không bao gồm đất, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Còn các bất động sản khác như nhà cửa, cây cối, công trình xây dựng mới được coi là hàng hóa. Tất cả nội dung đó có thể tham khảo khoản 2 điều 3 của Luật Thương mại 2005.
Thực tế thì mang tiếng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng hầu như toàn bộ đất đai có thể sử dụng được thì nhà nước đã giao cho các tổ chức cá nhân sử dụng lâu dài.
Còn nơi nào nhà nước “bỏ quên” liền bị một số tổ chức cá nhân chiếm dụng. Khi nhà nước muốn thu hồi đất sử dụng vào bất kỳ mục đích gì cũng phải bồi thường và hỗ trợ cho người bị thu hồi, kể cả những trường hợp chiếm dụng trước năm 1993 nếu không có tranh chấp, khiếu kiện.
Trong khi những người mua lại quyền sử dụng đất từ năm 1993 trở lại đây, nếu chưa làm thủ tục sang tên trước bạ thì chẳng những không được bồi thường mà còn bị vướng vào tội vi phạm Luật Đất đai. Chính quy định này đã khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khiếu kiện.
Bao giờ đất đai là hàng hóa? Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng băn khoăn, nếu đất đai không được coi là hàng hóa và huy động như một nguồn vốn thì đó là sự lãng phí nghiêm trọng một nguồn tài sản to lớn của đất đai.
Hơn nữa, nếu không được đưa ra thị trường một cách công khai, minh bạch thì các giao dịch ngầm lại càng tăng thêm. Ông Tuấn đặt câu hỏi, liệu đang có một cuộc phân chia lại ruộng đất ở nông thôn hay không khi nhiều khu đất trồng lúa đang bị thu hồi cho các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị?
Băn khoăn của ông Vũ Quốc Tuấn giờ cũng chính là câu chuyện của vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Vai trò nhà nước là đại diện chủ sở hữu, không thể không liên can trong vụ án đang xét xử phiên hình sự sơ thẩm đó.