Hà Nguyên
(VNTB) – Chùa Thiên Quang thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chính quyền huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đưa người và xe cẩu đến cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà khách đang xây dựng dở dang.
(Xem thêm https://vietnamthoibao.org/vntb-dau-thuong-thien-quang-tu/)
Tin tức cho biết, liên tiếp trong hai ngày 10 và 11/11/2022, nhân lúc Thượng tọa Thích Thiên Thuận trụ trì chùa Thiên Quang (toạ lạc tại xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) đi vắng, chính quyền huyện Xuyên Mộc đã đưa người và xe cẩu, xe tải vào tháo dỡ công trình bằng gỗ cọc tiêu tận dụng, có diện tích khoảng 60 mét vuông.
Đây không phải lần đầu chùa Thiên Quang bị chính quyền gây sức ép dẹp bỏ bằng cách tháo dỡ các công trình đã và đang xây dựng, mà từ cuối năm 2021, cơ sở tôn giáo độc lập này đã từng nhận được quyết định của Uỷ ban nhân dân huyện Xuyên Mộc yêu cầu tháo dỡ các công trình mà chùa đã xây dựng từ năm 2000.
Vị trụ trì chùa Thiên Quang đưa ra cáo buộc như sau: “Và bản thân tôi ở chùa Thiên Quang 20 năm qua hành đạo cũng vô vàn khó khăn. Vậy là cho thấy, những ngôi chùa độc lập họ tìm mọi cách để bách hại. Thật là đau xót, tệ nạn xã hội, đạo đức suy suyễn, nghèo đói người dân không có hạnh phúc thì hỏi Phật giáo suy hay thịnh.
Nhớ! Đức đệ tứ Tăng Thống nói:
Đạo pháp không thể nở hoa trên giang sơn nô lệ.
Dân tộc không thể hạnh phúc dưới sự áp bức đói nghèo”.
Có thể là chùa Thiên Quang được xây dựng nhưng không tuân thủ các yêu cầu về thủ tục hành chính. Tuy nhiên lưu ý là đây phần tài sản bị tháo dỡ là sở hữu hợp pháp, và được pháp luật bảo hộ về quyền dân sự của chùa Thiên Quang.
Cụ thể, Bộ luật dân sự 2015, tại Điều 180 “Chiếm hữu ngay tình”, ghi: “Chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”; Điều 236 “Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”, ghi: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Tính đến hiện tại, với những gì đang diễn ra cho thấy đất đai nơi có chùa Thiên Quang là không có sự tranh chấp về quyền sở hữu, và pháp luật về tôn giáo của Việt Nam không có điều khoản nào buộc một ngôi chùa, tự viện phải thuộc tổ chức có tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Lưu ý, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự và chính trị, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế về quyền con người cũng như trong pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người; trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Điều 16 của Hiến pháp nêu rõ: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Điều 24 khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Hiến pháp còn xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo đảm thực hiện quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Như vậy khi đã tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân thì việc xây cất chùa, tu viện cần được tạo điều kiện về thủ tục hành chính. Tài sản của chùa, tự viện còn là sở hữu hợp pháp được pháp luật dân sự bảo hộ.
Từ góc nhìn trên cho thấy hành vi tháo dỡ một phần động sản thuộc khuôn viên chùa Thiên Quang nêu trên là dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý của người dân dành cho Đảng Cộng sản.